Theo cập nhật từ bản đồ quy hoạch Ninh Bình và bản đồ quy hoạch Hoa Lư mới nhất, huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình sẽ được hợp nhất, định hướng lấy nền tảng các giá trị văn hóa – lịch sử của vùng đất cố đô Hoa Lư kết hợp với những giá trị nổi bật của di sản Tràng An, trở thành một trung tâm văn hóa – lịch sử, du lịch cấp quốc gia.
Di sản Tràng An, Ninh Bình. Ảnh trong bài: internet
Tổng quan về thành phố Ninh Bình
inh Bình là một thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Ninh Bình, Việt Nam, nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Ninh Bình, có vị trí địa lý: Phía Đông thành phố giáp huyện Yên Khánh và huyện Ý Yên của tỉnh Nam Định; Các phía còn lại đều giáp với huyện Hoa Lư.
Thành phố Ninh Bình cách trung tâm thủ đô Hà Nội 93 km về phía Nam, ở đầu mối giao thông của 3 tuyến cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, Ninh Bình – Thanh Hóa – Vinh, Ninh Bình – Hải Phòng – Hạ Long. Thành phố này cũng nằm ở giao điểm của Quốc lộ 1 với Quốc lộ 10 và Quốc lộ 38B, đi qua các tỉnh vùng duyên hải Bắc Bộ. Khoảng cách từ trung tâm thành phố đến 7 huyện lỵ khác của tỉnh Ninh Bình đều dưới 30 km.
Diện mạo văn minh, hiện đại của thành phố Ninh Bình (Nguồn: Wikipedia)
Thành phố Ninh Bình có tổng diện tích 46,75 km2, dân số tính đến tháng 12/2023 là 153.992 người, mật độ dân số đạt 3.293 người/km2 (Nguồn: Wikipedia). Thành phố hiện có 14 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 11 phường: Đông Thành, Bích Đào, Nam Bình, Nam Thành, Ninh Phong, Ninh Khánh, Ninh Sơn, Phúc Thành, Thanh Bình, Tân Thành, Vân Giang và 3 xã: Ninh Phúc, Ninh Nhất, Ninh Tiến.
Cơ cấu kinh tế của thành phố trong những năm gần đây đang có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và thương mại – dịch vụ, giảm tỷ trọng Nông nghiệp.
Tổng quan về huyện Hoa Lư
Hoa Lư là một huyện nằm tại trung tâm tỉnh Ninh Bình, Việt Nam. nằm cách thành phố Ninh Bình 8 km, cách thủ đô Hà Nội 85 km, với vị trí địa lý:
- Phía Đông huyện Hoa Lư giáp huyện Yên Khánh và thành phố Ninh Bình
- Phía Tây huyện Hoa Lư giáp huyện Gia Viễn và huyện Nho Quan
- Phía Nam huyện Hoa Lư giáp thành phố Tam Điệp và huyện Yên Mô
- Phía Bắc và Đông Bắc huyện Hoa Lư giáp huyện Ý Yên của tỉnh Nam Định.
Huyện Hoa Lư ngày càng phát triển mạnh về du lịch (Nguồn: Đài phát thanh truyền hình Ninh Bình)
Huyện Hoa Lư có tổng diện tích 103,49 km2, dân số quy đổi tính đến tháng 12/2023 là 83.613 người,mật độ dân số đạt 807 người/km2 (Nguồn: Wikipedia). Huyện Hoa Lư có 11 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm thị trấn Thiên Tôn và 10 xã: Ninh Giang, Ninh An, Ninh Hải, Ninh Khang, Ninh Hòa, Ninh Mỹ, Ninh Thắng, Ninh Xuân, Ninh Vân, Trường Yên.
Huyện Hoa Lư hiện có 3 cụm công nghiệp tập trung:
- Cụm công nghiệp Ninh Khánh thuộc phía Bắc thành phố Ninh Bình với diện tích 20 ha. Cụm này nằm gần trung tâm, có cơ sở hạ tầng tốt, địa hình bằng phẳng. Đây là nơi bố trí sản xuất công nghiệp nhẹ.
- Cụm công nghiệp Ninh Tiến tại xã Ninh Tiến với diện tích 65 ha, thuận lợi về giao thông đường thủy. Lĩnh vực sản xuất chính của cụm này là hế biến, sản xuất đá mỹ nghệ, đá cao cấp và cơ khí vận tải thủy.
- Cụm công nghiệp Thiên Tôn thuộc phía Bắc thị trấn Thiên Tôn với diện tích 50 ha. Cụm này cách trung tâm tỉnh 5 km, giáp Quốc lộ 1, có cơ sở hạ tầng tốt, địa hình bằng phẳng. Lĩnh vực bố trí chủ yếu là công nghiệp dệt may, gia công chế biến thủ công mỹ nghệ, các cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm.
Quy hoạch hợp nhất thành phố Ninh Bình với huyện Hoa Lư và mở rộng địa giới thành phố Tam Điệp
Bản đồ quy hoạch Ninh Bình nêu rõ định hướng về quy hoạch hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn, đặc biệt thực hiện hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư trở thành một đơn vị hành chính mới là đô thị loại I (dự kiến lấy tên là thành phố Hoa Lư).
Định hướng quy hoạch
Quy hoạch Ninh Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu phấn đấu, Ninh Bình cơ bản đạt các tiêu chí vào năm 2030 và đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, theo đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; tầm nhìn đến năm 2050 là một thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, thông minh, hiện đại, có bản sắc riêng, ngang tầm với những đô thị di sản, thành phố sáng tạo trên thế giới.
Quy hoạch cũng xác định “ba nền tảng”, “bốn trụ cột” phát triển kinh tế và “7 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá”. Đồng thời thực hiện hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư, trở thành đơn vị hành chính mới là đô thị loại I theo Nghị quyết số 16, ngày 23/8/2023 của Tỉnh ủy về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025.
Cùng với đó, quy hoạch xác định 3 vùng chức năng, vùng trung tâm có vai trò động lực, đột phá phát triển là thành phố Hoa Lư và thành phố Tam Điệp; 3 hành lang phát triển gắn với những công trình hạ tầng giao thông đường bộ trọng điểm cùng với hành lang ven biển.
Quy hoạch định hướng phát triển hệ thống đô thị đồng bộ, nâng cao tỷ lệ về đô thị hoá với định hướng 7 đô thị trung tâm. Đối với vùng nông thôn, sẽ phát triển hài hòa cùng với xây dựng đô thị di sản.
Mục tiêu quy hoạch
Bản đồ quy hoạch Ninh Bình cũng như bản đồ quy hoạch Hoa Lư đều thống nhất mục tiêu, bám sát chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Ninh Bình và Đảng bộ huyện Hoa Lư đề ra, tạo nền tảng, tiền đề xây dựng và phát triển “thành phố Hoa Lư” với định hướng “Đô thị Di sản thiên niên kỷ”.
Quy hoạch thống nhất đổi mới tư duy, phát triển thành phố Hoa Lư tiêu biểu của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, là hình mẫu phát triển với sự kết hợp chặt chẽ giữa bảo tồn di sản và tăng trưởng kinh tế, hướng vào tiêu chí xã hội phát triển và nhân dân hạnh phúc.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác quy hoạch; quản lý kiến trúc, đô thị, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; bảo đảm sự hài hòa giữa kiến trúc với tự nhiên.
Huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình sáp nhập tạo nền tảng phát triển đô thị mới (Nguồn: Báo Lao động)
Mở rộng địa giới hành chính thành phố Tam Điệp
Quy hoạch Ninh Bình xác định điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thành phố Tam Điệp, phát triển thành phố theo định hướng trở thành đô thị công nghiệp – dịch vụ hiện đại, thân thiện với môi trường, kết nối và chuyển tiếp hài hòa, tạo động lực phát triển cho vùng Đông Nam huyện Nho Quan. Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất điều chỉnh địa giới theo 2 phương án:
- Phương án 1: Mở rộng phạm vi 2 xã Sơn Hà và Quảng Lạc (huyện Nho Quan), xây dựng thành phố trở thành “Thành phố trọng điểm về quốc phòng và an ninh”
- phương án 2: Mở rộng các xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư); Quảng Lạc, Sơn Hà, Sơn Lai (huyện Nho Quan), phát triển thành phố trở thành đô thị công nghiệp – dịch vụ hiện đại, chất lượng cao.
Địa giới hành chính Tam Điệp sẽ được mở rộng trong năm 2025 (Nguồn: Báo Ninh Bình)
Quy hoạch thành phố Hoa Lư sau khi sáp nhập
Huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình sau khi được sáp nhập sẽ dự kiến lấy tên là thành phố Hoa Lư.
Theo lộ trình, đến năm 2025, tỉnh Ninh Bình sẽ hoàn thành việc sáp nhập, chính thức thành lập thành phố Hoa Lư. Đồng thời hoàn thiện những tiêu chí công nhận thành phố là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, có vị thế là trung tâm du lịch vùng và quốc gia, trung tâm chính trị – hành chính, giáo dục – đào tạo, văn hóa, kinh tế, khoa học – công nghệ, là đầu mối hợp tác quốc tế của tỉnh Ninh Bình.
Quy hoạch xác định, việc xây dựng và phát triển thành phố Hoa Lư phải bám sát theo sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, tạo nền tảng xây dựng thành phố theo định hướng “Đô thị Di sản thiên niên kỷ”.
Đại diện Sở Nội vụ tỉnh Ninh Bình cho biết, sau khi thành lập thành phố Hoa Lư, đồng thời sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, thành lập một số phường mới, thành phố Hoa Lư sẽ có diện tích tự nhiên là 150,24km2, rộng gấp 3 lần so với thành phố Ninh Bình hiện tại.
Quy mô dân số là 231.122 người, đơn vị hành chính trực thuộc bao gồm 20 xã, phường. Tỉ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính trực thuộc là 75%.
Như vậy, theo thống nhất chung của bản đồ quy hoạch Ninh Bình và bản đồ quy hoạch Hoa Lư, việc sáp nhập sẽ đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước, phát huy tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là các giá trị di sản văn hóa – lịch sử cùng truyền thống tốt đẹp của vùng đất cố đô Hoa Lư.
Theo onehousing.vn