Hầu hết chúng ta vẫn quen với việc sân bay thường được xây dựng ở cách xa khu trung tâm thành phố. Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới, cảng hàng không được phát triển lên mức như một đô thị thu nhỏ, được xây dựng ngay gần hoặc kết nối với thành phố bằng những phương tiện công cộng hiện đại, tốc độ cao.
Một ví dụ điển hình về thành phố được xây dựng mới, nằm ngay cửa sân bay đó chính là Songdo, Hàn Quốc. Thành phố này được xây dựng thông minh với mục đích phục vụ sân bay tại thủ đô Seoul đó là Incheon.
Mới đây nhất là thành phố, sân bay New Istanbul, được dự đoán sẽ trở thành đô thị sân bay lớn nhất thế giới, tạo hơn 225.000 công việc. Bên cạnh 6 đường băng và 1,5 triệu m2 không gian trong nhà, nơi đây còn có một thành phố liền sát với diện tích gần 7.000km2 bao gồm nhà ở, văn phòng, khách sạn, phục vụ những hoạt động thương mại toàn cầu đến và đi khỏi thành phố này.
Nhắc đến đô thị sân bay, không thể không nhắc tới Dubai, các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất. Dubai đã xây dựng “Thành phố Lễ hội”, chỉ cách phi trường khoảng hơn 1 km với 100.000 khu dân cư, trường học, khu thương mại, bến du thuyền. Trung tâm đô thị mới thu hút dòng thương mại khổng lồ chảy qua sân bay quốc tế Dubai nổi tiếng.
Sân bay quốc tế Changi, Singapore có thể coi như một thành phố siêu nhỏ với đầy đủ các dịch vụ
Trong khi đó, những thành phố ở các quốc gia “đất quý hơn vàng” như Nhật Bản và Singapore lại chọn cách phát triển sân bay thành một thành phố siêu nhỏ, có thể tự cung tự cấp mọi nhu cầu mà hành khách cần. Ví dụ điển hình là sân bay quốc tế Changi của quốc đảo Singapore. Cảng hàng không này không chỉ những khu vực bán lẻ hàng hiệu, khách sạn, nơi vui chơi giải trí, khu thể thao mà còn có cả rừng mưa trong nhà hay bệnh viện, nhà thuốc và trung tâm thương mại.
Jewel là nỗ lực mới nhất để hiện thực hoá giấc mơ đô thị sân bay theo phong cách Singapore thành sự thật. Nếu như các hoạt động thương mại và công nghiệp được thực hiện tại khu Changi thì các hoạt động bán lẻ và giải trí được thực hiện tại Jewel. Singapore mong muốn biến Jewel trở thành một điểm đến thăm quan thực thụ để khách nước ngoài tới đây sẽ không rời đi khi chưa chi tiền vào vào các hoạt động vui chơi mua sắm hấp dẫn.
Mô hình này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương mà bản thân khách cũng có lợi khi không phải mất thời gian và tiền bạc để đi lại quãng đường xa vào trung tâm thành phố.
Trước xu thế này của thế giới, Việt Nam cũng đang nghiên cứu xây dựng mô hình đô thị sân bay hoặc aetropolis đối với sân bay Đà Nẵng. Tuy nhiên dự án này hiện đang trong giai đoạn nghiên cứu.