Ngày 22/3 vừa qua, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội đã tổ chức công bố 6 đồ án quy hoạch phân khu 1/2000 (QHPK) thuộc khu vực nội đô lịch sử. Các quy hoạch này thuộc địa giới hành chính các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng của Thủ đô Hà Nội.
Vị trí khu vực quy hoạch và 6 đồ án QHPK. Ảnh nguồn: kinhtedothi.vn.
Đây là các đồ án quy hoạch vừa được UBND TP. Hà Nội phê duyệt theo các Quyết định 1357/QĐ-UBND, 1358/QĐ-UBND, 1359/QĐ-UBND, 1360/QĐ-UBND, 1361/QĐ-UBND, 1362/QĐ-UBND, nhằm mục tiêu phát triển khu vực nội đô lịch sử bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; cải thiện cơ bản điều kiện sống của người dân theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững. Cụ thể, vị trí các quy hoạch này gồm: khu H1-1A, H1-1B và H1-1C thuộc quận Hoàn Kiếm; Khu H1-2 thuộc quận Ba Đình; khu H1-3 thuộc quận Đống Đa và khu H1-4 thuộc quận Hai Bà Trưng. Phạm vi ranh giới quy hoạch từ Vành đai 2 tới hữu ngạn sông Hồng. Diện tích lập quy hoạch 2.709,75ha, Đặc biệt, đồ án QHPK xác định dân số khu vực này sẽ là 672.000 người, giảm khoảng 215.000 dân trong giai đoạn 2020-2030, (dân số hiện nay là hơn 887.000 người).
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng các lãnh đạo UBND thành phố và Bộ Xây dựng xem quy hoạch tại lễ công bố
Các đồ án QHPK đã xác định rõ ràng về tính chất, chức năng của từng khu vực. Cụ thể, khu phố cổ (QHPK H1-1A) là khu vực đô thị cổ có giá trị về lịch sử và văn hóa. Chức năng chủ yếu là thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở và các công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư.
Khu vực Hồ Gươm và phụ cận (QHPK H1-1B) là vùng thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội, có chức năng là trung tâm văn hóa hành chính, thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng phục vụ cư dân và các di tích lịch sử – văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng.
Khu phố cũ (QHPK H1-1C) và một phần các QHPK H1-2, H1-3 và H1-4 là khu vực đô thị cũ với nhiều công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc. Các chức năng chủ yếu của khu này gồm các di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng, biệt thự, nhà ở, cơ quan, dịch vụ thương mại, tài chính, y tế và chức năng công cộng khác.
Khu vực hạn chế phát triển (phần còn lại các QHPK H1-2, H1-3 và H1-4) là khu vực cải tạo và hạn chế phát triển xây dựng nhà ở cao tầng. Các chức năng chủ yếu ở đây là nhà ở, cơ quan, di tích, dịch vụ thương mại, du lịch và các tiện ích đô thị khác.
Các QHPK nội đô lịch sử cơ bản theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được duyệt, tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế hiện hành về các chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc. Trong đó đáng chú ý, đất công cộng đô thị và đất hỗn hợp khoảng 284,54ha (đạt chỉ tiêu 4,39m2/người). Đất cây xanh, mặt nước, thể dục thể thao đô thị khoảng 247,14ha (đạt chỉ tiêu 3,82m2/người). Đất trường THPT khoảng 18,34ha (đạt chỉ tiêu 0,28m2/người, tương ứng 7,1m2/học sinh). Đặc biệt, diện tích đường giao thông đô thị đã tăng từ 213,95ha lên từ 400 – 600ha, chiếm diện tích 22,5% đất đô thị và phù hợp với quy chuẩn.
Người dân xem bản đồ QHPK nội đô lịch sử được trưng bày tại trụ sở UBND quận Hoàn Kiếm. Ảnh: TTXVN
Cấu trúc không gian nội đô lịch sử được tổ chức theo các tuyến trục và mạng lưới đường vành đai, đường hướng tâm, tạo thành những ô phố với lõi trung tâm khu ở. Không gian đô thị được xác lập chủ yếu là công trình thấp tầng. Công trình cao tầng được bố trí dọc các tuyến đường vành đai, tuyến đường hướng tâm và những khu tái thiết đô thị, nhằm tạo một số điểm nhấn cao tầng trên các tuyến đường phù hợp với Quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc công trình cao tầng đã được ban hành. Tại các khu vực xây dựng công trình cao tầng, sẽ được xem xét ưu tiên giảm mật độ xây dựng để bổ sung tiện ích đô thị như cây xanh, đỗ xe…
Các đồ án quy hoạch đã được duyệt có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các quận nội đô cũng như thành phố Hà Nội. Nó chính là cơ sở pháp lý để quản lý sự phát triển đô thị một cách hữu hiệu. Dựa vào các QHPK này, thành phố sẽ xác định các dự án đầu tư xây dựng và cho triển khai lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phục vụ kiểm soát phát triển, quản lý, chỉnh trang đô thị, bảo tồn và phát huy giá trị khu vực di sản và trung tâm đô thị. Đó sẽ là cơ sở để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho Hà Nội, đồng thời tạo dựng một Thủ đô ngày càng xanh, văn minh, văn hiến và bền vững.
PT biên tập (Theo nguồn: Sở QHKT Hà Nội)