Phát triển đô thị thông minh không chỉ giới hạn ở lĩnh vực công nghệ…

Phát triển đô thị thông minh, bền vững tại Việt Nam là xu hướng tất yếu, có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Hướng tới mục tiêu đó, nhiều đô thị nước ta đang được phát triển theo đề án đô thị thông minh. Song thực tế, để có “đô thị thông minh” đúng nghĩa, thì trước tiên, những nhà phát triển đô thị cần phải hiểu đúng về khái niệm này. Từ “thông minh” không chỉ giới hạn ở lĩnh vực công nghệ mà còn bao gồm những khía cạnh về xã hội và yếu tố con người.

Đô thị thông minh đúng nghĩa là gì?

Tại Diễn đàn cấp cao ASEAN 2020 về đô thị thông minh (ĐTTM), quan điểm về phát triển ĐTTM được các chuyên gia chia sẻ là “Việc kiến tạo các đô thị thông minh là nhằm tạo ra nhiều nơi đáng sống hơn và điều đó không chỉ phụ thuộc vào việc ứng dụng các sản phẩm công nghệ. Nói đúng hơn, chúng ta phải tư duy tổng hòa của một lối sống thông minh, về những giải pháp hợp lý và đồng bộ cho các vấn đề thời đại, do sự tăng trưởng kinh tế và quá trình đô thị hóa mang lại. Đô thị thông minh được tạo ra khi con người, địa điểm và công nghệ kết hợp với nhau mang lại kết quả tập trung vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống và bảo vệ môi trường cho thế hệ tương lai“.

Theo nhóm chuyên gia nghiên cứu về thành phố thông minh của Đại học St. Gallen, Thụy Sỹ, thì thành phố thông minh được cấu thành bởi 6 thành tố: (1) môi trường thông minh, (2) đời sống thông minh, (3) nền kinh tế thông minh, (4) di chuyển thông minh, (5) chính quyền/quản trị thông minh (smart government or governance), và (6) cư dân thông minh (smart people). Đây là yếu tố gắn kết các bên liên quan và vận hành đô thị. Từng thành tố lại có yêu cầu riêng, có thể tóm tắt như sau:

Môi trường thông minh: Môi trường thông minh bao gồm các giải pháp về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, quản lý mạng lưới điện tiêu thụ, giám sát ô nhiễm, giám sát chất thải, cấp thoát nước, các công trình, toà nhà thông minh, tiêu thụ ít năng lượng.

Cuộc sống thông minh: Cuộc sống thông minh bao gồm các giải pháp giúp nâng cao chất lượng sống của người dân về tiêu dùng (an toàn vệ sinh thực phẩm…); về lối sống (gắn kết cộng đồng, đời sống văn hoá đa dạng…); về an ninh (giám sát vi phạm, phát hiện tình huống khẩn cấp, phòng chống cướp giật…) và về y tế.

Kinh tế thông minh: Kinh tế thông minh bao gồm các giải pháp hợp tác, đầu tư, sản xuất, thương mại sáng tạo hiệu quả và thị trường lao động linh hoạt gồm cả trong và ngoài nước.

Di chuyển thông minh: Giao thông thông minh bao gồm các giải pháp hướng đến xây dựng và phát triển một hệ thống giao thông, vận tải đồng bộ, kết nối an toàn, xanh và sạch giúp tiết kiệm chi phí, giảm tối đa khí thải. Tắc nghẽn giao thông là vấn đề nhức nhối tại các đô thị lớn, để giải quyết vấn đề này đô thị cần đáp ứng các điều kiện sau: hệ thống chỉ dẫn giao thông, dự báo tình trạng ách tắc giao thông gắn với đèn giao thông thông minh, chỗ đỗ xe gắn cảm biến, hệ thống chia sẻ ô tô, xe đạp, phương tiện giao thông công cộng…

Chính quyền/quản trị thông minh: Chính quyền điện tử bao gồm các giải pháp giúp cải thiện, tăng hiệu quả tương tác trong quản lý đô thị nhằm tối ưu chức năng của các đơn vị hành chính. Chính quyền điện tử phải gắn liền với việc số hóa các hoạt động và trực tuyến hóa các dịch vụ công. Theo đó, toàn bộ quá trình tham gia và quyết định của người dân cùng người quản lý đều có thể thực hiện trực tuyến thông qua các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính.

Cư dân thông minh: Cư dân thông minh bao gồm các giải pháp phát triển con người không chỉ về nâng cao trình độ học vấn và chất lượng đào tạo, mà còn thúc đẩy tư duy sáng tạo và năng lực đổi mới, cũng như tăng cường tương tác, trao đổi để hướng đến một xã hội mở về thông tin.

Thực trạng phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam 

Ở nước ta, việc phát triển đô thị thông minh đang ở những bước đi khởi đầu, để hướng đến mục tiêu rất cụ thể, đó là mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, từ nhu cầu đơn giản nhất cho đến cao cấp hơn trong tất cả các lĩnh vực. Cuộc sống trong ĐTTM thuận tiện hơn, đảm bảo nơi ở an toàn, giảm ách tắc giao thông và phát triển kinh tế – xã hội mạnh mẽ hơn. Quá trình xây dựng đô thị thông minh được tập trung vào 5 trụ cột, đó là quản trị thông minh, năng lượng thông minh, giao thông thông minh, kinh tế thông minh và con người thông minh. Ðể xây dựng ĐTTM cần rất nhiều các yếu tố hợp thành, trong đó chính sách, quy hoạch, định hướng phải đi trước để tạo hành lang pháp lý cho quản lý, vận hành và công nghệ phát triển theo sau 

Từ tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 950).  Đến nay, sau khi giai đoạn 1 của Đề án 950 kết thúc (vào năm 2020), cả nước đã có khoảng 38/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai  đề án ĐTTM cho toàn tỉnh hoặc cho một số đô thị thuộc tỉnh. Các địa phương đều đang triển khai thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử, trong đó chú trọng xây dựng trung tâm hành chính công, triển khai dịch vụ công trực tuyến theo các cấp độ; xây dựng các khung kiến trúc… Đó là những thuận lợi để thực hiện phát triển ĐTTM.

Phát triển ĐTTM tại Đà Nẵng đem lại những tác động và hiệu quả tích cực (ảnh bài nguồn internet)

Tuy nhiên, các dự án, đề án phát triển ĐTTM ở các địa phương mới chủ yếu tập trung vào những giải pháp công nghệ như ứng dụng giáo dục thông minh, y tế thông minh, giao thông thông minh, dịch vụ công thông minh, du lịch thông minh, hành chính công và chính quyền điện tử… Một số thành phố mới dừng lại ở việc thí điểm, thử nghiệm trên quy mô hẹp.

Đối với các dự án khu đô thị thông minh trong lĩnh vực bất động sản, cũng chưa có mô hình đô thị thông minh hoàn chỉnh. Đa số dự án được quảng bá là “thông minh” nhưng chỉ ở mức độ là được trang bị một số ứng dụng công nghệ như: hệ thống điều hành trung tâm, đèn cảm biến, ổ khóa vân tay, thẻ chip, thẻ từ … Thực tế, đây là những ứng dụng công nghệ đơn lẻ tách rời, dễ dàng lắp đặt, triển khai bất cứ lúc nào sau khi hạ tầng hoàn chỉnh. Điều đó cho thấy khái niệm “đô thị thông minh” đang được sử dụng như công cụ tiếp thị hơn là để định danh dự án.

Những vấn đề bất cập

Mặc dù Đề án 950 đã đưa ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện xây dựng ĐTTM, nhưng thực tế triển khai cho thấy vẫn còn nhiều bất cập. Đó là các vấn đề như thiếu các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan, trong khi phát triển ĐTTM lại có phạm vi rộng, liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực. Cơ chế chính sách cũng còn  thiếu, nên các địa phương, doanh nghiệp gặp nhiều lúng túng trong thu hút nguồn lực đầu tư phát triển ĐTTM,…

Trong giai đoạn tiếp theo, phát triển ĐTTM tại các địa phương sẽ còn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức trong việc huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, hình thành các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển ĐTTM, xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu và tính liên thông đa ngành…

Thực tế, mỗi đô thị có thực trạng phát triển khác nhau, do đó để có thể triển khai ĐTTM thành công, chính quyền địa phương cần căn cứ vào đặc thù, những vấn đề thực tiễn, mức độ phát triển, mức độ sẵn sàng thay đổi của đô thị để lựa chọn giải pháp tối ưu, hiệu quả nhất. Trong đó, cần chú trọng hướng tới phục vụ con người, lấy người dân làm trung tâm, nhằm xây dựng một đô thị có chất lượng cuộc sống cao, môi trường bền vững và nền kinh tế cạnh tranh.

Chân Phương tổng hợp (nguồn: vneconomy & ictvietnam.vn)

 

Bài viết cũ hơn