Theo thông tin mới nhất từ Văn phòng Chính phủ cho biết, dự án đường Vành đai 4 đã được phê duyệt với tổng mức đầu tư trên 100 nghìn tỷ đồng do thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư.
Hiện nay, nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách liên tỉnh từ các tỉnh phía Nam đi các tỉnh phía Bắc, cũng như các tỉnh phía Tây và ngược lại quá cảnh qua Hà Nội chủ yếu thông qua tuyến đường vành đai 3, do vậy, tuyến đường này thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.
Để phân lưu phương tiện, giảm tải cho tuyến đường Vành đai 3, tháng 5 vừa qua, thành phố Hà Nội và 4 tỉnh gồm Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc đã ký thỏa thuận cùng có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về phương án, lộ trình triển khai dự án đường Vành đai 4. Dự án đã được Chính phủ đồng ý với chủ đầu tư dự án là thành phố Hà Nội.
Tuyến đường Vành đai 4 là tuyến giao thông đối ngoại có tính chất kết nối liên vùng Vùng Thủ đô. Đường vành đai 4 được khép kín theo tiêu chuẩn đường cao tốc để kết nối các tuyến cao tốc và quốc lộ hướng tâm, góp phần làm giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực đô thị trung tâm của Thủ đô. Tuyến đường này sẽ tăng cường khả năng kết nối giao thông liên vùng giữa Hà Nội với các tỉnh trong Vùng Thủ đô. Dự án vành đai 4 được triển khai sẽ từng bước hoàn thiện quy hoạch giao thông Thủ đô và các tỉnh trong khu vực.
Thủ đô Hà Nội lựa chọn phát triển theo mô hình đa cực – đa trung tâm trong Vùng Thủ đô với bán kính 50 km theo hướng lấy sông Hồng làm trục trung tâm. Khu vực “Trung tâm Vùng Thủ Đô Hà Nội” đang phát triển cả về 2 phía Tây Nam và Đông Bắc sông Hồng kéo dài từ 15 km đến 25 km để cân đối, hài hòa. Vì vậy, việc đầu tư tuyến đường vành đai 4 sẽ tạo điều kiện để các thành phố và các tỉnh phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Đây cũng là tiền đề góp phần phát triển kinh tế – xã hội cho khu vực 2 bên tuyến đường, cho vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng.
Nguồn: cafef.vn