UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về việc khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn. Thành phố dự kiến bố trí nguồn vốn ngân sách khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025, để thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ…
Hà Nội dự kiến bố trí khoảng 500 tỷ đồng để thực hiện tổng kiểm tra, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ trong giai đoạn 2021-2025.
Sau khi Nghị định số 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 9 tới đây, UBND TP Hà Nội đang khẩn trương kiện toàn tổ chức Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ, phân công nhiệm vụ cho các thành viên và ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. Đồng thời, Thành phố cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo, ban hành các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố Hà Nội cho đồng bộ với Nghị định mới này.
Theo đó, Thành phố sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025, để thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định và đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ theo các đối tượng, phân loại quy định của Nghị định số 69.
Cùng với đó là xây dựng và ban hành kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ giai đoạn 2021- 2025 đối với các chung cư cũ đã có kết quả kiểm định để triển khai thực hiện quy trình tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và dự án đầu tư.
Chung cư C8 Giảng Võ (quận Ba Đình) xuống cấp, nguy hiểm sau nhiều năm sử dụng.
Thành phố sẽ xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn vốn ngân sách lập các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, tổng mặt bằng, đề án quy gom theo 03 mô hình cấp độ: Khu chung cư cũ (quy mô lập quy hoạch chi tiết >2ha); Nhóm chung cư cũ (quy mô lập Tổng mặt bằng <2ha); Tập hợp các chung cư cũ độc lập, đơn lẻ (quy mô lập tổng mặt bằng nhà đơn lẻ và đề án nghiên cứu quy gom tái định cư tại chỗ trên địa bàn phường, quận).
Về việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư sẽ quy định 03 hình thức lựa chọn, gồm: Các chủ sở hữu thống nhất lựa chọn, Đấu thầu lựa chọn, Nhà nước thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách (Điều 113 Luật Nhà ở).
Ngoài ra, Thành phố sẽ sử dụng quỹ nhà tái định cư có sẵn; đầu tư xây dựng nhà tạm cư, nhà tái định cư (phục vụ tạm cư) mới bằng vốn ngân sách, nhà ở thương mại, sử dụng quỹ nhà ở xã hội kết hợp; rà soát quỹ đất trống trong các khu chung cư cũ có khả năng giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng tạo lập quỹ nhà tạm cư tại chỗ.
Đồng thời, thực hiện các chính sách về ưu đãi đầu tư (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất; áp dụng thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp; lệ phí trước bạ đối với diện tích nhà ở phục vụ tái định cư tại chỗ cho các hộ dân;…).
Khu chung cư cũ Ngọc Khánh (quận Ba Đình) thuộc loại nguy hiểm ở cấp độ đặc biệt, phải di dời gấp (cấp độ D).
Một trong những giải pháp cũng được Thành phố tập trung trong thời gian tới là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến cơ chế chính sách của Nhà nước, Thành phố để tạo sự đồng thuận của xã hội, các chủ sở hữu nhà chung cư cũ, người dân khi thực hiện di dời các hộ dân khỏi nhà chung cư nguy hiểm, phá dỡ, giải phóng mặt bằng, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; vận động người dân tổ chức thực hiện theo đúng quy định.
Được biết, theo Chương trình số 03 của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025“, Hà Nội đặt chỉ tiêu triển khai cải tạo, xây dựng lại 2-3 khu chung cư cũ và chuẩn bị triển khai các khu còn lại.
3 khu chung cư cũ được đề xuất cải tạo, xây dựng lại trong giai đoạn 2021-2025 là: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh. Đây là các khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp độ D (nguy hiểm đặc biệt, có nguy cơ sụp đổ, phải di dời khẩn cấp các hộ dân).
Theo cafef.vn