Giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia lần thứ II (VUPA.2020) – Phần 1: Giới thiệu giải thưởng

GIẢI THƯỞNG QUY HOẠCH ĐÔ THỊ QUỐC GIA LẦN THỨ II – VIETNAM URBAN PLANNING AWARDS (VUPA.2020)

Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia (VUPA) do Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam (VUPDA) thành lập. Giải thưởng được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, được sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Bộ Tài Nguyên và Môi trường và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ I (VUPA 2018) đã được tổ chức trao giải vào ngày 25/4/2019 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô. Giải thưởng đã gây được tiếng vang, để lại ấn tượng sâu sắc trong giới chuyên môn thuộc lĩnh vực quy hoạch xây dựng cũng như trong dư luận xã hội.

Giải thưởng Quy hoạch đô thị Quốc gia lần thứ II (VUPA 2020) dự kiến sẽ chấm giải và tổ chức Lễ trao giải vào quý III năm 2021. Tuy nhiên, tùy thuộc vào tình hình của đại dịch Covid – 19, thời gian diễn ra Lễ trao giải sẽ được Ban tổ chức thông báo cụ thể sau.

Các thể loại của VUPA 2020: Các tác phẩm tham dự Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ II được đăng ký theo 5 thể loại A, B, C, D và E. Trong đó, Thể loại A: Đồ án quy hoạch xây dựng; Thể loại B: Các khu vực đã được đầu tư xây dựng; Thể loại C: Các ấn phẩm về quy hoạch; Thể loại D: Các tổ chức/ cá nhân tham gia quản lý phát triển đô thị và điểm dân cư nông thôn xuất sắc; Thể loại E: Chất lượng môi trường đô thị.

Việc xét tặng Giải thưởng Quy hoạch đô thị Quốc gia lần thứ II (VUPA 2020) được thực hiện theo Quy chế chung, trên cơ sở đánh giá chất lượng và giá trị của tác phẩm, theo nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch, khách quan và đặt trong tổng thể chung của tình hình quy hoạch xây dựng đô thị, điểm dân cư Nông thôn tại Việt Nam. Các giải thưởng đảm bảo sự cân đối, hài hòa giữa các thể loại, để vinh danh các tổ chức, cá nhân, những tác phẩm có chất lượng, mang giá trị tư tưởng, nghệ thuật và xã hội cao.

Hội đồng chấm giải gồm các chuyên gia có uy tín trong công tác quản lý, nghiên cứu và tư vấn, thuốc các lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật,… Đó là những nhà chuyên môn cao, được mời từ Bộ Xây dựng; Bộ Tài nguyên & Môi trường; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Các viện nghiên cứu; Trường đại học; Các tổ chức Hội nghề nghiệp và các chuyên gia độc lập trong nước và quốc tế.

Hội đồng Giải thưởng gồm có 01 Chủ tịch, 02 Phó chủ tịch và các thành viên. Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam (Hội) là Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng; 02 Phó chủ tịch Hội là Phó chủ tịch Hội đồng Giải thưởng. Số lượng thành viên Hội đồng chấm giải do Chủ tịch Hội đồng quyết định (nhưng không quá 30 người). Danh sách thành viên tham gia Hội đồng không cố định trong mỗi kỳ tổ chức giải. Hội đồng Giải thưởng được tổ chức họp khi có đủ từ 2/3 số thành viên tham gia trở lên.

Ban thư kí Hội đồng giải thưởng, do Chủ tịch Hội đồng chấm giải quyết định thành lập. Số lượng thành viên Ban thư kí không quá 07 người, gồm 01 trưởng ban, 02 phó trưởng ban và các ủy viên. Thành viên Ban thư ký là các chuyên gia trong BCH Trung ương hội, đại diện một số hội nghề nghiệp, trường Đại học, Viên nghiên cứu hoặc chuyên gia độc lập được mời tham gia.

Tiểu ban chấm giải: Các Tiểu ban chấm giải được thành lập theo 5 thể loại dự thi gồm: Tiểu ban A chấm giải các Đồ án Quy hoạch xây dựng; Tiểu ban B chấm giải Các khu vực đã được đầu tư xây dựng; Tiểu ban C chấm Các ấn phẩm về Quy hoạch xây dựng; Tiểu ban D xét giải cho Các tổ chức và cá nhân tham gia quản lý phát triển đô thị xuất sắc; Tiểu ban E chấm giải Chất lượng môi trường đô thị. Các Tiểu ban có từ 5 – 9 thành viên, gồm 01 Trưởng, 01 Phó tiểu ban, 01 Thư ký và các thành viên, do Chủ tịch Hội đồng chấm giải quyết định.

Căn cứ tình hình thực tế về số lượng tác phẩm dự thi của từng thể loại, Chủ tịch Hội đồng có thể xem xét quyết định gộp 02 thể loại tác phẩm dự thi vào một Tiêu ban chấm giải cho phù hợp.

Phần 2: Danh sách Hội đồng Giải thưởng và các Tiểu ban chấm giải (bài tiếp theo)

Bài viết cũ hơn