Thành phố Hà Nội đang khẩn trương tổ chức lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng thủ đô sau 10 năm triển khai thực hiện. Với điều chỉnh quy hoạch lần này, nhiều vấn đề tồn tại ở giai đoạn phát triển vừa qua sẽ được xem xét giải quyết.
Diện mạo thủ đô Hà Nội đã có nhiều thay đổi sau 10 năm. Ảnh Cao Anh
Theo ông Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội (QH-KT HN), qua việc rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, cho thấy: các đồ án quy hoạch được duyệt đã đáp ứng yêu cầu phục vụ đầu tư xây dựng và quản lý đô thị trên địa bàn thành phố và phát triển kinh tế – xã hội thủ đô. Công tác quy hoạch xây dựng và quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự, kỷ cương xã hội được tăng cường. Nếp sống văn minh đô thị có chuyển biến tích cực.
Về cơ bản, diện mạo thủ đô đã có nhiều thay đổi. Đô thị Hà Nội từng bước được hiện đại hóa và vị thế của thủ đô ngày được nâng cao trong phạm vi toàn quốc, khu vực và quốc tế…
Những vấn đề còn bất cập
Bên cạnh những mặt tích cực, theo giám đốc Sở QH-KT HN, còn một số hạn chế trong việc triển khai quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đó là việc chưa phát huy được vai trò, tiềm năng, thế mạnh và chưa chia sẻ chức năng, hỗ trợ phát triển lẫn nhau của thủ đô Hà Nội trong Vùng thủ đô, với vai trò là đô thị trung tâm lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa… Tiếp đến là vấn đề quy mô dân số đã vượt ngưỡng dự báo. Việc quản lý, kiểm soát dân số tại khu vực đô thị trung tâm và giãn dân nội đô gặp nhiều khó khăn.
Quy mô dân số Thủ đô đã vượt quá dự báo là gánh nặng quá tải cho hạ tầng giao thông lẫn hạ tầng xã hội tại khu vực đô thị trung tâm. Ảnh: Người đô thị
Việc tạo lập khu vực “Hành lang xanh” với tỉ lệ 70% quỹ đất toàn thành phố đã tạo nên những giới hạn của sự phát triển đô thị. Điều đó ảnh hưởng đến chức năng, vai trò của thủ đô Hà Nội, là đô thị đặc biệt, với mục tiêu đến năm 2045 là đô thị kết nối toàn cầu và có sức cạnh tranh quốc tế. Khu vực hành lang hai bên sông Hồng được xác định theo quy hoạch phòng chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007 hiện không phù hợp với quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016. Kết cấu hạ tầng đô thị chưa theo kịp nhu cầu phát triển đô thị, tính đồng bộ chưa cao.
Theo Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (PTĐT VM)- Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính: là đô thị đặc biệt, lại là thủ đô của cả nước nên Hà Nội cần phải có cách làm khác, phải là khát vọng, niềm kiêu hãnh của cả nước. Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam hiện đạt trên 40%, cao nhất Đông Nam Á, nhưng việc thực hiện nhiệm vụ quy hoạch cả nước chưa đạt yêu cầu. Chất lượng đô thị, chất lượng quy hoạch đô thị chưa tốt, nhất là vấn đề dự báo phát triển kinh tế – xã hội. Vẫn còn sự chồng chéo trong công tác quy hoạch giữa các ngành, các cấp… Giải pháp trong tương lai là phải rà soát, đánh giá công việc cụ thể đối với những việc đã làm trong 10 năm qua và có dự báo chiến lược.
Ông Lưu Quang Huy, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng, cho biết định hướng triển khai trong điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng thủ đô là đáp ứng yêu cầu thực tiễn; phù hợp với xu thế phát triển kinh tế – xã hội TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Từng bước nâng cao chất lượng, môi trường sống, cơ sở hạ tầng và cảnh quan đô thị; bảo đảm tính kế thừa, không ảnh hưởng lớn đến các dự án đầu tư đang triển khai.
Nghiên cứu lại mô hình cấu trúc đô thị để điều chỉnh cho phù hợp, đáp ứng khả năng phát triển mô hình “Thành phố trong Thành phố” tại khu vực phía Bắc (gồm các huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn), phía Tây (TP mới Hòa Lạc) và một số “Thị xã mới trong Thành phố”. Nghiên cứu hoàn chỉnh, tái cấu trúc không gian chức năng, hạ tầng khu vực đô trung tâm trong chùm đô thị thủ đô và chùm hệ thống đô thị trong Vùng thủ đô. Nghiên cứu cấu trúc không gian lấy trục sông Hồng là trục xanh làm trung tâm phát triển, phát triển cân đối không gian hai bên trục sông Hồng và phát triển phía Bắc sông Hồng thành đô thị hiện đại, đồng bộ hạ tầng để trở thành động lực phát triển…
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được điều chỉnh để phát triển cân đối hai bên trục sông Hồng và phát triển phía Bắc sông Hồng thành đô thị hiện đại, để trở thành động lực phát triển. Ảnh: Thùy Chi báo Lao Động
Ý kiến của Chủ tịch Hội Quy hoạch PTĐT VN, giải pháp đối với Hà Nội là ngoài định hướng, chương trình mục tiêu, thành phố phải có lựa chọn tư vấn nước ngoài hoặc có một cuộc thi về xây dựng ý tưởng để làm quy hoạch Hà Nội, cùng với Viện Quy hoạch Hà Nội để thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung. Trong lần điều chỉnh quy hoạch này cần làm rõ mục tiêu xây dựng thủ đô văn hiến, hòa bình, sáng tạo, anh hùng. Hà Nội làm thế nào phải xứng tầm là niềm kiêu hãnh của cả nước.
Ba giải pháp trọng tâm
Theo ông Lưu Quang Huy, 3 giải pháp trọng tâm trong định hướng triển khai điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng thủ đô là:
- Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, xây dựng các công trình tiêu biểu và không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của thủ đô.
- Huy động mọi nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của thủ đô. Điều tiết lại cấu trúc chùm đô thị và cân đối nguồn lực đầu tư để xác định lại lộ trình và lựa chọn đô thị vệ tinh để ưu tiên nguồn lực phát triển.
- Phát triển đô thị gắn với định hướng phát triển giao thông (TOD) nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất, hiệu quả đầu tư, hiệu quả hệ thống giao thông công cộng khối lượng lớn và quản lý việc phát triển dọc các tuyến giao thông chính.
Tổng hợp từ nguồn cafef.vn