Sáng 9/7, Hội nghị tổng kết 15 thực hiện Nghị quyết 53/NQ-TW ngày 29/7/2005 và Kết luận 27/NQ-TW ngày 02/8/2012 về phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đã diễn ra tại TP. HCM. Hội nghị do Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, đã thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học và các nhà quản lý… Ảnh nguồn internet
Hội nghị có sự tham dự các Uỷ viên Bộ Chính trị là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đại tướng Phan Văn Giang và Bí thư thành uỷ TP. HCM Nguyễn Văn Nên. Tham dự Hội nghị còn có Bí thư trung ương Đảng, Phó Thủ tướng chính phủ Lê Minh Khái; các Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ ngành trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ, vùng KTTĐ phía Nam. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã tham gia và phát biểu tại Hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (bên trái) trao đổi với KTS. Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính được mời tham dự hội nghị và có bài tham luận về Định hướng phát triển đô thị vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đánh giá kết quả thực hiện NQ 53 và Kết luận 27 trong chặng đường 15 năm qua và xác định con đường phát triển của Vùng Đông Nam Bộ và Vùng KTTĐ phía Nam trong giai đoạn sắp tới.
Bài tham luận của Chủ tịch Hội Trần Ngọc Chính đã đi sâu phân tích về hiện trạng hệ thống đô thị Vùng Đông Nam Bộ và Vùng KTTĐ phía Nam, trong đó bao gồm cả hiện trạng về dân số, sự phân bố dân cư, đô thị hoá và dịch cư; Đánh giá hiện trạng phân bố hệ thống đô thị và hình thái, tính chất không gian đô thị; dự báo mô hình phát triển và cấu trúc không gian Vùng Đông Nam Bộ và Vùng KTTĐ phía Nam…
Trong phần định hướng, bài viết đã xác định rõ mục tiêu chiến lược phát triển hệ thống đô thị vùng với các cực tăng trưởng trọng điểm. Theo đó, hệ thống đô thị sẽ phát triển theo các trục hành lang kinh tế vùng. Dự báo tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2030 đạt khoảng 70%, có 1đô thị loại đặc biệt, 4 đô thị loại I; 8 đô thị loại II; 17 đô thị loại III, và 32 đô thị loại IV.
TP. HCM là đô thị hạt nhân trung tâm vùng. Vùng đô thị trung tâm trong tương lai sẽ phát triển lên phía Bắc và Đông Bắc. Hệ thống đô thị trong các hành lang xanh phát triển theo mô hình tập trung phân cấp, tập trung cung cấp các cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công cộng đô thị, để giảm tải cho vùng trung tâm và cân bằng vùng. Đây cũng là cực tăng trưởng thứ cấp trong các tiểu vùng.
Định hướng phát triển hình thái không gian dân cư nông thôn theo hướng phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hoá truyền thống, điều kiện sản xuất và mô hình xây dựng nông thôn mới. Việc nhận diện được những yếu tố ảnh hưởng, cơ hội và thách thức, làm rõ tiềm năng khác biệt và lợi thế cạnh tranh của vùng, để đề xuất được những giải pháp đột phá. Từ đó sẽ thúc đẩy sự thành công của Nghị quyết trong những giai đoạn tiếp theo.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, đã thu hút sự tham gia đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia từ các viện nghiên cứu và các trường đại học/.
Trần Thị Thanh Ý