Quy hoạch phảỉ được coi trọng để phát triển đô thị bền vững

Công tác quy hoạch đô thị phải được coi trọng và nâng cao chất lượng là một nội dung được nhấn mạnh tại Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022. Hội nghị được tổ chức ngày 30/11, nhằm phổ biến Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đồng chủ trì Hội nghị.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và trực tuyến, kết nối với các đầu cầu tại UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. (Ảnh trong bài: Mộc Cỏ Trần)
Cùng tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Bộ, ngành ở Trung ương, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chính quyền các đô thị và các Hội nghề nghiệp: Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam; Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Tổng hội Xây dựng Việt Nam. Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam có bài phát biểu tổng hơp các nội dung và đề xuất kiến nghị từ ba cuộc hội thảo chuyên đề hướng tới hội nghị đô thị toàn quốc 2022.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đồng chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta đang triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết chuyên đề của Trung ương về các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là Nghị quyết 06-NQ/TW.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc, chỉ đạo tại Hội nghị

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải tổ chức thực hiện hiệu quả, thực chất để đưa Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị thực sự đi vào cuộc sống, giải quyết những vấn đề điểm nghẽn để quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần vì mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Thủ tướng nhận định: Đây là Hội nghị quan trọng, mang nhiều ý nghĩa, nhằm tiếp tục quán triệt sâu rộng những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm và tinh thần quan trọng của Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị và phổ biến Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, xác định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện; chào mừng, hưởng ứng ngày 8/11 là Ngày Đô thị Việt Nam và cũng là Ngày Đô thị hóa thế giới bằng những hành động cụ thể, thiết thực, nâng cao nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tiềm năng, thách thức của đô thị trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn giới thiệu các đại biểu tham dự Hội nghị.

Thủ tướng nêu rõ: Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển đô thị là một động lực phát triển. Điều này đặt ra vấn đề quy hoạch tốt, xây dựng tốt, quản lý tốt đô thị, phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững, bao trùm. Trên cơ sở đó, chúng ta đề ra các nhiệm vụ, giải pháp và yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tổ chức thực hiện.

Chương trình hành động 148 bám sát các quan điểm chỉ đạo cũng như 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết 06-NQ/TW

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết: Ngay sau khi Nghị quyết 06-NQ/TW được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo, giao Bộ Xây dựng là cơ quan thường trực, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương triển khai xây dựng Chương trình hành động.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. 

Chương trình hành động 148 đã bám sát các quan điểm chỉ đạo cũng như 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết 06-NQ/TW để xây dựng 33 nhóm nhiệm vụ cụ thể. Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung quan trọng như: xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao chất lượng quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đô thị; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; và xây dựng các đề án chuyên ngành… Phát triển đô thị theo hướng xanh, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Tổng Giám đốc UN-Habitat, bà Maimunah Mohd Sharif phát biểu trực tuyến 

Phát biểu trực tuyến, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Tổng Giám đốc UN-Habitat, bà Maimunah Mohd Sharif nhận định: Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa to lớn, góp phần xác định con đường phát triển của đô thị Việt Nam trong những năm tới.

Với vai trò là cơ quan của Liên hợp quốc về phát triển đô thị và hỗ trợ sự chuyển đổi các thành phố, UN-Habitat đánh giá cao cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện Chương trình Nghị sự đô thị mới thông qua việc ban hành Nghị quyết đầu tiên của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững và xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia để triển khai Nghị quyết 06–NQ/TW.

Bà Maimunah Mohd Sharif cho biết thêm: Tháng 06/2022, UN-Habitat đã tổ chức thành công Diễn đàn Đô thị Thế giới lần thứ 11 tại Katowice, Ba Lan, với sự tham gia của đại biểu đến từ 158 quốc gia, trong đó có đoàn Việt Nam. Tại Diễn đàn, các bên đã nhất trí rằng lãnh đạo các thành phố cần hướng tới mục tiêu đạt được sự thay đổi về phương thức quản trị, môi trường và đời sống dân cư đô thị. Đặc biệt là các quốc gia đang trong quá trình đô thị hóa nhanh như Việt Nam.

Những yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp cho phát triển đô thị Việt Nam trong giai đoạn mới

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh: Với Nghị quyết 06–NQ/TW, lần đầu tiên Bộ Chính trị có một nghị quyết chuyên đề riêng về lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị. Qua đó, khẳng định vai trò của hệ thống đô thị Việt Nam, đồng thời định hướng chiến lược với những yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng cho phát triển đô thị Việt Nam trong giai đoạn mới.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại Hội nghị. 

Bộ trưởng cho biết: đến năm 2030, đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới. Thể chế hóa chính sách về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững cơ bản được hoàn thiện. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Chất lượng sống tại khu vực đô thị ở mức cao, đảm bảo đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy.

Hội nghị đã nghe 10 báo cáo tham luận của các bộ, ngành, địa phương, nhận diện về những vấn đề trong phát triển đô thị và đề xuất những giải pháp trên tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 148/NQ – CP của Chính phủ.

Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính có bài phát biểu tổng hơp các nội dung và đề xuất kiến nghị từ ba cuộc hội thảo chuyên đề do Bộ Xây dựng phối hợp với Hội tổ chức tại Hà Nội ngày 16/11/2022. Ba hội thảo chuyên đề nhằm hướng tới Hội nghị đô thị toàn quốc lần này gồm các chủ đề: 1. Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị hướng đến phát triển bền vững; 2. Phát trển hệ thống hạ tầng và chỉnh trang tái thiết đô thị; 3. Cơ chế chính sách quản lý phát triển đô thị; 

Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam (VUPDA) Trần Ngọc Chính phát biểu tại Hội nghị

Theo đó, những hạn chế và thách thức được nhận diện là: Tỷ lệ đô thị hoá đạt cao nhưng còn thấp so với khu vực và thế giới. Đô thị hoá chưa gắn kết và đồng bộ với công nghiệp hoá, hiện đại hoá và xây dựng nông thôn mới. Chất lượng đô thị hoá chưa cao, hạ tầng đô thị chưa đồng bộ… Ô nhiễm môi trường có xu hướng gia tăng. Dịch vụ công và phúc lợi xã hội của người dân còn thấp. Năng lực quản trị đô thị còn yếu; chính sách pháp luật còn chậm được đổi mới. Quy hoạch đô thị còn thiếu đồng bộ, thiếu tích hợp, công tác dự báo quy hoạch thiếu tính chính xác, chưa có tầm nhìn dài hạn…

Tổng hợp ý kiến từ các hội thảo chuyên đề, Chủ tịch VUPDA đưa ra các kiến nghị:

(1) Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam trong thời gian tới cần gắn với những đổi mới về hướng tiếp cận quy hoạch và phương pháp triển khai quy hoạch trong thực tiễn, đảm bảo tính khả thi…

(2) Có cơ chế chính sách hướng dẫn và hỗ trợ triển khai xây dựng đô thị xanh, thông minh, sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu, và tạo dựng thương hiệu đô thị Việt Nam…

(3) Cần tăng cường ứng dụng công cụ dữ liệu liên thông GIS nhằm chuyển đổi số trong quy hoạch…

(4) Cần có cơ chế chính sách phối hợp các Bộ: Kế hoạch đầu tư, Tài nguyên môi trường, Tài chính, Nội vụ, Giao thông vận tải, Giáo dục, y tế và các Bộ, Ngành khác có liên quan, để phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong đô thị, gắn với đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia…

(5) Song hành với chương trình Nông thôn mới nâng cao, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng triển khai chương trình tổng thể nâng cấp, cải tạo chỉnh trang, tái thiết đô thị đến đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc đô thị, để tạo vùng đệm và nâng cao chất lượng, diện mạo hệ thống đô thị Việt Nam.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quán triệt các quan điểm chỉ đạo, trong đó Thủ tướng khẳng định:

Để phát triển đô thị Việt Nam bền vững, thì công tác quy hoạch là quan trọng, phải đi trước một bước. Quy hoạch phải làm sao phát triển được các tiềm năng, thế mạnh của đô thị; hạn chế, hóa giải được các khó khăn, bất cập để tạo ra lợi thế phát triển. Muốn vậy, phải nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý thực hiện theo quy hoạch. Trong đó, vai trò của các tổ chức tư vấn quy hoạch, các cơ quan thẩm định, phê duyệt quy hoạch đều phải được nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Cần đa dạng hóa nguồn lực thực hiện quy hoạch và phát triển đô thị; Đẩy mạnh hợp tác công – tư, kết hợp các nguồn lực trong và ngoài nước, khai thác tốt các ngưồn lực xã hội. Cần có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút nguồn lực.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần tập trung phát triển hạ tầng chiến lược đặc biệt là hạ tầng giao thông, từ đó tạo ra các đô thị mới, tạo công ăn việc làm… Đồng thời, cần có các đề án phát triển đô thị có sự phối hợp của các bộ ngành, địa phương, có sự tham gia của người dân và cả hệ thống chính trị, nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp.

Cần tiếp tục xây dựng và rà soát thể chế, chính sách pháp luật và quy định kỹ thuật, xem có phù hợp với yêu cầu thực tế, đồng thời cần sửa đổi Luật Đất đai, Luật Xây dựng và các Nghị định có liên quan./.

Chân Phương tổng hợp

 

 

 

 

Bài viết cũ hơn