Chiều 11/12, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hà Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã thăm thành phố Amsterdam, gặp Thị trưởng Femke Halsema. Thị trưởng Amsterdam nói muốn mở rộng hợp tác với Hà Nội về xử lý rác thải, ngập úng nội đô.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thị trưởng Amsterdam Femke Halsema chiều 11/12. Ảnh: Dương Giang
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã rất ấn tượng về thành tựu phát triển của Amsterdam ở cả lĩnh vực kinh tế, văn hóa – giáo dục và cách giải quyết các thách thức về môi trường đô thị. Trong bối cảnh Việt Nam và Hà Lan bước vào giai đoạn phát triển mới, thành phố Amsterdam và các địa phương Việt Nam cần xây dựng khuôn khổ hợp tác mới, đưa quan hệ hai bên phát triển thực chất và hiệu quả hơn.
Thủ tướng đề nghị Amsterdam đẩy mạnh hợp tác với các địa phương Việt Nam, nhất là với Hà Nội và TP HCM. Trong đó, Amsterdam có thể tập trung vào lĩnh vực đầu tư, bảo vệ môi trường (xử lý nước thải, chất thải rắn), kinh tế tuần hoàn, quy hoạch đô thị, giao lưu nhân dân, du lịch…
Thị trưởng Femke Halsema cho biết Amsterdam và TP Hà Nội có nhiều dự án hợp tác thời gian qua. “Chúng tôi mong muốn tiếp tục mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực thế mạnh của Amsterdam như chuyển đổi năng lượng, xử lý rác thải, ô nhiễm môi trường, xử lý ngập úng vùng nội đô, quy hoạch đô thị theo hướng thông minh và phát triển bền vững”, bà Femke Halsema nói.
Quan tâm những thách thức về biến đổi khí hậu và nước biển dâng mà các địa phương đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt, bà Thị trưởng cho biết sẵn sàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Bà mong được đến thăm Việt Nam và sẵn sàng đón tiếp lãnh đạo TP Hà Nội, TP HCM tới Amsterdam để trao đổi về các dự án hợp tác cụ thể.
Thời gian qua, mỗi khi mưa to kéo dài, nội đô Hà Nội lại bị ngập, giao thông hỗn loạn, cuộc sống người dân bị đảo lộn. Cả cơ quan chuyên môn và chuyên gia xây dựng, quy hoạch đã chỉ ra hàng loạt nguyên nhân khiến Hà Nội ngập sâu như: Mưa vượt giá trị lịch sử, hệ thống thoát nước thiếu đồng bộ, dự án thoát nước chậm tiến độ, nhiều công trình cản trở dòng chảy, bất cập trong đầu tư và quy hoạch mạng lưới thoát nước, diện tích mặt nước, cây xanh giảm.
Việt Nam và Hà Lan thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973. Ngay sau đó, Hà Lan bắt đầu viện trợ ODA không hoàn lại cho Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực nhân đạo, giáo dục đào tạo và y tế. Quan hệ hai nước được xem là điển hình của “quan hệ năng động và hiệu quả” giữa Việt Nam và một nước châu Âu.
Tháng 10/2010, hai nước thiết lập đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, sau đó thiết lập đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực vào tháng 6/2014. Hai bên nâng cấp quan hệ lên đối tác toàn diện nhân chuyến thăm của Thủ tướng Mark Rutte đến Việt Nam tháng 4/2019.
Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Hà Nội và Amsterdam cũng phát triển tốt đẹp nhiều năm qua, trong đó Trường THPT Hà Nội – Amsterdam là biểu tượng của mối quan hệ này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính rời Luxembourg, bắt đầu thăm chính thức Hà Lan từ chiều 10/12 theo lời mời của Thủ tướng Mark Rutte. Trong chuyến công du châu Âu, Thủ tướng cũng sẽ thăm Bỉ và dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN – EU tại Brussels ngày 14/12.
Theo Dân trí online