Đó là kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, được bày tỏ trong phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm Bác Hồ gặp mặt đội ngũ trí thức và 40 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Tổng Bí thư nhấn mạnh: đội ngũ trí thức cần chủ động làm tốt hơn nữa các hoạt động tham mưu, tư vấn, phản biện cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA) cùng tham gia sự kiện quan trọng này.
Sáng 24/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự lễ kỷ niệm 60 năm Bác Hồ gặp mặt đội ngũ trí thức, 40 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội. Chủ tịch VUPDA – KTS. Trần Ngọc Chính (bìa phải) đã tham gia sự kiện này. Ảnh TTXVN
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư bày tỏ sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước về vai trò tham mưu, tư vấn, phản biện của đội ngũ trí thức nói chung, trí thức khoa học – công nghệ nói riêng. Đề cao vai trò của trí thức đối với sự hưng thịnh của đất nước, Tổng Bí thư khẳng định quý trọng hiền tài và đội ngũ trí thức là một truyền thống của dân tộc.
Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững
Hơn 500 năm về trước, Đông các đại học sĩ triều Lê là Thân Nhân Trung vâng mệnh của vua Lê Thánh Tông đã soạn bài ký cho tấm bia Văn Miếu tại Quốc Tử Giám, trong đó đã khẳng định vai trò đặc biệt cao cả và quan trọng của nhân tài trong công cuộc làm hưng thịnh cho đất nước: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao. Nguyên khí suy thì thế nước yếu và càng xuống thấp“.
Tiếp đó, Tổng Bí thư điểm qua một số dấu mốc quan trọng cho thấy tinh thần quý trọng hiền tài và đội ngũ trí thức được tiếp nối thế nào trong thời đại Hồ Chí Minh. Ngay từ khi mới thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nước nhà cần phải kiến thiết; kiến thiết cần phải có nhân tài”; “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc…“.
Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa X ngày 6.8.2008 một lần nữa khẳng định: “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư cho xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững“.
Trong bài phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư gọi những ý kiến phát biểu của mình là “đôi điều gợi mở, tâm tình” cùng các trí thức. Tổng Bí thư bày tỏ kỳ vọng mà Đảng, Nhà nước gửi gắm Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, với vai trò chủ công trong việc vận động, tập hợp, đoàn kết và phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo của đội ngũ trí thức.
Ghi nhận những đóng góp của đội ngũ trí thức với đất nước
Tổng Bí thư nhận định, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ nước nhà, được Đảng và Nhà nước đánh giá cao.
Thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa các hội thành viên với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để vận động, tập hợp trí thức khoa học – công nghệ trong và ngoài nước vì sự nghiệp của Đảng, của nhân dân và đất nước.
Trong đội ngũ đó có rất nhiều tấm gương sáng, có nhiều đóng góp lớn lao cho đất nước và dân tộc như: GS – Viện sĩ – Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa; GS Tôn Thất Tùng; GS Tạ Quang Bửu; GS Hà Học Trạc; GS – Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng…
Theo Tổng Bí thư, Đảng và Nhà nước ta hoan nghênh, biểu dương và đánh giá cao các hoạt động và kết quả đóng góp của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, ghi nhận những cố gắng nỗ lực và thành tích lớn lao, những cống hiến to lớn của đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ. Các ý kiến tư vấn, phản biện, phổ biến kiến thức đã góp phần quý báu cho việc xây dựng và từng bước hoàn thiện chế độ XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền, xã hội công bằng văn minh; đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng kinh tế – xã hội của đất nước.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng và Nhà nước đã ghi nhận sự đóng góp lớn lao của các trí thức trong hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Lê Hồng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, bên cạnh các thành tích đã đạt được, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận vào những hạn chế bất cập để sớm có giải pháp khắc phục. Chẳng hạn như chưa tập hợp được nhiều trí thức trẻ, trí thức trong các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường ĐH và trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động ở các hội.
Các hội chuyên ngành toàn quốc có số lượng chuyên gia, nhà khoa học đông đảo, nhiều chuyên gia đầu ngành nhưng còn thiếu cơ chế, đặc biệt là cơ chế về tài chính để các hội tham gia một cách chủ động, tích cực hơn nữa trong việc nghiên cứu ứng dụng và phổ biến kiến thức khoa học – công nghệ, tư vấn, phản biện và giám định xã hội…
Đặt nhiều kỳ vọng
Theo Tổng Bí thư, tình hình thế giới và trong nước tiếp tục còn có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Tình hình đó đòi hỏi các tổ chức khoa học – công nghệ, đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ nước ta, đặc biệt là trí thức, các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam không được chủ quan, thỏa mãn; cần nỗ lực phấn đấu, có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa, có hiệu quả cao hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng, phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Trước hết, Tổng Bí thư mong muốn Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, trí thức khoa học – công nghệ Việt Nam cần tiếp tục chủ động và làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tham mưu cho Đảng và Nhà nước.
Tiếp theo là tiếp tục làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tư vấn, phản biện trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật với các chỉ tiêu cụ thể; thu hút, trọng dụng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức nhằm xây dựng đội ngũ trí thức nước ta không ngừng lớn mạnh, bảo đảm đủ số lượng và chất lượng, có cơ cấu phù hợp, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ hội nhập.
Có kế hoạch bố trí, sử dụng đội ngũ trí thức một cách hợp lý; có chính sách thu hút trí thức trẻ được đào tạo chính quy thực sự có trình độ, năng lực, có phẩm chất đạo đức tham gia hoạt động trong các viện nghiên cứu, nhà trường và doanh nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tập hợp trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài tích cực tham gia hiến kế, hợp tác ở trong nước.
Chú ý thêm công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới; quan tâm công tác khuyến khích, tôn vinh những trí thức có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Tổng Bí thư chúc những trí thức Việt Nam “thành công trong công tác, hạnh phúc trong cuộc sống, xứng đáng là nguyên khí của quốc gia, những người làm hưng thịnh cho đất nước, làm rạng rỡ cho dân tộc, làm vẻ vang cho giống nòi“./.
Tổng hợp từ nguồn Thanhnien online