Chiều ngày 27/4, tại văn phòng Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA), Ông Trần Ngọc Chính chủ tịch Hội đã tiếp và làm việc với Ông No Sung Ki- Tổng Giám đốc Tập đoàn Jungdo UIT và các chuyên gia của Tập đoàn.
Ảnh trong bài: Mộc Cỏ
Tham dự buổi làm việc có đại diện của Cục Phát triển đô thị- Bộ Xây dựng, Ông Lê Hoàng Trung, Phó Cục trưởng, đại diện Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, Ông Lê Chính Trực- Phó Viện trưởng và đại diện của Sở Xây dựng Hà Nội.
Tại buổi làm việc, các chuyên gia đã nghe Ông Lim Jong Hoon- – Phó Giám đốc Tập đoàn Jungdo UIT trình bày tóm tắt Dự án “Cải tạo đô thị Việt Nam dựa trên dữ liệu” nhằm cải thiện và thúc đẩy một cách hiệu quả các dự án cải tạo, tái thiết đô thị tại Việt Nam. Đây là đề xuất của phía chuyên gia Hàn Quốc nhằm đem đến những kinh nghiệm của Hàn Quốc trong quá trình tái thiết đô thị, khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình thu hồi đất; vấn đề tái định cư cho người dân; các vấn đề về cơ sở hạ tầng đô thị và môi trường sống; vấn đề định giá và bồi thường trong công tác giải phóng mặt bằng; quyền lợi giữa các bên có liên quan… Dự án được xây dựng trên cơ sở lấy người dân làm trung tâm nhằm đảm bảo tái định cư cho người dân, đảm bảo môi trường sống trong lành và tiện lợi, dựa trên phương thức cấp đổi đất áp dụng trong các dự án phát triển đô thị để từ đó đề xuất phương án triển khai dự án cải tạo, tái thiết đô thị dựa trên quyền sử dụng đất. Dựa trên cơ sở dữ liệu thông tin về đất đai để đánh giá và phân bổ đất đai một cách hợp lý cho các dự án tái thiết đô thị.
Bằng phương thức cấp đổi đất, các chuyên gia Hàn Quốc cho rằng sẽ đảm bảo quỹ đất cho phát triển hạ tầng công cộng, đảm bảo tính công khai minh bạch trong công tác bồi thường GPMB, tạo điều kiện cho việc triển khai các dự án tái thiết đô thị. Hiệu quả của dự án là giải quyết được các vấn đề của đô thị như tái thiết các khu chung cư cũ, đảm bảo đất không gian công cộng, xây dựng đô thị ứng phó với các rủi ro thiên tai, BĐKH, cải thiện công tác tái định cư và thúc đẩy các dự án, đảm bảo tính công khai, minh bạch và công bằng về quyền lợi của người dân và chủ đầu tư. Dự án đề xuất lấy Hà Nội là địa bàn thí điểm để triển khai dự án.
Phát biểu tại buổi làm việc, Ông Trần Ngọc Chính cho rằng đây là dự án rất phù hợp với Việt Nam trong bối cảnh quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ, nhất là khi Việt Nam đang triển khai thực hiện NQ 06/NQ-TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững và Nghị quyết 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện NQ 06/NQ-TW. Việc lựa chọn Hà Nội là địa bàn thí điểm sẽ mở ra cơ hội cho Thủ đô thúc đẩy các dự án tái thiết đô thị, cải tạo các khu chung cư cũ trong khu vực trung tâm, tháo gỡ các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân…
Hiện Bộ Xây dựng và Hà Nội đã và đang có nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến nội dung quản lý và phát triển đô thị đang được bổ sung, hoàn thiện, nên sẽ rất thuận lợi để triển khai dự án, khi dự án được chấp thuận và được tiếp nhận nguồn hỗ trợ từ nguồn vốn ODA không hoàn lại của Hàn Quốc trong năm tài khóa 2025- 2027. Dự án sẽ tiếp tục được hoàn thiện và triển khai theo quy trình xây dựng dự án theo nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam./.
Thanh Ý