Ngày 31.5, Hội Quy hoạch phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng phối hợp với UBND huyện Hòa Vang và Ban Đô thị HĐND TP. Đà Nẵng, tổ chức hội thảo khoa học “Đô thị mới Hòa Vang – Tầm nhìn và thách thức“. Hội thảo nhằm tham vấn ý kiến chuyên môn cho định hướng phát triển Hòa Vang trở thành đô thị sinh thái, giàu bản sắc và là đô thị vệ tinh của TP. Đà Nẵng.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, du lịch và phát triển đô thị đến từ Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.
Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cùng các chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, Hội KIến trúc sư Việt Nam và lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang, Ban Đô thị TP. Đà Nẵng đồng chủ trì Hội thảo
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ông Đinh Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng cho hay, Hòa Vang là huyện duy nhất của Đà Nẵng nằm trên phần đất liền của thành phố. Địa phương này đang trong quá trình đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp – xây dựng, giảm tỷ trọng ngành nông lâm thủy sản.
Ông Vinh cho hay, Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định huyện Hòa Vang đạt tiêu chí đô thị loại IV trong giai đoạn 2023-2025, tỷ lệ đô thị hóa lớn hơn 85%, 80% xã đủ điều kiện trở thành phường, hình thành đô thị trung tâm Hòa Vang.
Những chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ các cơ quan nhà nước và hội nghề nghiệp của trung ương và TP. Đà Nẵng tại hội thảo
Đến năm 2025, Hòa Vang đủ điều kiện thành lập thị xã với chức năng là trung tâm hành chính, trung tâm kinh tế đa ngành, cửa ngõ kết nối với các huyện Tây Bắc tỉnh Quảng Nam và các tỉnh Tây Nguyên, có hạ tầng kỹ thuật xã hội đồng bộ.
Về định hướng phát triển đô thị của Hòa Vang trong quy hoạch chung đã phê duyệt, theo đó, đô thị Sườn đồi thuộc địa bàn các xã Hòa Ninh – Hòa Sơn – Hòa Nhơn – Hòa Phú; diện tích khoảng 2.823ha; dân số đến năm 2030 khoảng 140.000 người với tính chất là khu đô thị mới ưu tiên phát triển du lịch – thương mại dịch vụ kết hợp ở, với không gian xanh và mặt nước được phân bố khu vực xung quanh núi Dương Ba Làng, các khu ở tái định cư, khu biệt thự sườn đồi, các tòa nhà cao tầng có hệ số sử dụng đất cao, mật độ xây dựng thấp nhằm đảm bảo tầm nhìn hướng đến những ngọn núi phía Tây….
Cảng biển Liên Chiểu là một phần phân khu thuộc địa bàn xã Hòa Liên; diện tích phân khu khoảng 1.286,2ha; dân số đến năm 2030 khoảng 24.000 người với tính chất là Khu vực có chức năng chuyên biệt (Cảng Liên Chiểu, cụm logistics) và khu đô thị cảng biển.
Trung tâm lõi xanh là một phần phân khu thuộc địa bàn các xã Hòa Sơn – Hòa Nhơn; diện tích phân khu khoảng 4.775ha; dân số đến năm 2030 khoảng 88.000 người với tính chất là khu trung tâm lõi xanh của thành phố, hình thành những không gian công cộng mới với nhiều không gian xanh rộng lớn…
Ông Vinh nhận định để đảm bảo việc phát triển Hòa Vang một cách đồng bộ, hài hòa, cần các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà quy hoạch cũng như cả cộng đồng dân cư tiếp tục chung tay đóng góp, tư vấn các định hướng mới cho Hòa Vang trong bản Quy hoạch chung sắp tới, đặc biệt là một số lĩnh vực như: Giải pháp phát triển đô thị hài hòa với cộng đồng dân cư bản địa, văn hóa địa phương. Có cần thiết phải đô thị hóa các khu vực nông thôn hay có những giải pháp khác hài hòa hơn trong tình hình hiện nay. Giải pháp phát triển đô thị gắn kết với trung tâm đô thị cũ và tầm nhìn lâu dài sẽ phát triển Hòa Vang là khu vực mở rộng của đô thị loại I – Đà Nẵng.
TS. KTS. Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.Đà Nẵng, cho biết Hòa Vang là đô thị vệ tinh của TP.Đà Nẵng, cần phát triển công trình, thu hút đầu tư, tạo sức hút đưa dân về các khu vực, trong thời gian ngắn nhất đạt về tiêu chí đô thị.
Ông Tiến đưa ra giải pháp Hòa Vang tiến đến hình thành đô thị loại 3, khu trung tâm gồm 6 xã Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Khương, Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Tiến và hình thành các phường cho thành phố mới. Khu vực ngoại thành gồm 5 xã còn lại xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới, tiếp cận các tiêu chí đô thị.
Bên cạnh đó, cần cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược để phát triển các khu đô thị mới quy mô, như cơ chế đấu giá đất, BOT giao thông, xã hội hóa đầu tư hạ tầng đặc thù, phát triển nguồn nhân lực.
Ông Nguyễn Thành Tiến cũng cho rằng cần điều chỉnh sớm đưa đất dự trữ, đất nông nghiệp vào sử dụng với mục đích phi nông nghiệp để mở rộng đô thị. Đặc biệt quản lý chặt chẽ đất đai, hạn chế chia lô nhà ống mà hướng đến đô thị nén, chung cư cao tầng.
Các chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc,… đến từ Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.
Góp ý cho định hướng quy hoạch Hòa Vang thực hiện được các mục tiêu phát triển, các chuyên gia đưa ra nhiều ý kiến thiết thực.
KTS. Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, huyện Hoà Vang có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của Đà Nẵng, là vùng đệm, vùng đất dự trữ, vùng sinh thái nông lâm nghiệp bảo tồn đa dạng sinh học của thành phố.
Ngoài ra, huyện Hoà Vang còn có khu công nghệ cao, nhiều dự án công nghiệp – dịch vụ, đầu mối các dự án hạ tầng kết nối … đây là những tiền đề, động lực để Hoà Vang phát triển nhanh các khu đô thị, tăng trưởng kinh tế để sớm đạt mục tiêu trở thành thị xã đô thị loại 3.
KTS. Trần Ngọc Chính cho rằng, phát triển đô thị Hòa Vang phải tận dụng tối đa lợi thế về vị trí địa lý, đặc thù điều kiện địa hình tự nhiên và tài nguyên đất đai để tổ chức các vùng chức năng đô thị một cách hợp lý. Đồng thời, tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại theo hướng xanh, thông minh. Kết hợp cải tạo tự nhiên với phòng tránh thiên tai; giữ gìn cảnh quan môi trường.
Bên cạnh đó, cân đối quỹ đất hợp lý để vừa bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên vừa phát triển các lĩnh vực trụ cột của nền kinh đô thị Hòa Vang phù hợp với chiến lược phát triển của TP. Đà Nẵng đó là công nghiệp, logistic, nông – lâm nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch gắn với bảo vệ môi trường…
Hòa Vang chú trọng duy trì hành lang xanh, mảng xanh
Theo GS.TS. Nguyễn Quốc Thông – Chủ tịch Hội đồng khoa học Hội Kiến trúc sư Việt Nam: Định hướng phát triển Hòa Vang không chỉ là một đô thị sinh thái mà còn là đô thị xanh, đáng sống! Quy hoạch cần quan tâm đến cấu trúc đô thị, với cấu trúc đô thị phân tán và dựa trên khung thiên nhiên của vùng đất, quy hoạch đô thị mới Hòa Vang cần được tổ chức theo mô hình đơn vị đô thị dựa vào khung thiên nhiên. Đây chính là các thành phần tạo nên cấu trúc đô thị Hòa Vang.
Tiến sĩ Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh: Hòa Vang hiện nay như một viên ngọc thô quý giá nhưng chưa được mài giũa để tỏa sáng. Vì vậy việc tổ chức không xanh đô thị Hòa Vang, không thể không khai thác giá trị của hệ thống sông, hồ ở nơi đây, đặc biệt là dòng sông Cu Đê và Hồ Hòa Trung… Đó là những những thành tố tạo nên bản sắc cho đô thị Hòa Vang.
GS. TS. Đỗ Hậu, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, nhận định: Với định hướng quy hoạch Hòa Vang trở thành đô thị sinh thái, đô thị sườn đồi, giàu bản sắc, Hòa Vang cần phải lựa chọn những tiêu chí nào trong 52 tiêu chí về đô thị sinh thái mà thế giới đã xác định. Cần chú ý cấu trúc của 1 đô thị sinh thái là phải dựa vào thiên nhiên, tôn trọng địa hình tự nhiên. để từ đó tổ chức mạng lưới giao thông sinh thái, ưu tiên phát triển loại hình giao thông không ảnh hưởng đến hệ sinh thái đô thị…
Phát triển đô thị phù hợp “ngưỡng” môi trường
TS. KTS Tô Văn Hùng, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang, nhấn mạnh đô thị vệ tinh Hòa Vang đặc biệt chú ý yếu tố đô thị sinh thái, giàu bản sắc, tích hợp những giá trị văn hóa vào cấu trúc, lộ trình phát triển. Bí thư Huyện ủy Hòa Vang đề xuất tổ chức kiến trúc cảnh quan trong quá trình phát triển đô thị Hòa Vang theo hướng gìn giữ đa dạng sinh học để tạo sức sống cảnh quan, gìn giữ và phát huy đa dạng văn hóa.Thiết kế hài hòa nguyên tắc tự nhiên, bảo tồn tài nguyên và giảm ô nhiễm, gắn kết các nhân tố cảnh quan, phát triển đô thị phù hợp “ngưỡng” môi trường, phục hồi hệ sinh thái trước những tổn thương lâu nay và duy trì mảng xanh, hồ điều hòa.
Để giải quyết các bất cập quy hoạch và ảnh hưởng của việc đầu tư hạ tầng thời gian qua, ông Phan Văn Tôn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, đề xuất các cơ quan chuyên môn thành phố cần sớm có giải pháp triển khai các đồ án quy hoạch phân khu để nhanh tạo được bộ mặt đô thị cho Hòa Vang sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng thị xã.
Cần khảo sát để đưa Hòa Vang vào quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt, nhằm ứng phó biến đổi khí hậu; tránh lặp lại tình trạng lũ lụt, ngập úng ở nhiều đô thị Việt Nam đối với đô thị mới Hòa Vang.
Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang còn đề xuất các dự án giao thông nên làm cầu cạn, ít tác động tự nhiên, không ngăn cản thoát lũ, giảm chi phí đền bù.
Tổng hợp Mộc Cỏ