Mô hình đa trung tâm là xu thế phát triển tất yếu của TP. HCM và cả các đô thị lớn trong giai đoạn mới. Với thành phố mang tên Bác, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA), nhấn mạnh: Thành phố không thể bỏ quên những tiềm lực vô giá mà không phải nơi nào cũng có, đó là sông Sài Gòn và huyện đảo Cần Giờ.
TP. HCM không thể bỏ quên những tiềm lực vô giá, là sông Sài Gòn và huyện đảo Cần Giờ… Ảnh Mộc Cỏ Trần
Góp ý cho định hướng phát triển đa trung tâm của TPHCM, chuyên gia cho rằng, địa phương không thể xem nhẹ tầm quan trọng của sông Sài Gòn và “lá phổi xanh” huyện đảo Cần Giờ. Trong đó, KTS Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng, TP. HCM không thể bỏ quên những tiềm lực vô giá, là sông Sài Gòn và huyện đảo Cần Giờ. Ngoài khía cạnh kinh tế, đây còn là “kho vàng” thiên nhiên đã ban tặng để nuôi dưỡng tâm hồn người dân TP. HCM và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Khu vực Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), nơi được định hướng là một trong những khu trung tâm mới của TP. HCM trong tương lai (Ảnh:dantri).
Mô hình phát triển đa trung tâm, phân chia các vùng đô thị là định hướng được TP. HCM đề cập tới trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040 và tầm nhìn 2060. Quan điểm quy hoạch này được kỳ vọng sẽ giúp đô thị đông dân nhất cả nước khắc phục những điểm yếu đã tồn tại suốt thời gian dài vừa qua và vươn đến những mục tiêu phát triển tầm khu vực và quốc tế.
Ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu quy hoạch đều thống nhất, mô hình đa trung tâm là xu thế tất yếu của TP. HCM và cả các đô thị lớn trong giai đoạn mới. Mặc dù ý tưởng này đã xuất hiện từ lâu, nhưng để thực hiện thành công, thành phố cần có sự tính toán cặn kẽ về nguồn lực, chiến lược và đi kèm một quyết tâm chính trị rất cao.
KTS. Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA), nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng
KTS Trần Ngọc Chính cho biết, TP. HCM là một đô thị đặc biệt, đã được xác định là một trong những đô thị lớn, trung tâm kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước. Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam cũng xác định việc TP. HCM không chỉ mang ý nghĩa với quốc gia mà cần hướng đến việc phát triển một đô thị mang tầm vóc Đông Nam Á, Châu Á và toàn cầu.
Do đó, việc điều chỉnh quy hoạch chung TP. HCM cũng phải dựa trên hướng phát triển năng động, sáng tạo, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, vùng TP. HCM. Quy hoạch này cần tính toán đến dân số, người dân vãng lai, người lao động, khách du lịch để phát triển đồng bộ trong dài hạn.
“Trên thế giới, không có nhiều đại đô thị có đến 13-14 triệu dân như TP. HCM. Diện tích thành phố không quá lớn, không gian phát triển theo hướng từ Đồng Nai đến Long An còn rất hạn hẹp. Việc hình thành các trung tâm mới là điều cần thiết để tái phân bổ dân cư, khai thác không gian hiệu quả”, ông Trần Ngọc Chính phân tích.
Quận 4, một trong những nơi phải chịu áp lực về hạ tầng, nhà ở khi có diện tích nhỏ, mật độ dân số cao (Ảnh: Nam Anh).
Việc phân chia các vùng đô thị là phương án tất yếu để TP. HCM đảm bảo mỗi nơi đều có sự tự chủ, có đặc trưng riêng nhưng vẫn đồng bộ với nhau. Mô hình đa trung tâm sẽ giúp giảm áp lực về dân số, giao thông, hạ tầng xã hội cho khu vực lõi thành phố vốn đang quá tải.
“Đa trung tâm sẽ giúp thành phố khai thác được hiệu quả tài nguyên đất đai. Nếu quy hoạch cứ làm theo kiểu “vết dầu loang” như hiện tại sẽ rất khó quản lý, không tạo ra được bộ mặt kiến trúc đô thị hoàn chỉnh và phát triển bền vững”, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam bày tỏ.
KTS. Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM, cùng quan điểm, việc chia sẻ áp lực cho khu trung tâm hiện hữu là điều mô hình đa trung tâm hướng tới. Đặc biệt trong bối cảnh, TP. HCM không chỉ phát triển cho riêng mình, mà còn mang trọng trách dẫn dắt vùng, phục vụ người dân các tỉnh, thành lân cận.
KTS. Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM.
“Theo quan điểm trước đây, mỗi thành phố, đô thị sẽ có một trung tâm, thu hút người dân các nơi đến để gia tăng động lực phát triển. Tuy nhiên, cái giá phải trả là quá tải hạ tầng, kẹt xe, ô nhiễm, áp lực về chỗ ở. Do đó, điều tất yếu cần làm là TP. HCM cần có thêm các trung tâm khác để phục vụ cư dân ngoại thành, người lao động từ các tỉnh, thành lân cận”, KTS Khương Văn Mười làm rõ.
Tham gia công tác quy hoạch tại TP. HCM nhiều năm, ông Khương Văn Mười nhớ lại, trước đây, thành phố cũng từng có ý tưởng phát triển đa trung tâm với vùng lõi là đô thị lịch sử Sài Gòn – Chợ Lớn và các vùng phụ cận. Tuy nhiên khi đó, ý tưởng này chỉ dừng lại ở việc đặt tên, để phát triển tự phát chứ chưa tập trung đầu tư các trung tâm mới.
Không có giao thông thì không có đa trung tâm
KTS Trần Ngọc Chính so sánh, trong suốt quá trình công tác, ông từng tham gia đóng góp cho quy hoạch TP. HCM và thủ đô Hà Nội, 2 đô thị lớn này cùng có điểm tương đồng nhất định về định hướng đa trung tâm và nguyên nhân khiến việc thực hiện chưa hiệu quả.
Một trong những nguyên nhân trực tiếp là hệ thống giao thông kết nối chưa tạo thuận tiện cho người dân, người lao động và nguyên nhân xa hơn là nguồn lực chưa đảm bảo. Khi việc di chuyển tốn nhiều thời gian, các trung tâm mới sẽ kém thu hút và không có động lực phát triển.
Góp ý cho TP. HCM trong định hướng phát triển đa trung tâm, ông Trần Ngọc Chính bày tỏ, trước tiên, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ vành đai 3, vành đai 4 và hệ thống đường sắt đô thị. Khi mạng lưới giao thông hoàn thiện, đi lại dễ dàng, tốn ít thời gian, các khu vực trung tâm mới sẽ thu hút được người dân, người lao động.
Tuyến chính Vành đai 3 TPHCM (đoạn qua huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) đang được gấp rút thi công (Ảnh: Hải Long).
“Khi xây dựng các trung tâm mới, thành phố cần tính toán nguồn lực cho hạ tầng giao thông kết nối. Khi giao thông đã thông suốt, mọi điều sẽ trở nên dễ dàng hơn”, KTS Trần Ngọc Chính nhận định.
Chuyên gia cho rằng, quy hoạch TP. HCM đã tính toán đến vấn đề đó khi phát triển hệ thống đường sắt nội vùng và liên vùng, kết nối với Biên Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An. Khi quy hoạch hoàn thiện, người dân sẽ thuận tiện hơn trong việc đi tới các trung tâm mới, tham gia hoạt động dịch vụ, thương mại của toàn vùng.
KTS Khương Văn Mười cũng nêu rõ, trong các lý thuyết về quy hoạch phát triển, điểm quan trọng nhất là phải giảm thiểu thời gian di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Phần thời gian tiết kiệm được có thể dùng để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động cho người dân.
“Không phát triển giao thông thì không thể có đa trung tâm và các đô thị cũng không thể phát triển. Nhà đầu tư muốn cùng TP. HCM phát triển một trung tâm mới, họ không hỏi khoảng cách từ nơi này đến nơi khác dài bao nhiêu km, mà chỉ quan tâm việc di chuyển mất bao nhiêu thời gian, tức là đường xá có thuận lợi, có xảy ra ùn tắc hay không”, ông Khương Văn Mười nêu quan điểm.
Với định hướng đa trung tâm mà TP. HCM theo đuổi, KTS Khương Văn Mười nhấn mạnh, việc hoàn thiện hệ thống metro, phát triển giao thông công cộng càng cấp thiết. Đối với một siêu đô thị nhiều trung tâm, trục giao thông công cộng là xương sống và định hình cấu trúc chứ không phải giao thông đường bộ.
Dòng sông đặt tên cho thành phố
Nhắc tới TP. HCM phải nhắc tới sông Sài Gòn. Con sông này đã đặt tên cho TP. HCM trước đây…
Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. HCM đến năm 2040 và tầm nhìn 2060, quận 7, huyện Cần Giờ, Nhà Bè sẽ trở thành một đô thị công nghệ cao, kinh tế biển. KTS Trần Ngọc Chính cho rằng, thành phố nên tách huyện Cần Giờ thành một khu vực riêng vì đặc điểm địa lý và định hướng phát triển kinh tế biển.
“Trong quá trình nghiên cứu quy hoạch lần này, TP. HCM hướng đến việc phát triển mạnh mẽ kinh tế biển. Bản đồ án cũng làm rõ các nội dung về Cảng trung chuyển quốc tế và Khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Chính phủ cũng thống nhất phát triển đô thị biển Cần Giờ gắn với thương mại, dịch vụ, giải quyết nhu cầu du lịch của người dân”, KTS Trần Ngọc Chính nói về điểm mới trong quy hoạch TP. HCM lần này.
Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong tương lai (Ảnh: Portcoast).
Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, trong vấn đề phát triển huyện Cần Giờ, các chuyên gia, lãnh đạo TPHCM đặc biệt quan tâm sự tác động tới khu dự trữ sinh quyển. Với diện tích đất lớn, khu vực này được coi là lá phổi của thành phố, giúp địa phương ứng phó với biến đổi khí hậu.
Do đó, khi xây dựng cảng và khu đô thị, các bên cần đánh giá kỹ tác động môi trường và không thể đánh đổi môi trường để lấy lợi ích kinh tế. Ngoài ra, trong công tác quy hoạch, thành phố cần đặc biệt chú ý đến tầm quan trọng của sông Sài Gòn. Không chỉ là một trục cảnh quan đặc sắc, con sông còn mang lại tiềm năng kinh tế và nhiều giá trị văn hóa.
“Nhắc đến Seoul là nhắc tới sông Hàn, nhắc tới Thượng hải có sông Hoàng Phố, nhắc đến Paris là nhắc tới sông Seine thì nhắc tới TP. HCM phải nhắc tới sông Sài Gòn. Con sông này đã đặt tên cho TP. HCM trước đây, mang nhiều ý nghĩa văn hóa và đậm dấu ấn lịch sử”, KTS Trần Ngọc Chính nhấn mạnh.
Trong quá trình thực hiện quy hoạch, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam mong muốn, dọc sông Sài Gòn sẽ hình thành các dự án mang đậm dấu ấn đô thị, bố trí không gian kiến trúc hài hòa. Sông Sài Gòn có tiềm năng để phát triển hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, bài trí công trình kiến trúc khi thành phố hình thành các trung tâm mới.
“Sông Sài Gòn thật sự quá đẹp, không thể tìm ra con sông thứ 2. TPHCM được thiên nhiên ban tặng con sông này thì cần làm quy hoạch xứng tầm, không vội vàng và tính toán phù hợp”, KTS Trần Ngọc Chính bày tỏ.
Đối với các khu vực khác, KTS Trần Ngọc Chính nhận định, TPHCM có mối quan hệ đặc biệt với tỉnh Tây Ninh, đặc biệt là đường giao thông kết nối quốc tế qua cửa khẩu Mộc Bài. Do đó, khu vực huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận Gò Vấp là tuyến đường quan trọng, cần phát triển những trung tâm mới dọc tuyến, tập trung các ngành nghề công nghiệp, nông nghiệp kỹ thuật cao, phát triển độc lập.
KTS Khương Văn Mười đánh giá, khu vực TP Thủ Đức đã dần hình thành một trung tâm mới, khu vực huyện Cần Giờ cũng có sự chuẩn bị đầy đủ để phát triển thời gian tới. TPHCM cần tập trung ưu tiên cho khu vực huyện Củ Chi, Bình Chánh vì đây là nơi kết nối với các tỉnh miền Tây và vùng Đông Nam Bộ.
“Không trung tâm nào có thể làm một thời gian ngắn là xong, ngay cả khu vực lõi trung tâm TPHCM vẫn trong quá trình phát triển. Thành phố cần tính toán huy động nguồn lực, xây dựng hệ thống giao thông và xác định các khu chức năng để thu hút nhà đầu tư”, ông Khương Văn Mười góp ý.
Khu vực cầu An Hạ, nối huyện Củ Chi và Hóc Môn của TPHCM (Ảnh: P.N.).
KTS Trần Ngọc Chính góp ý, ngoài vấn đề nguồn lực, để ý tưởng đa trung tâm của TPHCM thành hiện thực, các cơ chế, chính sách, cơ sở pháp lý cần sớm hoàn thiện và lãnh đạo thành phố, các cấp chính quyền cần một quyết tâm chính trị cao. Khi đã có chủ trương quy hoạch đa trung tâm, thấy tốt cho phát triển kinh tế – xã hội thì các cấp, các ngành phải rốt ráo thực hiện, hưởng ứng mạnh mẽ, đề xuất, bổ sung dần những yếu tố còn thiếu về nguồn lực, cơ sở pháp lý.
“Động đâu thấy khó đấy thì rất dễ buông. Nếu đợi luật ra Quốc hội để được điều chỉnh thì mất nhiều năm, họp rất nhiều cuộc. Từ trước đến nay, mình có quyết tâm đó, nhưng quyết tâm chưa đủ lớn”, KTS Trần Ngọc Chính bày tỏ./.
Nguồn dantri