Chuyến công tác Trung Quốc tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từ ngày 25-27.6.2024 đã thành công tốt đẹp. Trong khuôn khổ các buổi làm việc, nhiều doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc muốn tăng rót vốn vào hệ thống hạ tầng chiến lược Việt Nam, như đường sắt đô thị, tốc độ cao.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày 26.6.2024. Ảnh: VGP
Chuyến công tác và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam – Trung Quốc phát triển tốt đẹp. Thủ tướng Chính phủ đã hội kiến, hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Cường, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Vương Hộ Ninh; cùng Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Trương Quốc Thanh dự và phát biểu tại “Hội nghị hợp tác Việt Nam – Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông và vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc”.
Hai bên nhất trí tăng cường kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường”, nhất là về cơ sở hạ tầng giao thông; đẩy nhanh kết nối đường sắt khu vực biên giới, thúc đẩy hợp tác phát triển một số tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn tại khu vực phía Bắc Việt Nam; đẩy mạnh hơn nữa hợp tác thương mại, phối hợp xử lý dứt điểm các vướng mắc tại một số dự án hợp tác; thúc đẩy đầu tư chất lượng cao của Trung Quốc vào Việt Nam nhất là trong các lĩnh vực như xây dựng hạ tầng giao thông, kinh tế xanh, kinh tế số, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; tăng cường hợp tác du lịch bền vững, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngày 25/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Lou Qiliang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc (CRSC). Thủ tướng mong muốn trao đổi tìm cơ hội hợp tác, mong Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam thiết kế, thi công, chuyển giao công nghệ để phát triển các dự án đường sắt từ Vân Nam qua Lào Cai đi Hải Phòng; tuyến Lạng Sơn đi Hà Nội; tuyến Đông Hưng đi Móng Cái, về Hải Phòng. 3 tuyến đường sắt này dài hơn 700km.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, phát triển hệ thống đường sắt là chiến lược lớn nhất của Việt Nam hiện nay; mong muốn phát triển hệ thống đường sắt Bắc – Nam tốc độ cao dài hơn 1.500km. Đối với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, Việt Nam quyết tâm triển khai dự án trong giai đoạn 2026 – 2027. Do đó, Việt Nam mong hợp tác với Trung Quốc về lĩnh vực đường sắt, toa xe và tín hiệu.
Hình ảnh tại Hội nghị hợp tác Việt Nam – Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông và vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc sáng 27/6 |
Trong buổi làm việc ngày 27/6, tại Bắc Kinh, Bộ trưởng bộ GTVT tiết lộ thêm Việt Nam cần khoảng 4,8 triệu tỷ đồng để phát triển mạng lưới đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị của Hà Nội, TP. HCM. Trong đó, nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng. Số vốn này dự kiến dành để nâng cấp 7 tuyến đường sắt hiện có với tổng chiều dài 2.440km; xây 9 tuyến đường sắt mới với tổng chiều dài hơn 2.600km, trong đó có đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam dài 1.545km, tuyến đường sắt TP. HCM – Cần Thơ dài trên 175km.
Ông Thắng cũng nhắc tới định hướng đầu tư xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị tại TP. HCM (6 tuyến) và Hà Nội (8 tuyến). “Tuyến Văn Cao – Láng – Hòa Lạc ở Hà Nội đang tập trung kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư) với nguồn vốn khoảng 65.000 tỷ đồng”, ông Thắng thông tin.
Trước lời mời hợp tác từ Thủ tưởng Phạm Minh Chính, phía Trung Quốc gồm CRSC, Tập đoàn toa xe Trung Quốc (CRCC), Tập đoàn Huawei và Phó thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh đều mong muốn được đồng hành, hợp tác thực hiện các dự án đường sắt tại Việt Nam/.
Nguồn: laodong và nguoiquansat