Theo KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Khu thương mại tự do thế hệ mới Đà Nẵng có liên quan mật thiết đến cảng Liên Chiểu và sự phát triển thị trường bất động sản khu Tây Bắc Đà Nẵng. Đây chính là thời điểm để Đà Nẵng cất cánh.
– Thưa ông, trước đây, quy hoạch Đà Nẵng đã tính đến việc phát triển dự án Cảng Liên Chiểu, khu công nghệ cao và khu thương mại tự do ở khu vực Tây Bắc thành phố?
KTS. Trần Ngọc Chính: Từ lâu, Đà Nẵng đã được quy hoạch là trung tâm của của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng và được Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt phê duyệt. Từ cơ sở đó, khi được tách ra trở thành thành phố trực thuộc TW, Đà Nẵng tiếp tục được bổ sung thêm quy hoạch hoàn chỉnh hơn. Dù là tách ra hay không thì Đà Nẵng vẫn phải tính toán quy hoạch để trở thành trung tâm của khu kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên.
Đây là một trong những thành phố được quy hoạch bài bản, có liên kết vùng chặt chẽ giữa Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên và là điểm mấu chốt của miền Trung về tất cả mọi mặt: kinh tế – xã hội, giao thông và có ý nghĩa quan trọng về quốc tế.
Trong quá trình phát triển, mục tiêu về du lịch, thương mại, dịch vụ đã và đang là định hướng trọng tâm của Đà Nẵng. Khi Huế, Mỹ Sơn, Hội An trở thành di sản thế giới thì nhờ có sân bay và cảng du lịch quốc tế Đà Nẵng đã trở thành điểm đến. Có thể thấy, từ Sơn Trà đến Hội An dọc theo bãi biển dài hơn 30km được đầu tư rất bài bản. Là điểm đến thu hút trên chuỗi di sản thế giới, vị thế trên bản đồ du lịch của Đà Nẵng cũng được đánh giá cao, với tốc độ phát triển rất nhanh.
Một góc Cảng Liên Chiểu Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, để phát huy giá trị của một đô thị cảng biển lớn thì trong quy hoạch Đà Nẵng từ trước đây đã có định hướng chuyển cảng Tiên Sa trở thành cảng phục vụ cho du lịch và thương mại cho thành phố. Còn cảng Liên Chiểu sẽ trở thành cảng nước sâu quy mô lớn của vùng và trên cả nước. Bởi:
Thứ nhất, khu vực cảng Liên Chiểu có sự hậu thuẫn về đất đai.
Thứ hai, cảng Liên Chiểu được che chắn khá tự nhiên, với địa thế là dãy núi Hải Vân (chân dãy Trường Sơn), đủ điều kiện để trở thành cảng trung chuyển hàng hóa quốc tế.
Toàn bộ khu công nghiệp Hoà Khánh đã được đầu tư trước đây không còn phù hợp đã được chuyển dần thành các khu công nghệ cao, xanh, sạch. Cùng với đó là sự xuất hiện của rất nhiều khu dân cư, trường đại học như: Đại học Bách khoa, Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)…
Như vậy, cảng Liên Chiểu không chỉ trở thành một địa thế quan trọng của Đà Nẵng mà còn là tiền để phát triển trung tâm thương mại dịch vụ rất lớn, dễ dàng thu hút đầu tư. Điều này đã được thể hiện trong quy hoạch trước đây và quy hoạch hiện tại của Đà Nẵng.
– Theo ông, tại sao Đà Nẵng lại tập trung triển khai dự án Cảng Liên Chiểu, khu Công nghệ cao và đặc biệt là dự án mới khu thương mại tự do?
KTS. Trần Ngọc Chính: Trước tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, khi Hà Nội đã có Luật Thủ đô được điều chỉnh, TP.HCM đã có Nghị quyết 98 của Quốc hội thì Đà Nẵng cũng cần có một cơ chế đặc thù. Chính vì thế, đã tính đến chuyện phải phát triển Đà Nẵng trở thành một thành phố mạnh về kinh tế biển của miền Trung. Mà muốn vậy thì đề xuất việc phát triển khu thương mại tự do của Đà Nẵng vào lúc này là rất cần thiết.
Vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trong đó có khu thương mại tự do Đà Nẵng thế hệ mới gắn với Cảng biển Liên Chiểu: Chính sách, cơ chế mới, con người mới, công nghệ mới và hợp tác quốc tế ở trình độ cao.
Thực ra, chúng tôi cũng đã đề xuất về quy hoạch khu thương mại tự do tại nhiều nơi nhưng phát triển chưa như mong muốn vì chưa có đủ các điều kiện. Nhưng đối với Đà Nẵng thì đã hội tụ đủ “thiên thời địa lợi nhân hòa”, với chủ trương, chính sách vượt trội, lợi thế từ thiên nhiên và sự vào cuộc quyết liệt của cả Chính phủ và chính quyền, nhân dân Đà Nẵng.
Như vậy, giờ chính là thời điểm để Đà Nẵng có điều kiện “cất cánh”, vì đã có sẵn sân bay quốc tế, đường bộ và đường bộ cao tốc, đường sắt Bắc Nam hiện hữu và đường sắt cao tốc Bắc – Nam trong tương lai. Điều này gắn kết với hệ thống cảng biển nước sâu Liên Chiểu và kết nối phía Tây của Đà Nẵng với đường Hồ Chí Minh theo đường cao tốc 14, hướng về Tây Nguyên rất thuận lợi…
Tôi hy vọng rằng, với khu thương mại tự do của Đà Nẵng mà Thủ tướng đang rất quan tâm chỉ đạo thực hiện, đây chính là cơ hội của Đà Nẵng và của cả Việt Nam. Cần hiểu rõ, khu thương mại tự do thế hệ mới là cơ cấu của một cảng biển. Để cảng biển đó đạt công suất hàng trăm triệu tấn/năm là chuyện khả thi trong tương lai.
Khu vực nghiên cứu lấn biển gần đường Nguyễn Tất Thành (chức năng là khu dịch vụ logistics, diện tích khoảng 420ha). Đây là một trong những vị trí đang được xem xét để dự kiến xây dựng khu thương mại tự do Đà Nẵng. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Trên thế giới, đã có khoảng 150 nước thực hiện mô hình này và họ thường xuyên có những cơ chế, chính sách đặc biệt để tạo sự cạnh tranh, thu hút hàng tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động và trở thành những biểu tượng, trung tâm giao thương năng động.
Quan trọng là chúng ta đã có khu thương mại tự do thế hệ mới (trong đó bao gồm cả công nghiệp, dịch vụ, hạ tầng xã hội), phần còn lại là công nghiệp, khu đô thị…
Khu thương mại tự do thế hệ mới Đà Nẵng khi được triển khai sẽ giúp Thành phố đẩy nhanh quá trình tích lũy vốn và công nghệ, góp phần tăng cường hoạt động kinh tế đối ngoại; đóng vai trò làm đầu tàu kéo theo sự phát triển của các vùng khác và cả nước. Đồng thời, sẽ góp phần nâng cao giá trị gia tăng của ngành du lịch, thương mại của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng, tạo ra chuỗi các sản phẩm dịch vụ cao cấp (du lịch, bán lẻ, vui chơi giải trí, lễ hội…), góp phần thu hút khách du lịch đến với Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Với các dịch vụ cao cấp, khu thương mại tư do thế hệ mới sẽ tạo thành một điểm đến đặc biệt, hấp dẫn du khách quốc tế; tạo ra việc làm mới, góp phần giải quyết tình trạng thiếu việc làm và tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương và các vùng lân cận; cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở Đà Nẵng và các địa phương khác do hiệu ứng lan tỏa mang lại.
Khi khu thương mại tự do thế hệ mới Đà Nẵng ra đời sẽ gắn chặt với cảng Liên Chiểu và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Hướng tới thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp hàng xuất khẩu, nhập khẩu; cung cấp các dịch vụ logistics… nhằm thiết lập một trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế, tạo nên cấu trúc ngày càng hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật, phát huy tối đa chuỗi giá trị của cảng biển và cảng hàng không.
Đồng thời, khu thương mại tự do thế hệ mới cũng sẽ kết nối hiệu quả hạ tầng sản xuất và bổ trợ liên hoàn cho các khu, cụm công nghiệp mới sẽ phát triển trong tương lai; kết nối cảng cạn, ga đường sắt, các trục giao thông lớn…
Như vậy, khu vực Tây Bắc Đà Nẵng nơi được quy hoạch phát triển khu thương mại tự do sẽ thu hút rất đông dân cư, người lao động đến sống và làm việc, có thể lên đến 6-7 vạn người.
Tôi cho rằng, Đà Nẵng đã có quy hoạch và sự chuẩn bị bài bản cho tạo lập đô thị phục vụ phát triển khu thương mại tự do thế hệ mới.
Hiện nay, khi chưa có khu thương mại tự do, đã có rất nhiều dự án bất động sản được phê duyệt và khởi công để đón đầu. Bây giờ, Đà Nẵng cần điều chỉnh và gắn kết các khu chức năng cho phù hợp, hiệu quả.
– Bây giờ vào đầu tư có là muộn, thưa chuyên gia?
KTS. Trần Ngọc Chính: Muộn cũng là muộn, mà sớm cũng vẫn là sớm. Sớm với những người biết cách làm. Giá đất tại đây tăng lên từng ngày. Vấn đề là kết hợp giữa cái cũ và cái mới như thế nào. Đà Nẵng cần hoàn chỉnh quy hoạch khu thương mại tự do thế hệ mới để chào đón các nhà đầu tư.
Ví dụ như quy hoạch sử dụng đất như thế nào? Phải lấy hạ tầng cảng Liên Chiểu làm chính để quy hoạch sử dụng đất. Có nghĩa là phải quy hoạch bài bản cho khu bến bãi, khu cảng hải quan, xuất nhập khẩu, kết nối đường sắt, đường bộ, hàng không… Càng vào sâu bên trong, có thể ưu tiên cho các dự án phát triển đô thị. Với vị trí đẹp gần sông Cu Đê cần chú ý phát triển du lịch, giải trí.
Như ở Ai Cập chẳng hạn, trong khu thương mại tư do vẫn có khu du lịch. Ví dụ như kênh đào Suez, dù đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối thương mại toàn cầu nhưng đây cũng là điểm du lịch rất nổi tiếng.
Thưa ông, xét tổng thể, khu thương mại tự do sẽ tạo ra thế cân bằng trong sự phát triển của Đà Nẵng?
KTS. Trần Ngọc Chính: Việc Quốc hội cho phép thành phố Đà Nẵng được thí điểm thành lập Khu thương mại tự do là chủ trương lớn, có ý nghĩa rất quan trọng, là “cú hích”, động lực lớn để kinh tế Đà Nẵng nói riêng và kinh tế vùng nói chung phát triển.
Khu vực Tây Bắc nói chung và khu thương mại tự do thể hệ mới Đà Nẵng nói riêng sẽ trở thành trọng điểm phát triển kinh tế của Đà Nẵng, giúp thành phố cân bằng lại tỷ trọng kinh tế trước đây phụ thuộc nhiều vào du lịch, dịch vụ.
Khu vực Tây Bắc Đà Nẵng được quy hoạch tập trung phát triển 2/3 trụ cột gồm: Công nghiệp – Công nghệ cao; Kinh tế biển, hướng đến mục tiêu trở thành “thung lũng silicon” của Việt Nam. Trong danh sách dự án thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022 – 2026, định hướng đến năm 2030, Đà Nẵng kêu gọi nhiều dự án công nghệ cao, công nghệ thông tin tại khu vực này.
Ngoài ra, vùng Tây Bắc đang tập trung phần lớn các khu công nghiệp của Đà Nẵng như: Khu công nghiệp Hòa Khánh, khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng, khu công nghiệp Liên Chiểu, khu công nghiệp Hòa Cầm và khu dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng với tổng diện tích đất hơn 1.160ha…
Khu thương mại tự do thế hệ mới tại Đà Nẵng được định hướng xây dựng 3 khu chức năng thực hiện các hoạt động chế xuất; logistics; thương mại – dịch vụ, kinh doanh hàng miễn thuế. Đặc biệt, tôi được biết, mô hình khu thương mại tự do của Đà Nẵng không được quy hoạch riêng thành một khu có hàng rào ngăn cách vì Thành phố không có nhiều quỹ đất, Thành phố sẽ dành tổng diện tích 600-700ha để xây dựng khu thương mại tự do phân tán kết hợp với các công trình đầu mối hạ tầng.
Đà Nẵng cũng cần tính toán lại đường hướng phát triển của toàn bộ khu vực Tây Bắc. Khu thương mại tự do cần có sự kết nối với toàn bộ quy hoạch thành phố Đà Nẵng. Trong tương lai, Đà Nẵng sẽ có hệ thống Metro. Khu thương mại tư do đặt ra yêu cầu cần kết nối giao thông ở tốc độ cao, hiện đại. Cần bố trí tuyến Metro kết nối Liên Chiểu với Trung tâm thành phố, kéo dài vào Hội An, Điện Bàn và vươn ra Huế. Khi đó, cần đầu tư hệ thống đường sắt đô thị (ngoài hệ thống đường sắt quốc gia), để kết nối toàn thành phố với vùng phụ cận.
Tất cả khu công nghiệp Hòa Khánh, cảng Liên Chiểu và quỹ đất dự trữ cho phát triển phải kết hợp thành khu thương mại tự do thế hệ mới, có ranh giới phía Bắc, Tây, Nam và cảng. Toàn bộ mặt nước cảng phải có quy hoạch, để tránh ảnh hưởng đến du lịch khác.
Tất cả phải nằm trong chiến lược phát triển: Khu thương mại tự do thế hệ mới là một bộ phận của thành phố Đà Nẵng. Cần chú ý đến vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các vấn đề môi trường, đặc biệt là môi trường biển trong quá trình quản lý và phát triển bền vững.
Với sự đầu tư của Nhà nước, Đà Nẵng phải có sự điều chỉnh quy hoạch, lấy khu thương mại tự do làm hạt nhận, dựa trên lợi thế phát triển của Đà Nẵng trong những năm qua để tạo nên một thành phố có sức hút và sức mạnh phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, phải có đội ngũ cán bộ quản lý và thực thi quy hoạch bài bản.
Khu vực thương mại tự do thế hệ mới ở biển, lại gần sân bay, gần hệ thống đường bộ, đường cao tốc, đường sắt quốc gia…, có nhiều lợi thế hơn các khu thương mại tự do khác. Tất cả những lợi thế đó phải được tính toán rất kỹ trong quy hoạch. Công tác quy hoạch phải đi trước một bước. Kết nối thời đại này phải phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị thông minh, xanh, hội nhập toàn cầu. Vấn đề quy hoạch sử dụng đất tiết kiệm, tiết kiệm được quy đất cho tương lai.
Có thể nói, khu vực Tây Bắc Đà Nẵng với những công trình mang tính trọng điểm như cảng Liên Chiểu, khu Công nghệ cao và đặc biệt là dự án mới khu thương mại tự do thế hệ mới sẽ mang tới những lợi ích không chỉ về kinh tế mà các yếu tố liên quan tới hạ tầng, xã hội, an sinh… cho khu vực và thành phố Đà Nẵng.
Ông nhận thấy sự vào cuộc của Chính phủ và thành phố Đà Nẵng như thế nào? Khu thương mại tự do thế hệ mới này có tốc độ triển khai ra sao?
KTS. Trần Ngọc Chính: Với tầm nhìn mới và quyết tâm mạnh mẽ, như tôi đã nói ngay từ đầu, đây là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, khi Chính phủ và Đà Nẵng cùng vào cuộc, và hành động đó phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại, thành phố hoàn toàn có thể phát triển khu thương mại tự do thế hệ mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe báo cáo về Dự án nghiên cứu lấn biển phục vụ khu dịch vụ thương mại tự do, thuộc Khu thương mại tự do. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy một số yếu tố thuận lợi vượt trội, ví dụ như:
Thứ nhất, khu vực triển khai dự án có lợi thế là không cần đền bù, giải phóng mặt bằng nhiều. Quỹ đất tự nhiên đủ để sắp xếp theo quy hoạch. Thứ hai, như đã nói, hạ tầng và điều kiện tự nhiên của khu vực này khá tốt, thuận lợi cho quá trình xây dựng. Bất lợi duy nhất có lẽ chỉ là vốn. Như vậy, thuận lợi nhiều hơn bất lợi. Vấn đề quan trọng là đưa ra cơ chế, chính sách để thu hút nhà đầu tư đến.
– Ông muốn nói đến sự an tâm của nhà đầu tư khi đặt chân đến đây?
KTS. Trần Ngọc Chính: Điều quan trọng là sự cởi mở, phong phú, hấp dẫn trong chính sách để thu hút đầu tư mà thôi. Chúng ta có nhiều nhà đầu tư từ các quốc gia phát triển, có nguồn vốn dồi dào và họ cũng có nhiều lựa chọn. Khi đầu tư vào khu thương mại tự do thế hệ mới Đà Nẵng, một khu mới hoàn toàn, có sức tiêu thụ cao, kết nối quốc tế thuận tiện, đất đai giá rẻ, điện nước đầy đủ điều mà miền Trung không thiếu, chi phí nhân nhân công rẻ, thì cơ hội cho Đà Nẵng rất rộng mở.
– Nhà đầu tư cần làm gì để nắm bắt thời cơ và cần lưu ý điều gì, thưa ông?
KTS. Trần Ngọc Chính: Như tôi đã khẳng định, đây là khu vực có nhiều tiềm năng để phát triển. Vấn đề là phải nắm bắt và quan tâm đến quy hoạch khu thương mại tự do. Phải hiểu quy hoạch như thế nào? Nhà đầu tư bất động sản cần nắm rõ đất đầu tư nhà ở nằm ở đâu, đất khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ được quy hoạch ra sao.
Bên cạnh đó, cần lưu ý, với tiềm năng rõ nét như hiện nay, dự kiến trong quy hoạch, khu vực Tây Bắc có thể tập trung dân cư từ 7-10 vạn dân, tạo nên động lực phát triển kinh tế – hạ tầng mạnh mẽ hơn, thu hút hơn.
– Trân trọng cảm ơn chuyên gia về cuộc trao đổi!