Bản sắc địa phương vùng đất Cố đô Hoa Lư trong quản lý và phát triển đô thị

Ngày 5/4, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Tạp chí Cộng sản và Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Bản sắc địa phương vùng đất Cố đô Hoa Lư trong quản lý và phát triển đô thị – Những vấn đề đặt ra cho tỉnh Ninh Bình hiện nay”. Hội thảo thu hút hơn 200 đại biểu là các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực đô thị, văn hóa, du lịch… tham dự.

Ông Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình và ông Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản dự, và ông Trần Ngọc Chính- chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA) chỉ đạo Hội thảo. Ảnh trong bài Mộc Cỏ.

Ninh Bình, địa danh nổi tiếng có nền văn hóa, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, trong đó, nổi bật là vùng đất Cố đô Hoa Lư – nơi sở hữu Quần thể danh thắng Tràng An, được UNESSCO công nhận là di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới. Trải qua hơn 1.000 năm, giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên của Cố đô Hoa Lư vẫn còn nguyên vẹn, làm nền tảng, động lực cho Ninh Bình phát triển theo hướng xanh, bền vững, để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đó cũng chính là mục tiên đã được đặt ra trong Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: từ mục tiêu đã xác định, Ninh Bình đang đứng trước những vấn đề đặt ra hiện nay là phát huy giá trị lịch sử, bản sắc, văn hóa, kiến trúc, cảnh quan tự nhiên của vùng đất Cố đô Hoa Lư trở thành nguồn lực để xây dựng đô thị di sản tương lai, vừa giữ được bản sắc, vừa không xung đột với những giá trị của di sản Cố đô trong quá trình hiện đại hóa; đồng thời, đáp ứng yêu cầu phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị vốn có.

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tại Hội thảo

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch VUPDA mong rằng, trong khuôn khổ của Hội thảo lần này, các nhà quản lý, các nhà khoa học và các tổ chức quốc tế sẽ tập trung thảo luận vào những vấn đề chung về xây dựng vùng đất Cố đô Hoa Lư theo đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, đô thị du lịch quốc tế. Hoa Lư sẽ là một trung tâm về công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, đổi mới sáng tạo của vùng, của quốc gia và hội nhập quốc tế. Công tác quản lý và phát triển vùng đất Cố đô Hoa Lư; xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn di sản và phát triển.

Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn phát biểu chỉ đạo hội thảo

 Với mục tiêu: Ninh Bình phấn đấu đến năm 2035 đạt các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, mang tính hiện đại, Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh về nội hàm đô thị di sản thiên niên kỷ mà Ninh Bình đang hướng đến. Theo Bí thư: Đô thị di sản không đơn thuần là một đô thị di sản Cố đô nghìn năm tuổi, đế đô đầu tiên của quốc gia, dân tộc, mà còn là đô thị hướng tới các giá trị thiên niên kỷ, ứng phó hiệu quả với các thách thức của đô thị “nén” đang đe dọa, thôn tính di sản, cản trở quá trình phát triển, các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu...

Từ đó, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tích hợp được bản sắc văn hóa, giá trị di sản vào xây dựng một đô thị mang tính hiện đại? Làm sao giải quyết được mâu thuẫn giữa đô thị hóa và bảo tồn di sản, bảo tồn môi trường thiên nhiên, khẳng định được bản sắc Cố đô Hoa Lư, kế thừa di sản nông thôn, di sản nông nghiệp vào quá trình xây dựng, phát triển một đô thị mang đậm bản sắc Việt?

Thông qua Hội thảo này, Bí thư Tỉnh ủy mong muốn các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học sẽ tham luận, cung cấp những luận cứ khoa học, hỗ trợ tích cực, cho định hướng quản lý và xây dựng tỉnh Ninh Bình là thành phố trực thuộc Trung ương, với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, mang tính hiện đại.

Diễn đàn tham luận của các chuyên gia

Sau phiên khai mạc, Hội thảo diễn ra 2 phiên tham luận chuyên đề và các phiên tọa đàm, trao đổi trực tiếp với các nhà khoa học, nhà quản lý. Các tham luận tập trung phân tích những giá trị bản sắc đặc trưng, tiêu biểu của vùng đất Cố đô Hoa Lư, từ đó đề xuất các giải pháp phát triển đô thị cho tỉnh Ninh Bình.

TS. KTS. Trương Văn Quảng: Nhận diện bản sắc địa phương đặc trưng cốt lõi, là cơ sở quan trọng và giá trị
hàng đầu để nghiên cứu định dạng thương hiệu Đô thị di sản Hoa Lư trong định hướng phát triển mới…

Mở đầu phiên tham luận, TS. KTS. Trương văn Quảng nêu bật: Những giá trị nổi bật của Kinh đô Hoa Lư – Kinh đô của Việt Nam thế kỷ X, đã tạo lập các giá trị bản sắc đặc trưng nhất của không gian lịch sử – văn hóa, làm nguồn lực chủ yếu, động lực mạnh và lợi thế căn bản cho Ninh Bình hướng tới Đô thị di sản văn minh, hiện đại, đại diện cho cực tăng trưởng phía Nam châu thổ sông Hồng…

GS Đặng Văn Bài trình bầy tham luận: Quần cư di sản Tràng An- Hoa Lư- Những vấn đề đặt ra trong bảo tồn và phát
huy giá trị.

Các chuyên gia đưa ra những nhận diện sâu sắc về giá trị bản sắc của vùng đất Cố đô Hoa Lư từ cội nguồn đến bản sắc đô thị mang tính hiện đại. Các diễn giả cũng mong muốn đặt ra được các tiêu chí để bảo tồn, tạo dựng đô thị di sản cho các thế hệ tương lai, các tiêu chí ấy phải đảm bảo mối tương tác giữa cảnh quan, con người, văn hóa một cách hòa quyện chứ không phải các yếu tố trên rời rạc, chắp vá, từ đó tạo ra một cảm xúc thân thiện với con người. Đồng thời, các nhà khoa học cũng đưa ra định hướng, chiến lược và các giải pháp để nối tiếp các giá trị của Di sản Thiên nhiên – Văn hóa – Định cư liên tục, nhiều thế kỷ vào phát triển đô thị đương đại, điều này cũng như một giải pháp để bảo tồn di sản thiên niên kỷ độc đáo có một không hai, nơi hội tụ tinh hoa thế giới, là niềm tự hào của Việt Nam.

TS. Ngô Trung Hải – Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam: Đi tìm đô thị thuần Việt; Gìn giữ bản sắc đô thị Hoa Lư có lẽ bắt đầu từ chữ: Thuần…

Tọa đàm đối thoại cùng các nhà khoa học

Tại 2 phiên tọa đàm, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý đã tham luận, phân tích làm rõ những vấn đề chung về nguồn lực, về lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, con người vùng đất Cố đô Hoa Lư để xây dựng Ninh Bình trở thành đô thị trực thuộc Trung ương theo đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, trung tâm du lịch quốc tế; một trung tâm chuyên ngành về công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, đổi mới sáng tạo của vùng, quốc gia và hội nhập quốc tế.

Tọa  đàm 1 gồm các chuyên gia: TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện nghiên cứu PT Du lịch; TS. Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế; TS. Nguyễn Thu Hạnh, Liên hiệp KHPT Du lịch bền vững; TS. KTS. Hoàng Hữu Phê, và TS. Vũ Việt Anh, ĐH Kiến trúc TP. HCM

Các nhà chuyên môn đã trình bày những quan điểm, minh chứng tài nguyên thiên nhiên, di sản thiên nhiên chính là nền tảng, bệ đỡ của thành phố di sản mà Ninh Bình đang hướng đến. Chúng ta phải có cách ứng xử nào đó phù hợp để giải quyết một bài toán đầy mâu thuẫn giữa phát triển và bênh vực, bảo vệ thiên nhiên, từ đó tạo ra một đô thị đặc sắc riêng có. Trên cơ sở đó, cần phải có những công cụ và cách tiếp cận khác nhau để khai thác tối đa giá trị của di sản nhưng vẫn đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững của chính di sản.

Quá trình khai thác di sản phải đặt trong bối cảnh tổng thể (xu hướng, tiềm năng, bối cảnh, mục tiêu…) để có các giải pháp phù hợp. Trong đó, thể chế là vấn đề quan trọng nhất, phải thống nhất được về chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách từ Trung ương đến cấp cơ sở; phải có chiến lược quy hoạch đồng bộ, kế hoạch cụ thể; phải thống kê, đăng ký và số hóa toàn bộ những tài sản mà chúng ta có; có phương pháp, cách thức tính toán, lượng hóa từng yếu tố giá trị bao nhiêu; xác định được chủ thể thực hiện và những ai được giao sứ mệnh ấy…

Tọa  đàm 2 gồm các nhà khoa học: GS.TS. Võ Chí Mỹ; TS. kinh tế đô thị Phạm Huệ Linh; PGS. TS. Trần Kim Chung; ThS.KTS. Vũ Lan Anh; TS. KTS. Phạm Anh Tuấn.

Dưới góc độ kinh tế di sản, các diễn giả đều nhận định rõ nền tảng để Ninh Bình phát triển kinh tế là nguồn lực di sản. Tuy nhiên, không nên nhìn nhận di sản như một tượng đài mà phải có giải pháp để biến tài nguyên thành nguồn lực, thành tài sản và có cách tiếp cận khác nhau để tối đa hóa giá trị gia tăng nhưng vẫn đảm bảo được sự tồn tại và phát triển của chính di sản. Cùng với đó, chúng ta cũng không nhìn nhận kinh tế di sản chỉ đơn thuần là kinh tế du lịch mà phải nhìn nhận thấy rõ từ nguồn lực này có thể phát triển đa dạng các loại hình kinh tế mang tính sáng tạo và phụng dưỡng thiên nhiên.

Tổng kết tham luận trao đổi tại Hội thảo, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nêu rõ: Nội dung tham luận của các chuyên gia rất phong phú, đa dạng, nêu lên các quan điểm phát triển khác nhau nhưng đều hướng vào mục tiêu xây dựng đô thị Ninh Bình là đô thị di sản thiên niên kỷ; Các nhà chuyên môn cũng đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc Cố đô Hoa Lư; khẳng định vị trí chiến lược rất quan trọng của đô thị Hoa Lư – Ninh Bình với giá trị nổi bật toàn cầu là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An.

Bên cạnh đó, các chuyên gia, các nhà khoa học cũng đã đề xuất về cơ chế, chính sách cho sự phát triển đô thị Di sản dựa trên cơ chế, chính sách từ Trung ương đến cấp cơ sở; phải có chiến lược quy hoạch đồng bộ, kế hoạch hành động cụ thể, hướng đến xây dựng đô thị du lịch mang tầm quốc tế, đô thị sáng tạo. Trên cơ sở những bài tham luận, các ý kiến trình bày tại hội thảo, Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam sẽ phối hợp với UBND tỉnh, Tạp chí Cộng sản đánh giá làm rõ nội dung tham luận, trao đổi để ban hành kết luận Hội thảo.

 

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu bế mạc Hội thảo.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, Hội thảo thực sự là một chủ đề chuyên sâu, các chuyên gia đã dành nhiều tình cảm, trách nhiệm cao để phân tích làm rõ những vấn đề chung về xây dựng vùng đất Cố đô Hoa Lư theo đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố du lịch quốc tế; một trung tâm chuyên ngành về công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, đổi mới sáng tạo của vùng, quốc gia và hội nhập quốc tế.

Các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học đã nhận diện sâu sắc hơn giá trị bản sắc của vùng đất Cố đô Hoa Lư: Từ cội nguồn đến bản sắc đô thị mang tính hiện đại. Đưa ra định hướng trong quản lý và phát triển vùng đất Cố đô Hoa Lư – đô thị di sản thiên niên kỷ, đô thị du lịch quốc tế, đô thị công nghiệp văn hóa và xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn di sản, văn hóa tự nhiên và phát triển đô thị. Đề ra các chiến lược, các giải pháp xây dựng vùng đất Cố đô Hoa Lư trở thành một trung tâm chuyên ngành về du lịch, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, đổi mới sáng tạo của vùng, quốc gia và hội nhập quốc tế./.

Tổng hợp: Mộc Cỏ Trần từ nguồn: baoninhbinh.  

 

Bài viết cũ hơn