Hội thảo “Đổi mới sáng tạo trong quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo & phát huy giá trị cầu Long Biên” một lần nữa lại được tổ chức vào ngày 25/10/2023 tại Hà Nội. Phát biểu tại hội thảo, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh: muốn giữ được cầu Long Biên, Hà Nội cần lên tiếng để cầu Long Biên được coi là một di sản. Đồng thời, Hà Nội cần “đôn đốc” để sớm có tuyến đường sắt mới thay thế đường sắt đang chạy trên cầu thì mới có cơ sở tiến hành các phương án bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên.
Theo người từng đứng đầu Bộ Xây dựng 2 nhiệm kỳ: Câu chuyện chúng ta đề cập hôm nay và đang muốn làm là bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử của Cầu Long Biên. Đây là việc rất hay, quá có ý nghĩa, đã được nói đến nhiều và ai cũng đồng tình… Nhưng để bảo tồn được Cầu Long biên phải triển khai rất nhiều việc, liên quan đến các cơ quan quản lý nhà nước. Hiện nay, chức năng quản lý cây cầu này trực tiếp thuộc 2 cơ quan là Bộ GTVT, quản lý về đường sắt quốc gia và UBND thành phố Hà Nội, quản lý về đô thị. Chủ trương tách đường săt quốc gia khỏi Cầu Long Biên được Chính phủ thông qua từ năm 2008; Năm 2022, Phó thủ tương Lê Văn Thành cũng đã chỉ đạo giao cho TP. Hà Nội tiếp thu hồ sơ quản lý bảo tồn Cầu Long Biên… nhưng tại sao đến nay vẫn “không có động tĩnh gì”?
Đại diện 4 đơn vị tổ chức Hội thảo: 1. KTS. Nguyễn Nga – Tác giả Dự án bảo tồn, cải tạo Cầu Long Biên; 2.Đại diện Hội Liên lạc với người VN ở nước ngoài; 3. KTS. Trần Ngọc Chính – Chủ tịch VUPDA; 4. Đại diện Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 (ảnh từ phải qua trái)
Nguyên do sự chậm trễ được nguyên Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân chỉ ra là: Câu chuyện bảo tồn Cầu Long Biên mới chỉ thấy “nói” nhiều, mà chưa thấy có người ‘làm”. Trong khi các cơ quan quản lý nhà nước làm việc là phải trên cơ sở văn bản, phải có đối tác, đề xuất dự án bằng văn bản trình lên để cơ quan quản lý xem xét…
Nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân phát biểu tại hội thảo
Góp ý cho việc bảo tồn Cầu Long Biên nhanh được triển khai, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh: Trước nhất, Hà Nội phải lên tiếng về việc coi Cầu Long Biên là một di sản. Nếu đã được phân cấp quản lý cầu, thì chính quyền Hà Nội cần ra quyết định này. Nếu chưa được phân cấp thì Thành phố phải có văn bản trình lên Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch về việc công nhận Cầu Long Biên là di sản theo Luật Di sản. Tiếp theo, Hà Nội phải đôn đốc Bộ GTVT, yêu cầu Chính phủ, sớm làm đường sắt mới để có thể gỡ bỏ chức năng giao thông đường sắt khỏi Cầu Long Biên… có như vậy mời tiến hành các phương án bảo tồn, tôn tạo Cầu Long Biên…
Chủ tịch Hôi Quy hoạch phát triển đô thị VN Trần Ngọc Chính: đã đến lúc cần một phương án tổng thể để bảo tồn và tôn tạo cầu Long Biên trên cơ sở khoa học, chọn lọc những giá trị tiêu biểu của cây cầu…
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên. Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: sau hơn 120 năm đưa vào khai thác sử dụng, cầu Long Biên đã trải qua 3 lần cải tạo lớn và nhiều lần trùng tu. Tuy nhiên, do bị tàn phá bởi chiến tranh và có tuổi thọ quá lớn nên cây cầu giờ đây đã xuống cấp trầm trọng, gây mất an toàn giao thông.
Hơn nữa hiện chiều cao tĩnh không của cây cầu đã lạc hậu, khó đáp ứng yêu cầu giao thông đường thủy. Cảnh quan hai bên bờ sông nơi có cây cầu bắc qua dù đã có quy hoạch nhưng hiện vẫn chưa được tôn tạo, làm đẹp, xứng đáng là cửa ngõ vào phố cổ Hà Nội.
Do vậy, đã đến lúc cần một phương án tổng thể để bảo tồn và tôn tạo cầu Long Biên trên cơ sở khoa học, chọn lọc những giá trị tiêu biểu của cây cầu để bảo tồn, phục dựng cho hậu thế mai sau. “Quá trình nghiên cứu, bảo tồn và tôn tạo nên gắn kết cùng quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vừa được phê duyệt, qua đó tạo không gian văn hóa, du lịch, cảnh quan, thúc đẩy việc quy hoạch và chuyển đổi bãi giữa sông Hồng thành công viên trung tâm của thành phố. Đề xuất những giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, di sản văn hoá vật thể, phi vật thể trong đó có cây cầu Long Biên” – KTS. Trần Ngọc Chính nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, TS. KTS. Phan Đăng Sơn: Không xây dựng tuyến giao thông thay thế mới bằng cầu mới quá gần cầu hiện tại (< 300m). Tuyến giao thông thay thế mới này cần tổ chức dạng kiến trúc thật đơn giản…
Nói về gíá trị di sản của cầu Long Biên, nhiều hội thảo khoa học đã được tổ chức, nhiều dự án cải tạo, chỉnh trang, phát huy giá trị đã được công bố. Trong đó, về kiến trúc, mặc dù cầu Long Biên chưa được xếp hạng di tích, nhưng theo Luật Kiến trúc, có thể coi đây là công trình kiến trúc công nghiệp đô thị có giá trị. Cầu Long Biên được ví như một “Tháp Eiffel nằm ngang” biểu tượng của Hà Nội – Cây cầu bắc qua 3 thế kỷ, trải qua những năm tháng lịch sử cùng Thủ đô và lưu đậm dấu ấn trong ký ức của người dân Hà Nội.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nhận định: cầu Long Biên không chỉ đơn giản nối liền hai bờ sông Hồng mà còn là “cầu nối nước Pháp với Việt Nam, nối quá khứ với hiện tại và tương lai”. Mặc dù là một chứng nhân lịch sử trong suốt hơn 120 năm qua, nhưng thực trạng hiện nay vô cùng ảm đạm, sửa chữa chắp vá.
Ông đề xuất phục hồi nguyên bản thiết kế của cầu Long Biên với 20 trụ cầu lớn và 19 nhịp cầu hình dáng rồng lượn tương thích với danh xưng Thăng Long. Từ đó, đề ra phương án để cầu Long Biên thành cầu đi bộ và là trung tâm văn hóa đêm của Hà Nội, kết hợp khai thác bãi giữa sông Hồng.
Tại hội thảo, Dự án bảo tồn, cải tạo Cầu Long Biên và khu vực xung quanh cầu – một Dự án tâm huyết mà tác giả là KTS. Nguyễn Nga đã “trăn trở” từ nhiều năm nay được giới thiệu. Trên cơ sở những ý tưởng Dự án đưa ra, các đại biểu thống nhất quan điểm cho rằng cần đưa cầu Long Biên trở thành di sản, chuyện tu bổ cầu Long Biên không nằm ngoài quy hoạch sông Hồng và Thủ đô, sự cần thiết của việc bảo tồn, phát huy và cần có cơ chế chính sách cho việc này.
Ý tưởng dự án “Cải tạo cầu Long Biên thành bảo tàng lịch sử đương đại” của KTS. Nguyễn Nga
Các chuyên gia tại hội thảo đều cho rằng: Mục đích bảo tồn là để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử cây cầu, là một điểm nhấn trong cấu trúc không gian đô thị và là một công trình mang tính biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, cần triển khai các giải pháp quy hoạch, tôn tạo, để tìm cho cầu Long Biên những giá trị mới, lớn hơn nhiều giá trị hiện tại: không chỉ dừng lại ở giá trị văn hóa, lịch sử mà còn có cả giá trị kinh tế, nghệ thuật và du lịch…
Hội thảo “Đổi mới sáng tạo trong quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo & phát huy giá trị cầu Long Biên” do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam – VUPDA, Công ty CP Bảo tàng Cầu Long Biên phối hợp với Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 đồng tổ chức. Các ý kiến chuyên gia tại hội thảo sẽ được VUPDA tập hợp thành văn bản, gửi đến các cơ quan quản lý liên quan, để tham góp một tiếng nói khoa học cho việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Cầu Long Biên sớm được triển khai./.
Bài và ảnh: Phương Thảo