Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, hiện nay, có 10.035 đơn vị hành chính cấp xã, tới đây sẽ tổ chức lại quy mô xã, mỗi xã “gần như là một huyện nhỏ”. Số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh phải sắp xếp, sáp nhập đã được xác định, cũng đã rõ mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, sau cuộc họp của Bộ Chính trị…
Huyện Quốc Oai Hà Nội. Nguồn internet
Sau cuộc họp của Bộ Chính trị, toàn bộ những nội dung liên quan, số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh phải sắp xếp, sáp nhập, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đã rõ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Đảng ủy Chính phủ sẽ gửi đề án lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương.
Sau đó, đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp sẽ được tổng hợp và báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, dự kiến trong tháng 4. Theo Bộ trưởng, sau Hội nghị Trung ương sẽ có một hội nghị toàn quốc để triển khai sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã.
Như vậy, các bộ, ngành có nhiệm vụ tập trung ban hành các văn bản hướng dẫn có liên quan theo thẩm quyền và trách nhiệm làm căn cứ để sau Hội nghị Trung ương có thể triển khai việc sáp nhập, sắp xếp. Việc này có thể làm được ngay sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương. Bộ trưởng nhấn mạnh, việc này phải thực hiện rất gấp, các bộ phải gửi nội dung về Bộ Nội vụ sớm để chuẩn bị cho hội nghị toàn quốc sau hội nghị Ban Chấp hành Trung ương,
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, hiện nay, có 10.035 đơn vị hành chính cấp xã, tới đây sẽ tổ chức lại quy mô chỉ còn khoảng 2.000 xã, mỗi xã “gần như là một huyện nhỏ”. Các việc liên quan đến tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Đề án của Chính phủ, có khoảng 1/3 nhiệm vụ của cấp huyện đang đảm nhiệm sẽ chuyển lên tỉnh, 2/3 chuyển xuống cấp xã- cấp cơ sở. Hiện nay, Việt Nam có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh; 696 quận, huyện và 10.035 xã, phường.
Phát biểu tại bế mạc phiên họp thứ 43 chiều 14-3, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho hay sau khi cấp có thẩm quyền họp, từ giữa tháng 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp liên tục để điều chỉnh địa giới hành chính cấp xã, dự kiến sắp xếp khoảng 60-70% cấp xã.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến họp trong 10 ngày, tổ chức thành 2 đợt, để xem xét hơn 45 nội dung (chưa bao gồm các luật cần sửa theo kết luận 127 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các luật Chính phủ dự kiến bổ sung thêm).
Thời gian giữa 2 đợt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lấy ý kiến một số dự án luật trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp 9…
Nguồn Dantri.com.vn