Bộ Xây dựng: Lấy ý kiến tham vấn về dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị

Ngày 3/12, Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo tham vấn lấy ý kiến về dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị, do Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì. Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo cơ quan Quốc hội, các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo địa phương và các nhà khoa học tham gia Hội thảo này.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, việc hoàn thiện hệ thống thể chế, quy định pháp luật để điều chỉnh về phát triển đô thị là một trong nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa và là động lực phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

Cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về phát triển đô thị, triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ ngành, địa phương nghiên cứu tham mưu Chính phủ trình Quốc hội đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị và đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị được xây dựng trên cơ sở 5 chính sách cơ bản đã được Quốc hội thông qua, gồm 7 Chương. Đến nay, Bộ Xây dựng đã đăng tải dự thảo xin ý kiến rộng rãi và gửi xin ý kiến trực tiếp các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp, các Hội, Hiệp hội, Tổng hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ Xây dựng mong muốn nhận được các ý kiến trực tiếp của các đại biểu tại Hội thảo và tập trung vào 3 nội dung lớn. Thứ nhất, là đánh giá về lý do, sự cần thiết và cho ý kiến về cấu trúc dự thảo Luật, so với 5 chính sách đã được Quốc hội thông qua.

Thứ hai, đóng góp ý kiến góp ý cụ thể về từng chương, mục và nội dung các Điều, khoản đang được dự thảo, đảm bảo sự thống nhất và liên kết giữa các khoản, điều mục và các chương. Thứ ba là đóng góp ý kiến cho phát triển đô thị gắn với đặc thù Vùng miền tại khu vực Đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc.

Tại Hội thảo, ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị đã trình bày tóm tắt dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị tập trung vào 5 chính sách lớn. Một là quản lý phát triển đô thị theo mô hình phát triển bền vững đô thị và có hệ thống. Hai là đánh giá và phân loại đô thị. Ba là quản lý phát triển mới, cải tạo chỉnh trang và tái phát triển đô thị. Bốn là quản lý phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, quản lý phát triển không gian ngầm đô thị. Năm là nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý phát triển đô thị.

Cũng theo ông Trần Quốc Thái, Luật Quản lý phát triển đô thị là một luật phức tạp với phạm vi rộng, liên quan tới hơn 900 đô thị, thuộc 6 loại đô thị với nhiều tính chất đặc thù từ quy mô, địa điểm, lịch sử phát triển, vùng, miền…

Bên cạnh đó, dự thảo Luật được xây dựng trong bối cảnh có nhiều Luật liên quan đã và đang được nghiên cứu, xây dựng và ban hành. Đây vừa là thuận lợi, nhưng cũng là khó khăn khi phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ chung của hệ thống pháp luật.

Cần sớm ban hành một luật về quản lý phát triển đô thị

Hội thảo đã ghi nhận các ý kiến đóng góp cho nội dung dự thảo Luật của đại diện Viện Chiến lược và khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp); chuyên gia độc lập; đại diện Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hội Chiếu sáng Việt Nam, Hội Cấp, thoát nước và đại diện Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố…

Những góp ý sâu sắc và đề xuất các giải pháp tại Hội thảo giúp Ban soạn thảo, Tổ biên tập chỉnh lý, giải trình và hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật Quản lý phát triển đô thị.

Hoàn thiện thể chế về quản lý phát triển đô thị
Các đại biểu góp ý cho dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá cao các ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu tham dự. Bộ trưởng nhấn mạnh, việc nghiên cứu, xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Nghị quyết số 06-NQ/TW. Đây là nhiệm vụ đã được Quốc hội, Chính phủ khẳng định tại các Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Theo đó, Quốc hội yêu cầu nghiên cứu, báo cáo trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).

Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị liên quan đến nhiều văn bản pháp luật hiện có và đang xây dựng như Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Đất đai, Luật Xây dựng…Do vậy, Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu ý kiến tại Hội thảo để rà soát, tránh chồng chéo.

Bộ sẽ tiếp tục rà soát quy định, từ ngữ, các điều khoản để nội dung dự thảo luật sát với vấn đề cần điều chỉnh như nguyên tắc phát triển đô thị; phân cấp phân loại đô thị; tiêu chí loại hình đô thị đặc thù như đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh…

Một số nội dung quy định cần tiếp tục được rà soát; nêu rõ quy định của luật; bổ sung chế tài để thực hiện quy định. Trường hợp không đáp ứng yêu cầu của Luật thì có giải pháp như nào?.Quy định rõ hơn nội dung quản lý kiểm soát quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị phải theo quy hoạch, kế hoạch… Nghiên cứu cụ thể hoá các quy định về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, quản lý sử dụng không gian ngầm…

Liên quan đến kiến trúc đô thị, Bộ trưởng nhấn mạnh, cây xanh đô thị góp phần hình thành bản sắc đô thị cũng cần thể hiện rõ trong dự thảo Luật. Chính quyền đô thị cần có vai trò trong thực hiện quy hoạch, thực hiện đầu tư ra sao?

Bộ trưởng yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy định phòng chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật; Các chính sách trong dự thảo luật phân cấp triệt để cho chính quyền địa phương; Cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; Rà soát quy định đảm bảo đồng bộ, khả thi, không gây vướng mắc khi triển khai thực hiện trong thực tế…

Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tổ chức 2 Hội thảo lấy ý kiến đóng góp dự thảo luật quản lý phát triển đô thị tại Đà Nẵng và Cần Thơ. Tại 2 Hội thảo này, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến thuộc 3 nhóm vấn đề. Thứ nhất, liên quan đến hệ thống quản lý phát triển đô thị, phát triển đô thị bền vững và phân loại đô thị. Thứ hai là phát triển đô thị theo chương trình và khu vực, cải tạo đô thị, phát triển mới đô thị. Thứ ba là nhóm vấn đề liên quan đến phát triển hạ tầng đô thị, không gian công cộng đô thị và quản lý phát triển không gian mạng đô thị./.

Nguồn: baoxaydung

 

Bài viết cũ hơn