Mới đây, lãnh đạo TP Cần Thơ đề xuất Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét chấp thuận mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ đạt chuẩn cấp vùng/cấp khu vực… Ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nêu đề xuất quy hoạch thành phố sân bay khoảng 10.000ha tại diễn đàn “Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng – phát triển kinh tế Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.
Theo Cổng thông tin điện tử TP Cần Thơ, Thành phố. đề xuất Bộ Xây dựng ưu tiên phối hợp tham mưu trình Chính phủ xem xét chấp thuận sớm dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ đạt chuẩn cấp vùng/cấp khu vực kết hợp xây dựng thêm cảng phục vụ hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không, phù hợp quy hoạch hệ thống cảng hàng không quốc gia. Đây là điều kiện tiên quyết để TP Cần Thơ làm cơ sở quy hoạch thành phố sân bay với quy mô diện tích khoảng 10.000ha.
Cần Thơ hiện có Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, được xây dựng từ những năm 1960 có đường hạ cất cánh 1800m x 30m. Sau đó dự án được cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh dài 3.000m, rộng 45m bảo đảm tiếp nhận được các loại máy bay như A320, A321 và tương đương, nối Cần Thơ với Hà Nội cùng các địa phương khác. Nhà ga hành khách có diện tích gần 21.000 m2, phục vụ 3-5 triệu khách/năm.
Theo kế hoạch trước đây đã được UBND TP Cần Thơ đề cập, quy hoạch thành phố sân bay sẽ có một khu đất khoảng 2.000 ha để xây dựng trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm nông nghiệp của vùng ĐBSCL. Trong đó, ưu tiên xây dựng hệ thống logistics hàng không, cảng sông và hệ thống kho trung tâm để bảo quản các sản phẩm nông nghiệp.
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch TP Cần Thơ đề xuất Bộ chú trọng đầu tư xây dựng phát triển Cảng biển quốc tế tại TP Cần Thơ phù hợp theo quy hoạch hệ thống cảng biển quốc gia và hỗ trợ hướng dẫn quy trình, tiêu chí xây dựng Trung tâm Logistics vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ.
Ngoài ra, người đứng đầu TP Cần Thơ cũng đề nghị Bộ Xây dựng ghi nhận đề xuất cho phép xây dựng Dự án Kết nối đường sắt TPHCM – Cần Thơ và đầu tư xây dựng Đường cao tốc trên cao. Theo ông Trần Việt Trường, hiện tại ĐBSCL chỉ có trục chính Quốc lộ đường bộ, các địa phương trong vùng đang trên đà phát triển, lượng xe lưu thông trên đường ngày càng nhiều. ĐBSCL là vùng sông nước với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt nên việc xây dựng đường cao tốc trên cao là rất phù hợp và mang tính cấp thiết./.
Nguồn dantri.com.vn