Chủ tịch VUPDA: Phát triển Sapa cần giữ được không gian truyền thống

Theo kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam – VUPDA: du khách đến Sa Pa là để thưởng ngoạn không gian đô thị cũ của Sa Pa, hưởng thụ khí hậu, cảnh sắc mây trời và những nét văn hóa dân tộc đậm chất Sa Pa,… Do đó, khi phát triển Sa Pa, điều quan trọng là phải chỉnh trang giữ cho được những không gian truyền thống trong trung tâm cũ của đô thị này, như khu vực sân quần, nhà thờ,… và đặc biệt là việc khôi phục lại Chợ tình…

Đó cũng là ý kiến chung mà các chuyên gia của Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam (Hội) tham vấn cho các lãnh đạo đô thị Sa Pa, trong buổi làm việc chiều ngày17/4 vừa qua.

Sa Pa được đánh giá là điểm đến du lịch nổi tiếng, có thương hiệu đối với du khách trong và ngoài nước, là một trong những đô thị có sức hút du lịch vào bậc nhất của Việt Nam, được bình chọn là một trong 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất Đông Nam Á. Hiện nay Sa Pa đang tiến hành Quy hoạch chung khu du lịch quốc gia Sa Pa – Thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2030 (QHC), trong đó, phạm vi lập QHC vùng lõi Khu du lịch quốc gia Sa Pa có tổng diện tích hơn 6 nghìn ha, gồm toàn bộ đô thị du lịch Sa Pa hiện hữu và phần dự kiến phát triển mở rộng.

Theo Phó chủ tịch thị xã Sa Pa Trần Trọng Thông: định hướng phát triển theo QHC cũng như để đáp ứng nhu cầu du lịch Sa Pa ngày càng cao, thị xã mong muốn chỉnh trang khu trung tâm đô thị cũ của Sa Pa trở thành một không gian hấp dẫn hơn, phù hợp cảnh quan và bản sắc Sa Pa. Đây sẽ là điểm hấp dẫn du khách cả ngày lẫn đêm. Việc thứ hai là cải tạo khu Lâm Viên (khu vực xung quanh hồ Ngọc) thành tuyến phố đi bộ ban đêm, nhằm phát triển kinh tế đêm của Sa Pa. Nơi đây sẽ tập trung các hoạt động đa dạng như ẩm thực, văn hóa, văn nghệ đường phố, chợ đêm, lưu niệm….

Chủ tịch thị xã Sa Pa Vương Trinh Quốc (đứng) trao đổi và xin ý kiến tham vấn của các chuyên gia Hội (dãy bên phải) về những vấn đề trong Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia Sa Pa – Thị xã Sa Pa và việc cải tạo không gian xung quanh Hồ Sa Pa thành tuyến phố đi bộ.

Phó chủ tịch Trần Trọng Thông (áo nâu) dẫn đoàn đi khảo sát khu vực trung tâm hiện hữu, gồm công viên, đài phun nước, đảo giao thông… những nơi sẽ được chỉnh trang.

Khu vực vườn hoa trung tâm hiện hữu sẽ được chỉnh trang

Khu Lâm Viên quanh hồ sẽ được cải tạo trở thành một khu vực sống động về đêm, với hai tuyến đi bộ, một tuyền đi vào, một tuyến đi ra, kết hợp với quảng trường, tượng đài biểu tượng cho Sa Pa, cây xanh, thảm hoa, thảm cỏ…

Theo ý kiến các chuyên gia, Sa Pa có đủ điều kiện để phát triển thành một ĐÔ THỊ du lịch quốc gia, với những đặc trưng về không gian, cảnh sắc và văn hóa rất riêng chỉ có ở Sa Pa. Vì vậy, việc Sa Pa là đô thị loại 3 chỉ để thuận về mặt quản lý, đích phát triển Sa Pa không phải là nâng cấp lên về quy mô dân số, mà phải là cách gìn giữ được không gian đô thị truyền thống, cảnh quan thiên nhiên và văn hóa bản địa.

Góp ý cho các dự định cải tạo, chỉnh trang đô thị Sa Pa, các chuyên gia đồng tình với ý tưởng và vị trí xây dựng tuyến phố đi bộ đêm. Tuy nhiên, về quy mô thì cần xem xét thêm nhu cầu du lịch và độ hút khách của Sa Pa, Có thể không chỉ là tuyến đi bộ mà phải là không gian đi bộ”. Không gian đi bộ cần được lan sâu vào các tuyến phố trong đô thị. Tăng mảng xanh, cây xanh cho khu vực quảng trường và lối đi bộ phía bên kia hồ. Nên có sự kết nối khu đi bộ với chợ Sa Pa. Các công trình không nên bố trí liền mạch, mà nên xen giữa là các khoảng trống với cây xanh…

Hồ nước, là “tài sản” quý giá của Sa Pa, do đó cần gìn giữ hồ cho đúng là hồ của Sa Pa, chứ không nên cải tạo giống như hồ của các đô thị khác. Khối các công trình cao tầng, theo như trong dự án, đang bị quá sát hồ, khối tích công trình và chiều cao đang bất hợp lý, phá hỏng không gian hồ và bản sắc Sa Pa. Rất cần xem xét lại khu vực này.

Đảo giao thông hoa này cần được chỉnh trang thay đổi…

Giao thông của Sa Pa cần được tổ chức cho hợp lý. Cần phải có các bãi đậu xe, bãi đỗ xe thông minh cho khu vực trung tâm, chợ… Cần lưu tâm chọn loại hình giao thông công cộng phù hợp với đô thị Sa Pa ở khu vực trung tâm.

Chủ tịch Hội Trần Ngọc Chính cho rằng, việc cần chỉnh trang đầu tiên là khu vực vườn hoa, đài phun nước, cột mốc đá lịch sử và bùng binh hoa…, Bởi những nơi này chưa xứng với đô thị hấp dẫn du lịch như Sa Pa. Theo ông, Sa Pa cần phân định rõ hai khu vực, đó là khu đô thị truyền thống Sa Pa và khu phát triển mới. “Việc chỉnh trang phát triển Sa Pa cho phù hợp với nhu cầu du lịch là tất yếu, nhưng phải giữ lại cho Sa Pa không gian truyền thống” Chủ tịch Hội nhấn mạnh. Với quan điểm này, ông rất ủng hộ ý tưởng khôi phục lại chợ tình và những Phố người H’Mông, Phố người Giao… của một người Nhật – người rất yêu Sa Pa và là con rể của nơi đây.

Kết thúc buổi làm việc, người đứng đầu Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam đề nghị với các nhà lãnh đạo Sa Pa rằng: Cần có một cuộc thi thiết kế cho khu vực trung tâm Sa Pa, để tìm ra được phương án phù hợp, xứng tầm nhất với đô thị du lịch đặc sắc này. Cuộc thi sẽ do đô thị Sa Pa và Hội đứng ra tổ chức ngay trong thời gian tới./.

Chân Phương

 

 

Bài viết cũ hơn