Sáng ngày 24/3, Kiến trúc sư (KTS) Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA), nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, đã có cuộc trao đổi với báo chí, về Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử vừa được Hà Nội công bố. Theo Chủ tich VUPDA, Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử không chỉ nhằm tạo bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại, mà còn phải giữ được bản sắc, hồn cốt, tinh hoa của Hà Nội, đồng thời bảo đảm cuộc sống tốt hơn cho mọi người dân.
KTS Trần Ngọc Chính. Ảnh: VGP/Gia Huy
Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử thuộc địa bàn 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa vừa được Hà Nội công bố, là cơ sở để giải quyết nhiều vấn đề tồn tại mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai, nhưng nhiều năm chưa thực hiện được. Theo KTS. Trần Ngọc Chính, sau 12 năm kể từ khi Quốc hội thông qua Nghị quyết năm 2008 về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, diện mạo Hà Nội ngày càng thay đổi theo hướng khang trang, hiện đại. Tuy nhiên, Thủ đô mở rộng càng phát triển, thì càng đặt ra vấn đề cấp thiết là làm sao gìn giữ và phát huy giá trị to lớn, có một không hai của khu vực nội đô lịch sử với những thiết chế văn hóa, các di sản vật thể và phi vật thể.
“Hà Nội có mở rộng đến đâu thì 4 quận trung tâm nội đô vẫn là cốt lõi. Người làm quy hoạch phải coi các quận trung tâm này là đặc biệt quan trọng, vì 4 quận nội đô lịch sử là chứng tích, là di sản, là nơi lưu giữ những giá trị cốt lõi của Hà Nội nghìn năm văn vật“, ông Trần Ngọc Chính nhấn mạnh.
Sau khi quy hoạch được công bố, UBND Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành và các quận liên quan phối hợp cùng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tiếp tục triển khai các quy hoạch chi tiết. Mỗi quy hoạch chi tiết cần có đồ án và kèm theo các quy chế quản lý đường phố, quản lý mật độ dân cư, quản lý giãn dân, xác định nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách, từ xã hội hóa và cách thức triển khai.
Theo ông Trần Ngọc Chính, với các quy hoạch chi tiết kèm theo quy chế quản lý, doanh nghiệp sẽ biết được có thể đầu tư vào đâu, vào lĩnh vực nào, từng phố sẽ được điều chỉnh ra sao, nơi nào được xây dựng nhà cửa, nơi nào có nhà trẻ hay bệnh viện, nơi nào là thảm cỏ, cây xanh, các công trình tiện ích… Quy hoạch chi tiết cũng là cơ sở để cải tạo toàn bộ hệ thống hạ tầng đô thị như xây dựng, cải tạo, mở rộng các tuyến đường.
Đáng lưu ý, các quy hoạch này sẽ là cơ sở để giải quyết vấn đề tồn tại nhiều năm qua chưa thực hiện được, đó là việc di dời các cơ quan, bệnh viện, các trường đại học lớn ra khỏi nội thành, đồng thời giãn dân, giảm mật độ dân số đang gây quá tải hạ tầng đô thị nhiều khu vực.
Quy hoạch cũng không cho phép xây dựng những ngôi nhà cao tầng, để tránh làm trầm trọng hơn tình trạng quá tải dân số và phá vỡ kiến trúc đô thị. Cùng với đó, quy hoạch mới sẽ tạo tiền đề giải quyết vấn đề chung cư cũ của Hà Nội hiện nay, vốn đã được bàn bạc rất nhiều nhưng chưa thể triển khai.
“Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng là cùng với việc giải quyết vấn đề chung cư cũ, Hà Nội sẽ có thêm không gian mặt nước, cây xanh, công viên, bãi đỗ xe cho nhiều khu vực, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân tại các khu vực này”, ông Trần Ngọc Chính chia sẻ.
Cần quyết tâm của cả thành phố và người dân
Quy hoạch phân khu nội đô Hà Nội được người dân đặc biệt quan tâm. Ảnh: VGP/Gia Huy
Một mục tiêu quan trọng của quy hoạch là giãn dân, di dời nhiều cơ quan, công sở ra khỏi nội đô, nhưng phải đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho người dân, cả người ở lại và người cần di dời. Điều này cần sự thống nhất với người dân để có phương án cụ thể, ông Trần Ngọc Chính nêu quan điểm và cho rằng, có thể coi quá trình giãn dân chính là quá trình hiện đại hóa, văn minh hóa Thủ đô. “Hà Nội văn minh, hiện đại không phải chỉ là vẻ đẹp bên ngoài, mà cốt lõi là nâng cao đời sống của người dân khu phố cổ. Làm sao để người dân nơi đây được sống trong điều kiện sinh hoạt tốt nhất, không còn người nào phải sống trong điều kiện chật chội, thiếu thốn tiện nghi sinh hoạt tối thiểu như hiện nay. Dứt khoát việc thực hiện quy hoạch phải tốt hơn cái cũ, tốt hơn hiện trạng”, ông Chính bày tỏ.
Thực tế, với số dân rất lớn cần di dời, mặc dù đa số người dân sẽ có cuộc sống tốt hơn, nhưng sẽ không tránh khỏi một số người chịu thiệt thòi, có những tâm tư nhất định. Để người dân đồng thuận, Hà Nội cần phải có chế độ, chính sách đền bù phù hợp, tính toán đến nhu cầu của từng hộ dân để có cách xử lý cho thấu tình đạt lý.
Quy hoạch vừa được công bố sẽ tạo cơ sở pháp lý để cụ thể hóa các khu vực được phân chia công năng như thế nào, xác định những cơ quan, đơn vị được di dời ra khỏi nội đô, đơn vị nào được giữ lại. Theo KTS. Trần Ngọc Chính: “Không có quy hoạch thì không thể giãn dân và di dời các cơ quan. Tuy nhiên, khi đã có quy hoạch rồi thì làm tốt hay không là do quyết tâm của thành phố và sự vào cuộc của các quận. Vai trò của các quận, của chính quyền cơ sở gần dân, sát dân ở công đoạn tiếp theo sau khi quy hoạch được phê duyệt là rất quan trọng”.
Riêng với các khu chung cư cũ, điều rất quan trọng là hài hòa lợi ích của người dân và của doanh nghiệp đầu tư. Tuyệt đối tránh tình trạng xây dựng, cải tạo xong thì dân số lại tăng lên, không những không đạt mục tiêu quy hoạch mà còn phá vỡ quy hoạch. Việc thực hiện nghiêm túc quy hoạch cũng sẽ góp phần giải quyết hàng loạt vấn đề khác của Hà Nội, như nạn tắc đường, kẹt xe; ô nhiễm không khí, thiếu mảng xanh đô thị; các tiện ích, không gian sinh hoạt công cộng…
“Việc phát triển theo kiểu bung ra không theo quy hoạch chắc chắn sẽ phá vỡ cấu trúc của đô thị Hà Nội, phá vỡ những những đặc trưng văn hóa. Do vậy, nếu chúng ta không mạnh dạn triển khai quy hoạch, thì không biết đến bao giờ Hà Nội mới xử lý dứt điểm những tồn tại hiện nay. Tựu trung lại, quy hoạch hướng tới mục tiêu tạo bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại cho Hà Nội, đồng thời cần giữ được bản sắc, hồn cốt, phần tinh hoa của Hà Nội”, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN nhấn mạnh.