Đăk Lăk: Phát triển thương hiệu Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”

Ngày 27/5, hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”; Phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với di tích quốc gia“, được tổ chức bởi UBND TP. Buôn Ma Thuột và Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA). Hội thảo diễn ra tại TP Buôn Ma Thuột, đã thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu, là lãnh đạo các bộ ngành, địa phương các chuyên gia cao cấp trong các lĩnh vực phát triển đô thị, kinh tế, du lịch, xây dựng thương hiệu, cơ chế chính sách… của cả nước.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam: “xây dựng thương hiệu cho đô thị, trước hết phải xác định đô thị đó có gì khác biệt, có gì đặc trưng so với các đô thị khác tại Việt Nam và trên thế giới, để từ đó nâng tầm lên thành thương hiệu”.

Thành phố Buôn Ma Thuột có vị trí quan trọng về chính trị và kinh tế, là trung tâm của vùng Tây Nguyên, nơi hội tụ các yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, giá trị di tích văn hóa, lịch sử, nghệ thuật… Đặc biệt, với hương vị cà phê thơm ngon đặc sắc, thành phố này hoàn toàn có đủ các lợi thế để trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”.

Tượng đài Chiến thắng – Một công trình điểm nhấn của TP. Buôn Ma Thuột

Tuy nhiên, để hiện thực hóa định hướng trên, ông Vũ Văn Hưng – Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột – nêu rõ: “TP. Buôn Ma Thuột rất cần những đóng góp từ các nhà khoa học, chuyên gia, cố vấn, các lãnh đạo, cơ quan quản lý… đề ra các tầm nhìn chiến lược để phát triển Buôn Ma Thuột trở thành một trong những trung tâm cà phê của thế giới – một điểm đến của các nhà đầu tư trong các lĩnh vực du lịch, tài chính, kinh doanh… Đồng thời, xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột có tính khác biệt trở thành đô thị xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc“,

Đoàn chủ tịch điều hành hội thảo: GS. TS. Đặng Hùng Võ; Chủ tịch VUPDA – KTS. Trần Ngọc Chính; Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng; Phó chủ tịch tỉnh Đăk Lăk Nguyễn Tuấn Hà; PGS. TS. Trần Đình Thiên; và bà Phạm Thị Điệp Giang – Phó TGĐ công ty CP tập đoàn Trung Nguyên 

Những tiềm năng, lợi thế và cơ hội phát triển của thành phố nổi tiếng với “Ly cà phê Ban Mê” được nêu bật trong các báo cáo tham luận trình bày tại hội thảo. Theo TS. Trương Văn Quảng, chuyên gia quy hoạch đô thị đến từ Hội Quy hoạch PTĐT Việt Nam:

TP. Buôn Ma Thuột về cơ bản đã hội tụ đủ các nhân tố cốt lõi để phát triển thương hiệu đô thị – thành phố cà phê của thế giới… Tuy nhiên, để xây dựng và khẳng định thương hiệu này, về lý thuyết, Buôn Ma Thuột cần xây dựng một đề án bài bản, trên cơ sở nghiên cứu áp dụng kinh nghiệm xây dựng thương hiệu đô thị với năm bước cơ bản. Đó là: Xác định các giá trị cốt lõi tạo dựng nền móng của thương hiệu; Cần định vị thương hiệu; Xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu; Xây dựng chiến dịch truyền thông, quảng cáo và xúc tiến; Đánh giá và hiệu chỉnh”.

Tiến sĩ (TS) Emmanuel Cerise – chuyên gia đô thị quốc tế, đã giới thiệu kinh nghiệm xây dựng thương hiệu nổi tiếng thế giới từ 2 đô thị của nước Pháp, là Grasse – Kinh đô nước hoa của thế giới và Bordeaux – Kinh đô rượu vang! Rút ra bài học từ 2 thành phố này, tiến sĩ đã đưa ra những khuyến nghị cho Buôn Ma Thuột trở thành Kinh đô của cà phê.

Theo đó, Thành phố cần tăng cường các sự kiện quy mô lớn liên quan đến cà phê để tạo dựng uy tín quốc tế; Cải thiện các sản phẩm du lịch và dịch vụ chuyên biệt liên quan đến cà phê, như tạo các điểm thông tin du lịch và hệ thống biển chỉ dẫn, thông tin đồng bộ. Thành phố cần cải thiện hệ thống giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trong nước và quốc tế đến với Buôn Ma Thuột. Xây dựng website chuyên biệt về cà phê; Quy hoạch các cung đường di sản cà phê trong nội đô và ngoại ô… Cùng với đó là việc đầu tư vào nghiên cứu và đào tạo, có thể thành lập đại học chuyên ngành cà phê…

Theo TS. Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoach Đô thị và nông thôn Quốc gia: Để phát triển thương hiệu thành phố cà phê của thế giới, việc đầu tiên, Buôn Ma Thuột phải cân nhắc thận trọng việc lựa chọn mô hình phát triển đô thị và kiểm soát được sự phát triển. Nếu không đễ dẫn đến hiệu ứng ngược.

Thứ hai, thành phố cần kể câu chuyện cà phê gắn với cảnh quan thiên nhiên đặc trưng riêng của mình, đặc biệt là gắn với dòng sông Ea Tam. Làm sao gắn câu chuyện cà phê với dòng sông này để tạo nên một không gian giao lưu cộng đồng, thưởng thức cà phê hấp dẫn… Thành phố cần đưa yếu tố cà phê là chủ đề chính vào du lịch; Cần xây dựng và quảng bá các tour du lịch gắn với cà phê. “Hãy học hỏi tốt kinh nghiệm phát triển thương hiệu của thành phố Bordeaux, Grasse là sẽ có được thành công!”, người đứng đầu Viện Quy hoạch quốc gia nhấn mạnh.

“Buôn trong phố” Ako Dhong – Một điểm đến hấp dẫn của Buôn Ma Thuột

Tiến sĩ Ngô Trung Hải – nhà quy hoạch đô thị giàu kinh nghiệm đến từ VUPDA, nêu quan điểm phát triển Buôn Ma Thuột (BMT): Thủ phủ của cà phê – Phát triển các Trung tâm chế biến cà phê – Đưa cà phê BMT từ một sản phẩm thương mại trở thành một thương hiệu – Một nét văn hóa đặc trưng – Một điểm đến của du lịch châu Á và thế giới – Giải pháp của quy hoạch là tạo một không gian đặc trưng dành riêng và một phong cách sống cho một đô thị cà phê. Cùng với đó là việc bảo tồn các buôn làng, các công trình kiến trúc đặc trưng; Hỗ trợ người dân trong việc bảo tồn các công trình kiên trúc. Đồng thời, tạo bản sắc kiến trúc Buôn Ma Thuột qua kiến trúc Tây Nguyên.

Minh họa kiến tạo một không gian đặc trưng và một phong cách sống cho đô thị Cà phê (Ảnh tham luận của tiến sĩ Ngô Trung Hải)

Hội thảo nhận được rất nhiều ý kiến thiết thực từ các chuyên gia trong việc đề xuất xây dựng thương hiều đô thị và đề xuất các giải pháp để phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột cũng như các. giải pháp quy hoạch, tổ chức không gian, cải tạo chỉnh trang, thiết kế đô thị TP Buôn Ma Thuột theo định hướng tạo bản sắc riêng cho thành phố cà phê.

Theo GS. TS. KTS. Nguyễn Quốc Thông đến từ Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc phát triển thương hiệu đô thị, điều quan trọng là sự độc đáo. Thương hiệu đô thị không đơn thuần mang những giá trị vật thể, mà còn mang những giá trị tinh thần. Nó được hình thành trên những giá trị cốt lõi về cảnh quan tự nhiên, đặc điểm lịch sử, văn hóa, xã hội, kinh tế, kiến trúc và quy hoạch đô thị, nhằm thể hiện bản sắc, sự khác biệt, tạo nên sự hấp dẫn mạnh mẽ và độc đáo riêng có của đô thị.

Thác Dray Nur – Một thắng cảnh của Buôn Ma Thuột

Ở góc độ quy hoạch, kiến trúc, KTS. Nguyễn Quốc Thông nhận định: Buôn Ma Thuột đang phát triển chậm, đó lại là một lợi thế đề có điều kiện nhìn lại mình, xem nên lựa chọn cấu trúc không gian đô thị nào cho phù hợp. Ông đưa ra gợi ý: Buôn Ma Thuột nên lựa chọn cấu trúc phân tán, trong đó buôn làng là chủ đề lớn, ở đó không gian vườn cà phê, cái luôn gắn bó với đồng bào, sẽ như là hạt nhân. Kiến trúc sư cũng nhấn mạnh việc  cần phát triển hạ tầng xanh ở Buôn Ma Thuột với cây cà phê là trung tâm để tạo nên đô thị xanh trên cao nguyên. Bên cạch đó, Thành phố rất cần phát triển những công trình kiến trúc trọng điểm, bảo tồn giá trị kiến trúc truyền thống, nhằm tạo nên bản sắc cho đô thị.

Đưa câu chuyện cà phê gắn với các tour du lịch – Ảnh internet

Hội thảo cũng đã đánh giá tiềm năng, lợi thế, thực trạng sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê; đề xuất các tiêu chí, xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột và giải pháp thúc đẩy phát triển thành phố trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”.

Khu du lịch sinh thái Ako D;Hong, Buôn Ma Thuột

Nhiều ý kiến tham luận đề cập việc phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với thương hiệu cà phê, phù hợp với các nguồn lực và có tính khả thi cao; Các chuyên gia cũng đề xuất các mô hình công nghệ, tài chính để Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm giao dịch và quảng bá cà phê toàn thế giới.

Hội thảo khép lại với lễ ký kết hợp tác giữa UBND TP. Buôn Ma Thuôt và Hội Quy hoạch Phát triển đô thị việt Nam. Đây là bước khởi đầu, để hai bên sẽ cùng phối hợp trong việc xây dựng đề án phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới” và triển khai các ý tưởng được đề xuất trong hội thảo./.

Bài và ảnh: Chân Phương

 

 

 

Bài viết cũ hơn