Sáng ngày 22/9/2023, tại Khách sạn Sài Gòn – Đà Lạt, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo khoa học về “Đánh giá thực trạng, nguyên nhân và đề xuất giải pháp phòng chống sạt trượt, ngập lụt cục bộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.
Quang cảnh Hội thảo (ảnh: Võ Trang – Báo Lâm Đồng
Điều hành hội thảo, có PGS.TS. Phạm Minh Hà, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước – Bộ Xây dựng; ông Nguyễn Ngọc Phúc, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ThS. KS. Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng. Tham dự hội thảo có khoảng 160 đại biểu, gồm: các đồng chí Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN tỉnh, Hội đồng Nhân dân tỉnh, các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh, các hội nghề nghiệp, các ban quản lý dự án, các doanh nghiệp tham gia hoạt động đầu tư, và đơn vị tư vấn – xây dựng trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, còn có đại diện các viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ quan báo chí, truyền thông trung ương và địa phương;.
Ngoài Báo cáo đề dẫn của Sở Xây dựng, Ban tổ chức Hội thảo tiếp nhận 27 bài tham luận, được thực hiện từ 20 tổ chức (gồm: 7 trường đại học, 4 viện khoa học cấp Quốc gia, 6 đơn vị tư vấn có tầm hoạt động rộng, 2 hội nghề nghiệp chuyên ngành là Hội Cấp thoát nước VN và Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Lâm Đồng. Đặc biệt có Công ty cổ phần Địa chất Kawasaki Geological Engineering – KGE đến từ Nhật Bản và Công ty Nippon Steel tại VN). Các tham luận được Cục Giám định Nhà nước – Bộ Xây dựng tham vấn tuyển chọn, đều có nội dung phong phú, đảm bảo tính khoa học, bám sát đề tài và tập hợp theo 3 phần: Quy hoạch xây dựng và Hạ tầng kỹ thuật (5 bài), Công nghệ và Giải pháp (16 bài), Dự báo, cảnh báo sớm, phân vùng rủi ro, sạt trượt (6 bài); trong đó, ThS. KTS. Trần Đức Lộc – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Lâm Đồng, với bài “Ngập lụt và sạt lở đất tại Đà Lạt – Lâm Đồng: Nguyên nhàn và giải pháp nhìn từ góc độ quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị”… (là đơn vị duy nhất của tỉnh có bài tham luận được chọn).
Nội dung chủ đề hội thảo mặc dù mang tính chất thời sự, cấp thiết của tỉnh Lâm Đồng trong thời gian qua (từ tháng 6/2023), nhưng lại có sức phổ biến, lan tỏa cho cả vùng Tây nguyên và các đô thị miền núi trong cả nước – đó là “Ngập lụt cục bộ và sạt trượt đất”. Thông qua Hội thảo, Ban tổ chức (trực tiếp là Sở Xây dựng) mong muốn sẽ tổng hợp, đúc kết được các kinh nghiệm, tiếp nhận thông tin và tri thức, nhận diện đúng nguyên nhân, tìm kiếm giải pháp đồng bộ và có lộ trình phù hợp. Từ đó tham mưu đến Chính quyền tỉnh và trung ương (tùy theo nội dung, giải pháp và thẩm quyền quy định) để sớm có kết luận, ban hành các chủ trương, chính sách và hướng đến kế hoạch hợp tác cụ thể từ các đơn vị có chuyên môn sâu.
Hội thảo cũng tham vấn trực tiếp ý kiến từ các trí thức, chuyên gia tên tuổi của trung ương và địa phương một cách kịp thời, hiệu quả và bền vững trong quá trình triển khai thực tế. Từ kết quả Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Phúc cũng kiến nghị Bộ Xây dựng cần thể chế hóa các vấn đề phát sinh từ hệ lụy “ngập lụt cục bộ và sạt trượt đất” bằng các văn bản, quy chế, quy định và quy phạm… Đặc biệt là định mức chi phí, nguồn vốn cấp cho việc lập các “Bản đồ cảnh báo”, cũng như quá trình xử lý trước, trong và sau khi xảy ra sự cố đối với các khu ở, nhà ở tại các vùng ảnh hưởng, trong điều kiện cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn…
Tin: Trần Thịnh