Định hướng phát triển hạ tầng xanh cho các khu công nghiệp Việt Nam hướng tới mục tiêu trung hòa cacbon đến năm 2050

ThS. Đặng Thị Nga – Khoa kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội – Nhận bài: ngày 01/12/2024; Phản biện: TS. KTS. Trương Văn Quảng, từ ngày 17/12/2024. Ngày duyệt đăng: 29/12/2024.

Việt Nam, với tốc độ phát triển số lượng lớn các KCN như hiện nay, thì việc đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng cho các khu công nghiệp theo hướng hạ tầng xanh là rất cần thiết. Việc này sẽ đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời cũng thể hiện quyết tâm của Chính phủ thực hiện các cam kết phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu trung hòa các bon vào năm 2050.

Khu công nghiệp Yên Phong Bắc Ninh – ảnh nguồn internet

Orientation for developing green infrastructure for industrial parks in Vietnam towards the goal of carbon neutrality by 2050

Summary: In addition to meeting the production requirements of factories in industrial parks, developing technical infrastructure of industrial parks (IPs) should focus on the goal of carbon neutrality by 2050 in Vietnam. Accordingly, the orientation for developing green technical infrastructure systems and applying science and technology is one of the important solutions to create a foundation for sustainable development. Arranging centralized control centers to manage and operate the technical infrastructure systems of industrial parks. Selecting industrial park infrastructure design solutions that are suitable for the natural conditions of each area, encouraging the use of materials and renewable energy, limiting surface hardening to enhance natural water permeability, integrating multi-purpose water surface space, trees in water regulation, reducing pressure on the drainage infrastructure system with creating landscapes to improve the environment, creating highlights for the project towards the goal of building a technical infrastructure system to ensure balanced development for each industrial park.

  1. Introduction: Green Infrastructure plays an important role in urban planning by enhancing environmental sustainability, improving community welfare and creating more livable cities through the integration of natural elements, such as parks and green spaces, into the urban landscape. This helps to minimize adverse impacts during the urbanization process. In Vietnam, with more than 30 years of formation and development, economic zones (EZs) and industrial parks (IPs) have become important factors in attracting investment, promoting the country’s economic growth while increasing export turnover, contributing to expanding the international market, contributing significantly to the State budget revenue, creating jobs for workers and having a direct impact on the urbanization process in Vietnam.

In Vietnam, with the current rapid development of a large number of IPs, investing in the construction and development of infrastructure for industrial parks in the direction of Green Infrastructure is necessary, plays an important role and will contribute significantly to efforts to respond to climate change, mobilize resources from the private sector for green industrial solutions, ensure energy security, demonstrate the political determination of the Government in implementing sustainable development commitments, including the goal of carbon neutrality by 2050.

Keywords: green infrastructure, green industrial park, carbon neutrality, net zero.

Tóm tắt: Phát triển hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp (KCN), ngoài việc đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất của các nhà máy trong KCN, thì cần chú trọng hướng tới mục tiêu trung hòa các bon đến năm 2050 ở Việt Nam. Theo đó, định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật xanh, ứng dụng khoa học công nghệ là một trong những giải pháp quan trọng, nhằm tạo dựng nền tảng cho phát triển bền vững. Bố trí các trung tâm điều hành tập trung để quản lý vận hành cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp. Lựa chọn giải pháp thiết kế hạ tầng khu công nghiệp phù hợp với đặc điểm điều kiện tự nhiên của từng khu vực, khuyến khích sử dụng vật liệu, năng lương tái tạo, hạn chế cứng hóa bề mặt để tăng cường khả năng thấm nước tự nhiện, tích hợp đa dụng không gian mặt nước, cây xanh trong việc điều tiết nước, giảm áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật tiêu thoát với tạo cảnh quan cải thiện môi trường, tạo điểm nhấn cho dự án hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đảm bảo sự cân bằng phát triển cho từng khu công nghiệp.

Từ khóa: hạ tầng xanh, khu công nghiệp xanh, trung hòa các bon, net zero.

1. Mở đầu

Cơ sở hạ tầng xanh (Green Infrastructure) đóng vai trò quan trọng trong quy hoạch đô thị bằng cách tăng cường tính bền vững của môi trường, cải thiện phúc lợi cộng đồng và tạo ra những thành phố đáng sống hơn thông qua việc tích hợp các yếu tố tự nhiên, như công viên và không gian xanh, vào cảnh quan đô thị. Điều này giúp giảm thiểu những tác động bất lợi trong quá trình đô thị hóa.

Việt Nam với hơn 30 năm hình thành và phát triển, các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) trở thành nhân tố quan trọng trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước đồng thời gia tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần mở rộng thị trường quốc tế, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách Nhà nước, tạo việc làm cho người lao động và có tác động ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình đô thị hóa ở Việt Nam.

Tại Việt Nam với tốc độ phát triển số lượng lớn các KCN như hiện nay, thì việc đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng cho các khu công nghiệp theo hướng Hạ tầng xanh là cần thiết, có vai trò quan trọng và sẽ đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững trong đó có mục tiêu trung hòa các bon vào năm 2050.

2. Khái quát quá trình phát triển các KCN tại Việt Nam

Tính đến hết năm 2023, cả nước đã có 414 KCN đã thành lập (bao gồm 370 KCN nằm ngoài các khu kinh tế, 37 KCN nằm trong các khu kinh tế ven biển, 7 KCN nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng gần 120 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN cả nước đạt khoảng 51,8 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,8%. Nếu tính riêng các KCN đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,9%. Qua đó đã góp phần thu hút trên 21 nghìn dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký khoảng 350 tỷ USD, đóng góp gần 12% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Để có được kết quả như trên, Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm hình thành đổi mới phát triển trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước và được khái quát thông qua 03 giai đoạn như sau:

Theo Nghị quyết số 39/2021/QH15, ngày 13/11/2021 của Quốc Hội về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 – 2025, thì tổng diễn tích đất phát triển dành cho các khu công nghiệp đến năm 2025 vào khoảng 153 nghìn ha và đến 2030 vào khoảng 211 nghìn ha (tằng gần gấp 2 lần so với hiện nay).

3. Sự cần thiết phải phát triển hạ tầng xanh cho các khu công nghiệp

Tháng 11/2021 tại hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng 150 quốc gia trên thế giới, sẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. Tháng 11/2022 tại hội nghị COP27, Việt Nam giữ nguyên cam kết, nhưng cũng lưu ý rằng đây là bài toán khó khăn và phức tạp, đòi hỏi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về cả nguồn lực và công nghệ.

Cam kết của Việt Nam phù hợp với chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phù hợp với xu thế của thế giới về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Đây cũng là một trong những nội dung cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và xác định tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn. Trong xu thế đó, chính sách phát triển các Khu công nghiệp sinh thái, chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Trên cơ sở đó, Việt Nam đã và đang hành trình thực hiện phát triển xanh hóa các khu công nghiệp, cụ thể một số khu công nghiệp tiêu biểu:

Tại Việt Nam với tốc độ phát triển số lượng lớn các KCN như hiện nay, thì việc đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng cho các khu công nghiệp theo hướng Hạ tầng xanh là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững trong đó có mục tiêu trung hòa các bon vào năm 2050.

4. Những lợi ích chủ yếu đem lại khi phát triển hạ tầng xanh cho các khu công nghiệp tại Việt Nam

(1) Góp phần bảo vệ môi trường: Các khu công nghiệp thường phát thải một lượng lớn khí nhà kính, góp phần gây ra biến đổi khí hậu. Phát triển hạ tầng xanh giúp giảm lượng khí thải này thông qua việc sử dụng năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả năng lượng. Các biện pháp xanh hóa như trồng cây xanh, sử dụng công nghệ xử lý nước thải hiện đại giúp giảm ô nhiễm không khí và nước, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng và môi trường.

(2) Tăng cường hiệu quả kinh tế: Sử dụng năng lượng tái tạo và các biện pháp tiết kiệm năng lượng giúp giảm chi phí vận hành cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Các khu công nghiệp xanh hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là những nhà đầu tư quan tâm đến các tiêu chuẩn bền vững và trách nhiệm xã hội. Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp xanh có thể nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế nhờ đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường cao.

(3) Đem lại nhiều lợi ích xã hội: Môi trường xanh, sạch và an toàn giúp cải thiện sức khỏe và tinh thần của công nhân, từ đó tăng cường năng suất lao động. Các không gian xanh trong và xung quanh khu công nghiệp tạo ra môi trường sống tốt hơn cho cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

(4) Tuân thủ quy định và cam kết quốc tế: Phát triển hạ tầng xanh giúp các khu công nghiệp tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn môi trường quốc gia và quốc tế. Việt Nam đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính và đạt mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050. Phát triển khu công nghiệp xanh là một phần quan trọng của chiến lược này.

(5) Tạo dựng phát triển bền vững: Khuyến khích các mô hình kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp, nơi mà chất thải của một quá trình sản xuất có thể trở thành nguyên liệu đầu vào cho một quá trình khác. Tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm lãng phí và bảo vệ các nguồn tài nguyên cho các thế hệ tương lai.

(6) Giảm rủi ro và tăng cường khả năng ứng phó: Các biện pháp bảo vệ môi trường giúp giảm nguy cơ các sự cố môi trường, từ đó giảm thiểu thiệt hại và chi phí xử lý. Hạ tầng xanh giúp các khu công nghiệp và cộng đồng xung quanh tăng cường khả năng chống chịu trước các tác động của biến đổi khí hậu, như lũ lụt và hạn hán.

5. Rà soát hệ thống khung pháp lý có liên quan đã được ban hành tại Việt Nam về phát triển hạ tầng xanh

Những cơ sở pháp lý này tạo ra một khung pháp lý và chính sách rõ ràng để thúc đẩy và hỗ trợ phát triển hạ tầng xanh tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường đã và đang được quy định cụ thể hóa

Xây dựng và phát triển hạ tầng xanh, an toàn và bền vững đang là một hướng đi, vận dụng vào thực tiễn quản lý và phát triển đô thị ở Việt Nam hiện nay. Một số văn bản pháp lý và quy định quan trọng liên quan đến phát triển hạ tầng xanh tại Việt Nam:

Tên Số hiệu/

ngày ban hành

Cơ quan Khái quát nội dung liên quan
đến hạ tầng xanh
Luật Bảo vệ Môi trường Số 72/2020/QH14

Ngày 17/11/2020

Quốc Hội •           Quy định chung: Luật Bảo Vệ Môi Trường 2020 là văn bản pháp lý quan trọng nhất về bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Luật này quy định về bảo vệ, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, đồng thời khuyến khích phát triển hạ tầng xanh.

•           Điều 5 và Điều 6: Các điều khoản này đề cập đến các biện pháp bảo vệ môi trường, bao gồm việc phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp và các công trình xây dựng theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường.

Luật Xây dựng Số 50/2014/QH13, ngày 18/6/2014 và số 62/2020/QH14 ngày 18/6/2014 Quốc Hội Luật này quy định về quy hoạch xây dựng, thiết kế, thi công và quản lý các công trình xây dựng, bao gồm các điều khoản khuyến khích xây dựng công trình xanh và bền vững.
Nghị định về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị Số 37/2010/NĐ-CP, ngày 04/4/2010 Chính phủ Nghị định này yêu cầu các quy hoạch đô thị phải tích hợp các yếu tố xanh như cây xanh, mặt nước và các khu vực công cộng.
Quyết định phê duyệt kế hoạch hành động Quốc gia  về trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 Số 403/QĐ-TTg, ngày 20/3/2014 Thủ tướng Chính phủ Quyết định này đặt ra các mục tiêu và biện pháp cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng xanh, bao gồm việc phát triển hạ tầng xanh và công trình xanh
Quyết định Phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 Số 280/QĐ-TTg, ngày 13/3/2019 Thủ tướng Chính phủ Chương trình này khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong xây dựng, thúc đẩy phát triển công trình xanh. Trong đó liên quan đến phát triển Công nghiệp: Tăng cường tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp nặng, sản xuất thép, xi măng, hóa chất và chế biến thực phẩm. Giao thông vận tải: Khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông tiết kiệm năng lượng và phát triển hạ tầng giao thông thông minh. Xây dựng: Áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng tiết kiệm năng lượng, phát triển công trình xanh.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả. Số QCVN 09:2013/BXD Bộ Xây dựng Quy chuẩn này áp dụng cho các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp, bao gồm các yêu cầu về cách nhiệt, thông gió, chiếu sáng, và các hệ thống cơ điện.
Nghị quyết về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 Số 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 Bộ Chính trị Nghị quyết này thúc đẩy việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo vệ môi trường. Nghị quyết có nhiều chính sách đột phá phát triển năng lượng quốc gia như ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững; rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án năng lượng quan trọng, đặc biệt các dự án đầu tư nguồn điện cấp bách. Nghị quyết  khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tham gia vào lĩnh vực phát triển năng lượng. Nghị quyết đã đưa ra các định hướng quan trọng, nguyên tắc mục tiêu để xóa bỏ rào cản, tạo môi trường thuận lợi minh bạch, thông thoáng cho tư nhân tham gia đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng.
Quyết định Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 Số 1658/QĐ-TTg, ngày 01/10/2021 Thủ tướng Chính phủ •           Quyết định này phê duyệt bao gồm các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để thúc đẩy phát triển hạ tầng xanh tại Việt Nam.

•           Mục tiêu cụ thể: Hướng tới việc giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Quyết định Phê duyệt Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030” Số 438/QĐ-TTg, ngày 25/3/2021 Thủ tướng Chính phủ •           Chương trình phát triển đô thị quốc gia: Quyết định này phê duyệt Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2021-2030, trong đó bao gồm việc thúc đẩy xây dựng đô thị xanh, thông minh và bền vững.

•           Các giải pháp cụ thể: Bao gồm việc phát triển các công trình xanh, tăng cường diện tích cây xanh và mặt nước, và cải thiện chất lượng không khí.

Ngoài các văn bản pháp luật trên, Bộ Xây dựng đã ban hành các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng xanh, bao gồm tiêu chuẩn về vật liệu xây dựng, thiết kế và vận hành công trình xanh. Cùng với đó là các chứng nhận công trình xanh: Các công trình xây dựng có thể đạt được các chứng nhận xanh như Lotus (của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam), LEED (Leadership in Energy and Environmental Design), hoặc EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies).

6. Kinh nghiệm phát triển hạ tầng xanh tại một số khu đô thị điển hình trên thế giới

Phát triển hạ tầng xanh tại các khu công nghiệp là một xu hướng quan trọng trên thế giới, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Những kinh nghiệm từ các quốc gia khác nhau cho thấy rằng phát triển hạ tầng xanh tại các khu công nghiệp không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế và xã hội lâu dài. Dưới đây là một số kinh nghiệm từ các quốc gia và khu vực khác nhau:

(1) Khu công nghiệp sinh thái Kalundborg, Đan Mạch: phát triển với mô hình “symbiosis” (cộng sinh), nơi các công ty trong khu công nghiệp chia sẻ tài nguyên và chất thải. Ví dụ, hơi nước thải từ một nhà máy điện được sử dụng để sưởi ấm các tòa nhà và cung cấp nước nóng cho các doanh nghiệp khác. Điều này đã đem lại lợi ích giảm thiểu lượng chất thải, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính.

(2) Các Khu công nghiệp ở Kitakyushu, Nhật Bản: các KCN này được chuyển đổi từ một thành phố công nghiệp ô nhiễm thành một mô hình phát triển bền vững. Khu công nghiệp này sử dụng các công nghệ tiên tiến để tái chế chất thải và xử lý nước. Cải thiện chất lượng môi trường, tăng cường sự hiệu quả trong sử dụng tài nguyên, và nâng cao chất lượng sống của cư dân địa phương.

(3) Các khu công nghiệp ở khu vực Ecopark, Anh Quốc: sử dụng năng lượng tái tạo từ gió và nước, có các hệ thống tái chế nước và xử lý chất thải hiệu quả. Qua đó đó góp phần giảm lượng phát thải CO2, tiết kiệm nước, và tạo ra một môi trường làm việc xanh và sạch.

(4) Các khu công nghiệp ở khu vực Rotterdam, Hà Lan: Rotterdam là một trong những cảng biển lớn nhất thế giới và cũng là một khu công nghiệp xanh với nhiều dự án phát triển bền vững như hệ thống quản lý nước và các dự án năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường nước, giảm khí thải, và thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo.

(5) Các khu công nghiệp ở khu vực Hadera, Israel: sử dụng các hệ thống xử lý nước thải tiên tiến để tái sử dụng nước cho nông nghiệp và công nghiệp; song song với đó là đầu tư vào các công nghệ năng lượng tái tạo. Bảo vệ tài nguyên nước, giảm thiểu ô nhiễm, và tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng.

(6) Các khu công nghiệp ở Ulsan, Hàn Quốc: phát triển một hệ thống quản lý môi trường thông minh, bao gồm các giải pháp xử lý chất thải và nước thải, sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ thông minh để giám sát và quản lý môi trường. Góp phần cải thiện chất lượng không khí và nước, giảm phát thải, và tăng cường hiệu quả sản xuất.

7. Giải pháp phát triển hạ tầng xanh cho các khu công nghiệp tại Việt Nam

Có thể thấy. phát triển hạ tầng xanh cho các khu công nghiệp tại Việt Nam là một mục tiêu quan trọng và cần thiết để hướng tới phát triển bền vững. Sự kết hợp giữa các giải pháp kỹ thuật, chính sách hỗ trợ và hợp tác giữa các bên liên quan sẽ là chìa khóa để đạt được thành công trong lĩnh vực này. Trên cơ sở các phân tích tổng hợp các điều kiện thực trạng và xu thế phát triển nêu trên, để phát triển hạ tầng xanh cho các khu công nghiệp tại Việt Nam, cần có một chiến lược toàn diện bao gồm các giải pháp kỹ thuật, chính sách và quản lý, cụ thể:

(1) Quy hoạch và thiết kế khu công nghiệp xanh: Cần tích hợp không gian xanh nhằm tạo ra các khu vực công viên, cây xanh, và vườn hoa trong và xung quanh khu công nghiệp để cải thiện môi trường và cung cấp không gian nghỉ ngơi cho công nhân. Sắp xếp các khu vực sản xuất, kho bãi, và văn phòng theo cách tối ưu để giảm thiểu khoảng cách vận chuyển nội bộ, tiết kiệm năng lượng và chi phí.

(2) Sử dụng năng lượng tái tạo: Triển khai các dự án năng lượng mặt trời trên mái nhà của nhà máy và khu vực trống, cùng với việc lắp đặt các tuabin gió nếu điều kiện cho phép. Cùng với đó là sử dụng công nghệ thông minh để quản lý và tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, giảm lãng phí và tăng hiệu quả. Áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng như hệ thống chiếu sáng LED, thiết bị tiết kiệm năng lượng và hệ thống điều hòa không khí hiệu quả.

(3) Quản lý và xử lý nước bền vững: Lắp đặt hệ thống thu gom nước mưa để sử dụng cho tưới tiêu cây xanh, vệ sinh công nghiệp, và các mục đích khác. Xây dựng các nhà máy xử lý nước thải với công nghệ tiên tiến để xử lý và tái sử dụng nước thải, giảm thiểu ô nhiễm và tiết kiệm nước.

Minh họa ứng dụng phần mềm hỗ trợ theo dõi quản lý xử lý nước thải trong KCN

(4) Quản lý chất thải tối ưu: Thiết lập hệ thống phân loại chất thải tại nguồn và xây dựng các cơ sở tái chế chất thải để biến chất thải thành tài nguyên. Đầu tư vào công nghệ xử lý chất thải hiện đại để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

(5) Xây dựng hệ thống giao thông bền vững: Phát triển hệ thống giao thông công cộng như xe buýt điện, tuyến đường xe đạp và khu vực đi bộ để giảm thiểu khí thải từ phương tiện giao thông. Lắp đặt các trạm sạc điện cho xe điện và khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng xe điện trong vận chuyển nội bộ.

(6) Sử Dụng Vật Liệu Xanh: Sử dụng các vật liệu xây dựng có khả năng tái chế, ít phát thải và có nguồn gốc bền vững. Áp dụng các phương pháp xây dựng hiện đại để giảm thiểu tác động môi trường và tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng.

(7) Giáo dục và nâng cao nhận thức: Tổ chức các chương trình đào tạo và nâng cao nhận thức về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường cho công nhân và quản lý khu công nghiệp. Sử dụng các phương tiện truyền thông và hoạt động cộng đồng để tuyên truyền về lợi ích của hạ tầng xanh và phát triển bền vững.

(8) Hoàn thiện chính sách và cơ chế khuyến khích: Áp dụng các chính sách ưu đãi tài chính và thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng xanh và các công nghệ bền vững. Cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các chương trình và quỹ phát triển của nhà nước và các tổ chức quốc tế.

(9) Nâng cao hợp tác và liên kết: Tăng cường sự hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế để huy động nguồn lực và chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển hạ tầng xanh. Tham gia vào các mạng lưới khu công nghiệp xanh khu vực và toàn cầu để học hỏi và áp dụng các mô hình thành công.

(10) Ứng Dụng Công Nghệ Thông Minh: Sử dụng công nghệ IoT để giám sát chất lượng không khí, nước và đất, giúp quản lý và phản ứng nhanh chóng với các vấn đề môi trường. Áp dụng các hệ thống quản lý thông minh để tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và năng lượng, giảm thiểu lãng phí và tăng cường hiệu quả.

Minh họa việc ứng dụng phần mềm hỗ trợ theo dõi điện, nước, chiếu sáng trong KCN

Tài liệu tham khảo

  1. Quốc Hội (2017), Luật số: 21/2017/QH14 – Luật Quy hoạch;
  2. Quốc Hội (2021), Nghị quyết số: 39/2021/QH15, về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 – 2025;
  3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), Chương trình trao đổi kinh nghiệm phát triển Khu công nghiệp sinh thái giữa Việt Nam và Indonesia;
  4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020), Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình Khu công nghiệp sinh thái toàn cầu;
  5. Chính phủ (2022), Nghị định số: 35/2022/NĐ-CP, Quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế;
  6. TS Nguyễn Hồng Tiến – Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) (2023). Quản lý và phát triển hạ tầng xanh ở Việt Nam: Thách thức và giải pháp.
  7. Vũ Quang Đăng (2022); Xu hướng phát triển công nghệ chiếu sáng thông minh và tiết kiệm năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh – Kỷ yếu Hội thảo “Quản lý và xây dựng Hạ tầng Xanh hướng tới phát triển bền vững“ do Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng và GIZ tổ chức tại Đà Nẵng 11/2022.
  8. Nguyễn Ngọc Quang (2022); Xu thế phát triển hạ tầng giao thông xanh, bền vững trên thế giới và các khuyến nghị cho các đô thị lớn ở Việt Nam – Kỷ yếu Hội thảo “Quản lý và xây dựng Hạ tầng Xanh hướng tới phát triển bền vững “ do Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng và GIZ tổ chức tại Đà Nẵng 11/2022
  9. Nguyễn Thị Bích Phương, “Hạ tầng Xanh – Giải pháp bền vững cho thoát nước đô thị” – Tạp chí Khoa học Công nghệ Xây dựng, ĐHXDHN, 2022, 16 (4V): 219-235
  10. Nguyễn Hồng Hạnh, “Một số quan điểm về cơ sở hạ tầng xanh” – Kỷ yếu Hội thảo “Quản lý và xây dựng Hạ tầng Xanh hướng tới phát triển bền vững” do Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng và GIZ tổ chức tại Đà Nẵng 11/2022
  11. Huỳnh Trọng Nhân, Nguyễn Hồng Tiến (2022) “Giải pháp thành phố bọt biển trong thoát nước mặt đô thị Việt Nam hướng đến phát triển bền vững – Những thách thức và định hướng” Tạp chí Xây dựng tháng 02/2022.
  12. KTS Nguyễn Vinh Quang (2024): Hạ tầng xanh đô thị Nền tảng để phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam, Tạp chí Kiến trúc số 7-2024.
  13. Benedict, McMahon (2002). Green infrastructure smart conservation for the 21st Century. Renewable Resources Journal.
  14. Park, J. M., Park, J. Y., & Park, H. S. (2016). A review of the national eco – industrial park development program in Korea: Progress and achievements in the first phase, 2005 – 2010. Journal of cleaner production.
  15. ADB (2001). Eco – industrial par hanbook for Asian developing countries. Report to Asian Development Bank.
  16. Nghị quyết số 39/2021/QH15 về Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất Quốc gia 5 năm 2021-2025
  17. Nghị quyết số 18/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
  18. Huang, B., Yong, G., Zhao, J., Domenech, T., Liu, Z., Chiu, S. F.,… & Yao, Y. (2019). Review of the development of China’s Eco – industrial Park standard system. Resources, Conservation and Recycling.
  19. Khoa kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

 

 

Bài viết cũ hơn