Đô thị đặc biệt nhất Việt Nam sẽ sử dụng 100% xe buýt và taxi điện

Theo kế hoạch, toàn bộ xe buýt tại Thủ đô Hà Nội và TP. HCM sẽ được thay thế bằng xe xanh. Tại COP26, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng (Net Zero) vào năm 2050. Đây là một mục tiêu không dễ dàng, và để thực hiện được việc đó thì Việt Nam sẽ cần lên kế hoạch và sớm thực hiện một số hạng mục. Trong số các biện pháp cần thực hiện, việc chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng sang sử dụng năng lượng xanh đang được ưu tiên hàng đầu.

Tại Hà Nội, chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh và giảm phát thải khí carbon đã được phê duyệt. Theo kế hoạch, thành phố sẽ dần chuyển đổi toàn bộ hệ thống xe buýt công cộng sang xe buýt điện. Cụ thể, từ năm 2025, tất cả các xe buýt thay thế hoặc đầu tư mới sẽ là xe buýt điện hoặc sử dụng năng lượng xanh. Từ năm 2030, ít nhất 50% phương tiện sẽ sử dụng điện và năng lượng xanh, với mục tiêu đạt 100% xe taxi sử dụng năng lượng xanh hoặc điện. Đến năm 2050, toàn bộ xe buýt và taxi sẽ phải chạy bằng điện hoặc năng lượng xanh.

Đến năm 2050, Hà Nội sẽ sử dụng toàn bộ xe buýt và taxi chạy bằng điện hoặc năng lượng xanh. Ảnh: Báo ảnh Việt Nam

Đến năm 2050, Hà Nội sẽ sử dụng toàn bộ xe buýt và taxi chạy bằng điện hoặc năng lượng xanh. Ảnh: Báo ảnh Việt Nam

Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông công cộng (Sở GTVT Hà Nội) – ông Thái Hồ Phương, cho biết Hà Nội có thể chuyển đổi 100% xe buýt thành xe điện vào năm 2040. Lộ trình chuyển đổi được chia thành ba kịch bản dự kiến: Kịch bản 1 với 100% xe buýt điện; Kịch bản 2 với 70% xe buýt điện và 30% xe buýt chạy LNG hoặc CNG; và Kịch bản 3 với 50% xe buýt điện và 50% xe buýt LNG/CNG. Thành phố dự kiến bắt đầu triển khai kịch bản 3, tiến tới kịch bản 2 khi điều kiện cho phép, và thực hiện kịch bản 1 sau năm 2040.

Tại TP.HCM, từ năm 2025 đến năm 2029, ưu tiên hàng đầu cũng là chuyển đổi xe buýt sang loại xe điện, tuy nhiên, trong giai đoạn quá độ, thành phố có thể đầu tư vào xe buýt sử dụng CNG. Mục tiêu cuối cùng là từ năm 2030, toàn bộ xe buýt tại TP.HCM sẽ sử dụng năng lượng xanh. Hiện tại, TP.HCM đang vận hành 2.209 xe buýt trên 120 tuyến, trong đó có 546 xe buýt xanh (bao gồm xe điện và xe CNG), 581 xe đã sử dụng dưới 8 năm, và 1.628 xe đã sử dụng trên 8 năm. Xe buýt xanh hiện chiếm gần 25% tổng số xe tại thành phố, theo thông tin từ Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, ông Lê Hoàn.

Trạm sạc – Bài toán cần giải quyết

Để hiện thực hóa kế hoạch phát triển xe buýt xanh, thành phố cần giải quyết nhiều vấn đề, trong đó vốn đầu tư là một yếu tố then chốt. Hiện tại, chi phí đầu tư cho xe chạy năng lượng xanh cao hơn đáng kể so với xe chạy diesel: một chiếc xe điện có giá tương đương với 2,4 chiếc xe diesel. Ngoài chi phí mua sắm, việc chuyển đổi còn đòi hỏi đầu tư vào hạ tầng trạm sạc và các chiến lược cung cấp năng lượng.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội, nhận định rằng việc phát triển xe buýt xanh gặp phải ba trở ngại chính: cơ chế chính sách, nguồn lực để chuyển đổi phương tiện, và hạ tầng.

Nếu chuyển sang xe điện, quy hoạch hạ tầng điện cũng cần được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của hệ thống xe buýt điện cũng như các phương tiện cá nhân khác.

Hiện Hà Nội có 1.905 xe buýt được trợ giá, bao gồm 139 xe chạy CNG, 142 xe chạy điện và hơn 1.200 xe đạt tiêu chuẩn Euro 4 trở lên. Ảnh: Internet

Hiện Hà Nội có 1.905 xe buýt được trợ giá, bao gồm 139 xe chạy CNG, 142 xe chạy điện và hơn 1.200 xe đạt tiêu chuẩn Euro 4 trở lên. Ảnh: Internet

Hiện tại, Hà Nội chỉ có hai trạm sạc dành riêng cho xe buýt điện, cả hai đều thuộc Vinbus. Các trạm này có 32 và 39 trụ, với công suất từ 120 kWh đến 150 kWh do StarCharge cung cấp. Vinbus là đơn vị vận hành xe buýt điện lớn nhất tại Hà Nội, hiện đang điều hành 10 tuyến với xe do VinFast sản xuất. Mỗi xe buýt điện của Vinbus có tối đa 67 chỗ ngồi và tay nắm cho khách đứng, với phạm vi di chuyển lên đến 260 km khi đầy pin 281 kWh và thời gian sạc đầy trong 2 giờ tại trạm của đơn vị.

Hiện Hà Nội có 1.905 xe buýt được trợ giá, bao gồm 139 xe chạy CNG, 142 xe chạy điện và hơn 1.200 xe đạt tiêu chuẩn Euro 4 trở lên. Thành phố đang chi khoảng 2.300 tỷ đồng mỗi năm để trợ giá cho xe buýt. Để chuyển đổi hoàn toàn sang xe buýt điện và xe năng lượng xanh từ năm 2024 đến năm 2033, Hà Nội cần bổ sung khoảng 8.300 tỷ đồng, tương đương hơn 830 tỷ đồng mỗi năm.

Trong cuộc họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước diễn ra vào sáng ngày 23/7 tại Văn phòng Chủ tịch nước, 5 luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7. Trong đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được thông qua gồm 7 Chương với 54 Điều, quy định cụ thể và rõ ràng vị trí và vai trò của Thủ đô; các chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất cho Hà Nội bổ sung 2 TP thuộc Thủ đô, đó là thành phố phía Bắc sông Hồng gồm các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh; lấy hạt nhân là sân bay Nội Bài, sẽ định hướng trở thành thành phố logistics, dịch vụ. Thành phố thứ 2 trong Thủ đô là thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học thuộc phía Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai với trung tâm là Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Việc bổ sung 2 thành phố thuộc Thủ đô theo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ đưa Hà Nội trở thành đô thị đặc biệt nhất Việt Nam.

Bài viết cũ hơn