Phát triển nhà ở xã hội là vấn đề luôn được Nhà nước quan tâm nhằm giảm tải áp lực nhà ở đô thị, tuy nhiên, đến nay phân khúc này vẫn còn nhiều bất cập. Để hóa giải vấn đề, năm 2022, Bộ Xây dựng xác định đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội là một trong ba khâu đột phá của ngành xây dựng.
Đến hết năm 2021, cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội. Ảnh: HẢI NAM
1/ Bộ Xây dựng cho biết, đến hết năm 2021, cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội, quy mô 142 nghìn căn hộ, tổng diện tích hơn 7,1 triệu m2 sàn, đạt 56,8% so mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (năm 2011). Tại Hà Nội, giai đoạn 2016-2020 đã có 25 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, tương đương 12.659 căn hộ, khoảng 1,25 triệu m2 sàn (đạt 26,24% so kế hoạch). Năm 2021, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các dự án nhà ở xã hội vẫn được triển khai nhưng tiến độ bị ảnh hưởng, chỉ có hai dự án nhà ở xã hội hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Ngoài lý do dịch bệnh, có nhiều nguyên nhân khác gây cản trở mục tiêu đề ra. Trong đó, nguồn hỗ trợ cho người thu nhập thấp từ ngân sách còn hạn chế, thiếu nguồn cung đất đai, nguồn vốn tín dụng dành để cấp bù lãi suất cho các chủ đầu tư và các đối tượng được ưu đãi vay thực hiện mua, thuê mua nhà ở giá rẻ vẫn còn thiếu. Điển hình, từ sau khi gói tín dụng cho người thu nhập thấp vay mua nhà 30 nghìn tỷ đồng kết thúc, đến nay chưa có thêm gói hỗ trợ nào tương đương được triển khai. Nhiều dự án bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công do chủ đầu tư dự án và người mua không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi…
Nhu cầu nhà ở tại các đô thị rất lớn, nhưng việc phát triển nhà ở xã hội để đáp ứng nguồn cung thì dường như giẫm chân tại chỗ, nguyên nhân là bởi tồn tại nhiều vướng mắc ở cả thể chế chính sách và công tác tổ chức thực hiện. Để tháo gỡ bất cập này, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, trong đó kiến nghị điều chỉnh các quy định về ưu đãi cho chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội; bổ sung trách nhiệm cụ thể của các địa phương trong việc quy hoạch, giải phóng mặt bằng, bố trí đủ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội…
2/ Có thể thấy, việc phát triển nhà ở xã hội là vấn đề đã được đặt ra từ rất sớm, nhưng đến nay mục tiêu hướng tới vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Một câu hỏi đang được thực tế đặt ra, liệu bao giờ cung mới “đuổi kịp” cầu khi nhu cầu nhà ở tại đô thị rất lớn. Theo các chuyên gia, những đợt bùng phát dịch Covid-19 đã lộ ra nhiều bất cập về loại hình nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp. Trong khi đây lại là khu vực chịu tác động lớn nhất do tập trung đông người, dẫn tới khó khăn trong việc bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch. Đặc biệt, khi đại dịch bùng phát mạnh, làn sóng “bỏ phố về quê” đã xuất hiện ở nhiều nơi, dẫn đến thiếu hụt lao động, gây ảnh hưởng không nhỏ tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất.
Trước thực tế này, nhiều khu công nghiệp đã chú ý đầu tư, xây dựng nhà ở nhằm giữ chân công nhân. Tuy vậy, người lao động tại các khu công nghiệp cần được bảo đảm về phúc lợi xã hội, cũng như được chăm lo đời sống tinh thần, có việc làm ổn định để họ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp cần người lao động phải làm việc với thái độ tích cực, tăng chất lượng, năng suất lao động, gắn bó lâu dài thì doanh nghiệp mới ổn định sản xuất và kinh doanh có lãi. Đây là mối quan hệ hai chiều có tác động qua lại lẫn nhau.
Ông Bùi Tiến Thành, Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) thông tin, thành phố đang rà soát việc lập, trình phê duyệt quy hoạch chi tiết và triển khai đầu tư xây dựng 5 khu nhà ở xã hội tập trung đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về nguyên tắc, trên cơ sở đó lựa chọn chủ đầu tư. Việc đầu tư dự án được thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Ngoài ra, có thể triển khai đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, vay Quỹ đầu tư phát triển thành phố, hoặc sử dụng nguồn tiền đã thu được từ quỹ đất của các dự án nhà ở thương mại.
Theo báo Thời nay