Thành phố Tuy Hòa nằm ở trung tâm của tỉnh Phú Yên, ngay cửa sông Đà Rằng. Thành phố có sân bay Tuy Hòa và là nơi sở hữu bãi biển đẹp và dài nhất miền trung. Để tạo điều kiện cho Tuy Hòa phát triển, khai thác hết lợi thế về tiềm năng và vị thế địa lý, việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Tuy Hòa và khu vực phụ cận tỉnh Phú Yên đến năm 2040 là rất cần thiết. Việc này cũng phù hợp với quá trình đô thị hóa của Phú Yên và của cả vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Thành phố Tuy Hòa với cửa biển và sông Đà Rằng. Ảnh nguồn internet
Bên cạnh những nội dung đồ án đã đạt được, KTS. Trần Ngọc Chính, chủ tịch Hội Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam đã góp ý một số nội dung cần nghiên cứu thêm như sau:
1. Là đô thị biển, tiềm năng về phát triển kinh tế du lịch của Tuy Hòa và vùng ven biển Phú Yên là rất rõ. Do đó, cần lấy thành phố trung tâm làm động lực phát triển du lịch cho cả vùng. Gần đây, chỉ một địa danh trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” ở phía Bắc thành phố đã thu hút du khách đến thăm và ngưỡng mộ. Ở phía Nam, cách thành phố Tuy Hòa không xa, còn có Mũi Điện -“Nơi đón ánh bình minh đầu tiên của tổ quốc”. Vì vậy công tác xúc tiến du lịch cũng cần có kịch bản cho nội dung này. Nếu làm tốt, Tuy Hòa sẽ là một điểm đến để cảm nhận thành phố “Đón ánh bình minh đầu tiên” của Việt Nam.
2. Về giao thông: theo quy hoạch, Tuy Hòa có đường cao tốc và đường sắt cao tốc quốc gia. Khi có đường cao tốc quốc gia đi về hướng tây của thành phố, đường QL1A đoạn qua thành phố sẽ là đường chính trong đô thị. Do vậy, việc quy hoạch mặt cắt cho tuyến quốc lộ 1A trên từng đoạn tuyến phải được xem xét, phù hợp với chức năng đô thị và cảnh quan của từng đoạn tuyến.
– Ga đường sắt cao tốc qua Tuy Hòa được quy hoạch về phía Nam thành phố (phía Tây sân bay Tuy Hòa). Trong quy hoạch này tư vấn chưa đề xuất tuyến đường sắt đi Tây Nguyên, bởi thế phải xem xét ga Lập Tàu kết hợp với ga Tuy Hòa để hướng về Tây Nguyên theo quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải.
– Tuy Hòa trong tương lai là thành phố du lịch biển quan trọng của quốc gia. Do đó cần phải có quy hoạch và thiết kế một cảng du thuyền có không gian lớn (có thể có đê chắn sóng), để tạo điều kiện cho các loại du thuyền hiện đại hoạt động. Không gian hoạt động của du thuyền ở Tuy Hòa là rất đa dạng, với phía Bắc có Quy Nhơn, vịnh Xuân Đài, ghềnh Đá Đĩa, đàm Ô Loan,… phía Nam có Mũi Điện – Vũng Rô – Vân Phong,…). Cần phải xem xét cảng du thuyền tại cửa Đà Rằng là một dự án quan trọng cho sự phát triển du lịch hướng biển và tầm vóc của đô thị biển quốc tế.
– Sân bay Tuy Hòa là sân bay dân dụng và có ý nghĩa quân sự. Bởi vậy, cần có quy hoạch tốt nhất cho sân bay này khi không còn mở rộng được. Phải tính toán đến giai đoạn phát triển lên 5-7 triệu hành khách/năm và bảo đảm đón các loại máy bay quốc tế.
- Hướng đô thị loại I
Để hướng tới mục tiêu Tuy Hòa là đô thị loại I trong thời gian 2021-2030, tư vấn phải xem xét và phân tích kỹ hơn hiện trạng kinh tế xã hội và phát triển đô thị. Nhất là tài nguyên kinh tế biển phục vụ mục tiêu đô thị hướng biển, đô thị du lịch biển tầm quốc gia (nội dung này chưa được nhấn mạnh).
– Để tạo được sự hấp dẫn cho đô thị biển quan trọng này – tư vấn cần làm nổi bật một số địa danh quan trọng mang tính địa lý, văn hóa lịch sử, như núi Nhạn, núi Chóp Chài, sông Đà Rằng, hạ lưu sông Ba nổi tiếng, bãi biển dài, đẹp với cát trắng mịn, trong xanh quanh năm kết nối với các thắng cảnh nổi tiếng của thành phố và của vùng ,để tôn tạo và nhấn mạnh trong bố cục không gian cảnh quan của đô thị.
– Phải làm rõ hơn diện tích mở rộng không gian đô thị, phát triển du lịch, dịch vụ theo các tuyến đường Đông – Tây hướng ra biển, tạo lập các khu chức năng chuyên ngành hướng đến kinh tế biển và kinh tế ban đêm, cần có các trục đi bộ hướng biển, để tạo nên sự sầm uất của đô thị, nhằm phục vụ khách du lịch với các giá trị văn hóa truyền thống, ẩm thực, lễ hội và giao tiếp cộng đồng,…
- Tổ chức không gian kiến trúc đô thị
Tuy Hòa có điều kiện để xây dựng một đô thị biển hiện đại, văn minh và đầy quyến rũ. Bên cạnh bờ biển đẹp, còn có sông Đà Rằng và cửa biển cho đô thị này thêm vẻ đẹp thơ mộng. Bởi thế, ngoài tổ chức không gian kiến trúc đô thị dọc bờ biển với nhiều quảng trường, thì không gian đô thị hai bên bờ sông Đà Rằng phải được xem là quan trọng. Nối phía Bắc và Nam sông Đà Rằng bằng những chiếc cầu, đường dạo hai bên sông và tổ chức các không gian chức năng đô thị khác cần nghiên cứu thêm. Khu đô thị mới phía Nam sông Đà Rằng kết hợp với sân bay Tuy Hòa phải được nghiên cứu sâu hơn, với tính chất một đô thị sinh thái, xanh, thông minh và phát triển bền vững.
- Một số ý kiến khác
Bảy phân khu đã được tổ chức trong quy hoạch đô thị Tuy Hòa, nhưng phải làm rõ hơn sự khác biệt của các phân khu. Cần làm rõ các công trình kiến trúc biểu tượng, khu vực xây dựng cao tầng, khu vực nhà vườn, khu vực ven biển, khu vực thương mại dịch vụ,… Địa điểm xây dựng công trình cao tầng phải được lựa chọn, xây dựng nén, tiết kiệm hạ tầng, nhưng tạo được điểm nhấn đô thị và tạo được không gian kiến trúc hiện đại và bản sắc.
– Là đô thị loại I trong tương lai, sơ đồ hệ thống giao thông công cộng cần được nghiên cứu thêm. Cần chuẩn bị hành lang cho các phương tiện giao thông hiện đại, với tỷ lệ phù hợp cho giao thông tĩnh. Cần có bãi đỗ ô tô ngầm trong khu thương mại, dịch vụ.
– Đối mặt với biến đổi khí hậu, Tuy Hòa còn phải đối mặt với nước biển dâng. Vì vậy, đánh giá môi trường chiến lược cần phải có dự báo và xem xét đến cao độ cho phù hợp. Cần xem xét thêm thời kỳ quy hoạch; điều chỉnh quy hoạch xây dựng thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.