Tại hội thảo “Phát huy giá trị không gian khảo cổ học tại Hoàng Thành Thăng Long” – nằm trong chuỗi sự kiện Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam – Pháp, nhiều chuyên gia đưa ra phương án khôi phục không gian Chính điện Kính Thiên.
heo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, từ năm 2011 đến nay, Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội thực hiện tốt các công tác về di sản thế giới, đặc biệt là thực hiện 8 cam kết của Thủ tướng Chính phủ với Ủy ban Di sản Thế giới về Khu di sản trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.
Các dự án trọng điểm của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội giai đoạn 2021-2025 bao gồm: Dự án Bảo tồn khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, xây dựng Bảo tàng trưng bày tại chỗ; Dự án Khu trưng bày Hoàng cung Thăng Long và Dự án phục dựng Điện Kính Thiên.
“Dự án phục dựng Điện Kính Thiên được nghiên cứu bảo tồn bằng hình thức khác một số công trình kiến trúc thời cận hiện đại trong khu vực trên nguyên tắc không làm suy giảm hoặc thay đổi giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản” – ông giám đốc cho biết.
Điện Kính Thiên là kiến trúc quan trọng bậc nhất của kinh đô Thăng Long thời Lê sơ, Mạc và Lê Trung hưng, khởi dựng từ năm 1428 đời vua Lê Thái tổ, nơi đặt ngự tọa của Hoàng đế Đại Việt. Tại đây, Hoàng đế cử hành các đại điển lễ của triều đình như lễ đăng cơ, thiết triều, nghị bàn quốc gia đại sự, điện thí, tuyên cáo thắng trận, tiếp đón sứ thần. Do đó điện Kính Thiên là biểu trưng cao nhất của quyền lực quốc gia Đại Việt xuyên suốt 4 thế kỷ (XV – XVIII).
Rồng đá điện Kính Thiên được xây dựng năm 1467, thuộc dòng rồng Đế vương có năm móng. Là di sản kiến trúc tuyệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê Sơ. Nguồn: congthuong.vn
Trải qua thăng trầm lịch sử kiến trúc đã bị phá hủy toàn bộ chỉ còn lại khu nền cao hơn 2 m và 2 bộ lan can đá thềm bậc ở chính giữa mặt nam và góc tây bắc. Các cuộc khảo sát, khai quật tại đây từ năm 2011 – 2022 đã mở ra những hiểu biết mới về chính điện Kính Thiên và không gian điện Kính Thiên qua hệ thống di tích, di vật.
Tuy nhiên, cấu trúc mặt bằng và phân gian kiến trúc điện Kính Thiên vẫn là câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. “Bởi vậy, chúng tôi căn cứ vào các nguồn sử liệu để nghiên cứu quá trình xây dựng, cấu trúc nền móng và phân gian kiến trúc của các chính điện triều Lý, Trần, Hồ, Lê (Lam Kinh) và Nguyễn, từ đó đưa ra hướng nghiên cứu tìm hiểu về cấu trúc mặt bằng điện Kính Thiên. Kết quả nghiên cứu góp phần nhỏ bé hướng tới việc nghiên cứu, phục hồi Chính điện Kính Thiên và Không gian Chính điện Kính Thiên thời Lê trong khu di sản Thế giới Hoàng Thành Thăng Long” – tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Hội Sử học Hà Nội cho biết.
Lính Pháp chụp ảnh bên thềm điện Kính Thiên trong thời gian đồn trú tại đây (Ảnh trên do bác sĩ Charles – Edouard Hocquard chụp giai đoạn 1884 -1885)
Để có thêm cứ liệu phục dựng điện Kính Thiên, tiến sĩ Sơn cho rằng, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu trên tất cả các lĩnh vực: Khảo cổ học, sử học, kiến trúc, mĩ thuật… Trước hết, cần làm rõ quy mô cấu trúc của chính điện, việc này cần đẩy mạnh công tác khảo cổ học ở khu vực này bao gồm sân Long Trì – Đan Trì, khu vực thềm Rồng, khu vực nhà N31, N33 và khu nhà CT23, CT26 nhằm làm rõ nền móng và phân gian của chính điện Kính Thiên.
Công tác nghiên cứu cần đẩy mạnh hơn với việc hình thành các nhóm nghiên cứu chuyên sâu theo các nhóm vấn đề giống như khuyến nghị trong Văn kiện Nara 1994 gồm: Hình thức và thiết kế, vật liệu và chất liệu, cách sử dụng và chức năng, truyền thống và kỹ thuật, vị trí và nơi dựng lập, tinh thần và cách thể hiện và những nhân tố khác bên trong và bên ngoài di sản.
Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428 đời Vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời Vua Lê Thánh Tông. Điện Kính Thiên được xây dựng trên núi Nùng, ngay trên nền cũ của cung Càn Nguyên – Thiên An thời Lý, Trần.
Lấy Càn Nguyên đặt tên cho điện coi chầu, Lý Thái Tổ đã chọn đúng trung tâm của trời đất đặt ngai vàng trị nước, sau các vua nhà Lý, các vua nhà Trần, nhà Lê đã cho xây dựng hệ thống thành lũy tại đây. Khu vực quan trọng là Cấm Thành hay còn gọi Long Thành, trung tâm là điện Càn Nguyên, Thiên An thời Lý – Trần, điện Kính Thiên thời Lê.
Từ năm 1788, khi Vua Quang Trung đóng đô ở Phú Xuân – Huế và sau đó nhà Nguyễn (1802 – 1945) cũng định đô tại đây thì thành Thăng Long trở thành trụ sở của Trấn Bắc Thành.
Năm 1805, Vua Gia Long cho xây dựng khu vực này làm hành cung để vua sử dụng mỗi khi các vua nhà Nguyễn “Bắc tuần”. Tên Thành cổ Hà Nội xuất hiện từ năm 1831, khi Vua Minh Mạng thực hiện cuộc cải cách hành chính lớn, thành lập các tỉnh, trong đó có tỉnh Hà Nội. Thành Hà Nội là trụ sở của tỉnh Hà Nội.
Thời Pháp thuộc, vào cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp phá bỏ hành cung Kính Thiên và xây dựng trụ sở chỉ huy pháo bipjnh tại đây. Ngôi nhà này được gọi là nhà Con Rồng hay còn gọi là Long Trì, do phía trước và sau đều có rồng đá chầu.
Sau ngày 10/10/1954, khi quân ta vào tiếp quản Thủ đô, khu vực này trở thành nơi làm việc của Bộ Quốc phòng. Năm 2004, Bộ Quốc phòng bàn giao lại một phần diện tích khu vực trung tâm Thành cổ Thăng Long cho UBND thành phố quản lý./.
Tổng hợp từ nguồn laodong.vn và congthuong