Để có đủ không gian bố trí tháp làm mát, thông gió của ga ngầm C9, Dự án sẽ lấy thêm 25 m2 từ phần đất của UBND thành phố Hà Nội cho việc mở rộng diện tích công trình phụ trợ.
Phương án điều chỉnh ga ngầm C9 được lựa chọn. Ảnh: MRB
Trong văn bản gửi Thủ tướng, UBND Hà Nội cho biết trên cơ sở phân tích, đánh giá các ưu nhược điểm cụ thể của các phương án, cùng ý kiến trao đổi thống nhất của các bộ, ngành Trung ương, thành phố đã chọn được phương án đề xuất để bố trí ga ngầm C9.
Theo đó, Hà Nội đề xuất nghiên cứu bố trí ga C9 ra ngoài Vùng bảo vệ II của di tích Hồ Hoàn Kiếm. Thiết kế ga xếp chồng 4 tầng, có 2 cửa lên xuống với kết cấu thân ga dài 202,4 m, rộng 15 m, sâu 31 m, trùng với ranh giới vùng bảo vệ II.
Ngoài ra, một phần ke ga và thân nhà ga nằm trong đường cong bán kính 800 m bên dưới đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và trụ sở HĐND-UBND Hà Nội.
UBND Hà Nội cho biết để có đủ không gian bố trí tháp làm mát, thông gió cao 13 m và phòng máy phát điện, cần phải mở rộng diện tích công trình phụ trợ tại đất của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội lên 705 m2, tăng 260 m2 so với phương án đề xuất ban đầu. Đồng thời, dự án sẽ lấy thêm 25 m2 phần đất của UBND thành phố để đảm bảo thi công.
Tuyến hầm kết nối giữa ga C8 trên đường Phan Đình Phùng đến ga C9 ở đường Đinh Tiên Hoàng dự kiến đi qua các tuyến phố: Hàng Đào, Hàng Bạc, Gia Ngư, Đinh Liệt, Cầu Gỗ, Hồ Hoàn Kiếm.
UBND Hà Nội cho biết phương án trên phù hợp các quy hoạch chung và quy hoạch phân khu đô thị; đảm bảo tính khả thi về kỹ thuật và công nghệ, tuân thủ pháp luật về di sản văn hóa, giải quyết được các kiến nghị của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và Bộ VHTT&DL.
Về nhược điểm, việc điều chỉnh thiết kế ga C9 và đoạn tuyến làm tăng thêm chi phí xây dựng khoảng 500 tỷ đồng, tăng chi phí vận hành bảo dưỡng và kém thuận lợi cho hành khách.
Trên cơ sở ý kiến thống nhất của các bộ liên quan và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, UBND Hà Nội xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng xem xét, chấp thuận phương án vị trí, tổng mặt bằng ga ngầm C9 theo phương án trên.
Trước đó, nhiều tranh luận quanh đặt vị trí nhà ga C9 tuyến đường sắt đô thị số 2. Ảnh: Việt Hùng
Đây là cơ sở để hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo. Sau đó thành phố tiếp tục trình hồ sơ để Thủ tướng xem xét và quyết định.
Hồi tháng 3, UBND Hà Nội đã thống nhất phương án quy hoạch tổng thể mặt bằng ga C9 để làm cơ sở hoàn chỉnh hồ sơ, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo.
Gần 9 năm qua, dự án vẫn loay hoay ở khâu phê duyệt quy hoạch. Vị trí các ga khác đã được phê duyệt từ lâu, nhưng riêng ga C9 vẫn bế tắc do nằm sát di tích hồ Hoàn Kiếm.
Theo Zingnew.vn