Chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ, đoạt “GIẢI ĐẶC BIỆT” Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022. Đây là một trong những sự kiện chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử: 7/5/1954-7/5/2024,
Các lãnh đạo Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên cắt băng lễ gắn biển công trình.
“Đền thờ Liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ” là công trình nằm trên di tích đồi F – một trong 45 điểm di tích thành phần thuộc quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Công trình được khởi công xây dựng ngày 13/3/2021 (trùng với ngày 67 năm trước – 13/3/1954 – bộ đội ta đánh trận mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ vào cánh cửa thép Him Lam). Sau hơn một năm nỗ lực thi công, công trình đã hoàn thành vào ngày 18/5/2022.
Việc xây dựng, quy hoạch khu “Đền thờ Liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ” đã tạo sự kết nối liên hoàn và hoàn chỉnh cho tổng thể khu vực tưởng niệm và di tích lịch sử chung quanh như: Đồi A1, Nghĩa trang liệt sĩ A1, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ…
Công trình là điểm nhấn đặc biệt quan trọng, được xây dựng trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt “Chiến trường Điện Biên Phủ” cùng với đặc trưng về sinh thái, cảnh quan, môi trường, văn hóa nhân văn.
Giới thiệu về thiết kế, kiến trúc “Đền thờ Liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ” trên đồi F, ông Nguyễn Thành Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Điện Biên, cho biết: Tổng thể không gian Đền thờ trên di tích đồi F có diện tích gần 0,5ha, thiết kế kế thừa bố cục kiến trúc truyền thống với nhiều lớp không gian, bố cục thắt mở được chia thành 3 không gian chính: Không gian dẫn nhập (từ vị trí cổng vào đến Sân dẫn nhập); Không gian tưởng niệm (gồm sân tĩnh tâm và Hồ tưởng niệm); Không gian tâm linh – Đền thờ chính.
Xen kẽ kết nối giữa các không gian chính là các đường dẫn chuyển tiếp cao độ, các sườn đồi trồng hoa và tiểu cảnh. Các không gian này có tác dụng dẫn dắt cảm xúc, đưa tâm trạng của du khách từ cuộc sống đương đại dần trở về với quá khứ lịch sử hào hùng của dân tộc.
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho biết: Kiến trúc công trình “Đền thờ Liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ” trên đồi F có ý tưởng sáng tạo và độc đáo; có công năng phù hợp với tính chất và chức năng sử dụng; công trình vừa mang đậm bản sắc văn hóa địa phương vừa thể hiện được tính hiện đại, trang nghiêm, linh thiêng xứng tầm với Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Công trình thể hiện sự tri ân, tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước đối với các anh hùng, liệt sĩ và người dân đã tham gia vào Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Biển đồng “GIẢI ĐẶC BIỆT” được gắn tại Đền thờ Liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ” trên đồi F.
Việc Hội đồng Giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia trao giải thưởng đặc biệt và tổ chức gắn biển vàng cho công trình “Đền thờ Liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ” trong hệ thống khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt là một hoạt động thiết thực, như một nén tâm nhang kính dâng các anh hùng, liệt sĩ của Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Giải thưởng Quy hoạch đô thị Quốc gia do Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam thành lập; giải thưởng được tổ chức hai năm một lần, đến nay đã qua ba kỳ tổ chức thành công. Giải thưởng đã thực sự trở thành một danh hiệu có ý nghĩa trong hệ thống Giải thưởng Quốc gia về lĩnh vực quy hoạch xây dựng, nhằm tôn vinh và tạo động lực cho các nhà quy hoạch, các nhà quản lý đô thị, các kiến trúc sư, các doanh nghiệp đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển đô thị Việt Nam./.
Theo baonhandan