Liên kết vùng: Giải pháp có thể ‘biến nguy thành cơ’ để thúc đẩy phát triển kinh tế

Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, vấn đề liên kết vùng càng trở thành vấn đề cấp bách. Đây chính là dịp để có thể “biến nguy thành cơ” trong việc nghiên cứu và đưa ra các giải pháp để thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, nhằm đưa kinh tế TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía nam tiếp tục có bước phát triển mới.

Vùng Kinh tế trọng điểm phía nam (Vùng KTTĐPN) gồm 8 tỉnh, thành phố (TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang) dù diện tích chiếm 9,23% và dân số chiếm 22,17% dân số của cả nước (số liệu năm 2019), nhưng đây là vùng kinh tế năng động, đầu tàu phát triển, có đóng góp quan trọng cho nguồn thu ngân sách, giá trị xuất khẩu và đầu tư nước ngoài của cả nước.

TPHCM là trung tâm và là hạt nhân của Vùng KTTĐPN trên nhiều khía cạnh. Sự phát triển kinh tế lan tỏa của Sài Gòn-TPHCM đã tồn tại và phát triển từ hàng trăm năm qua, gắn kết với vùng Nam Bộ, các địa phương trong nước và nước ngoài. Do vậy, dưới góc độ liên kết phát triển kinh tế vùng thì TPHCM luôn có vai trò trung tâm, là điểm kết nối hết sức quan trọng giữa các địa phương trong và ngoài vùng.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 4/2021 đến nay, diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 ở TPHCM và các địa phương đã bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh tế-xã hội ở hầu hết các địa phương trong Vùng. Dưới góc độ Vùng KTTĐPN, có thể nhận thấy tình hình dịch bệnh và tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế-xã hội giữa các địa phương có mối quan hệ chặt chẽ. Điều này có thể khái quát qua một số biểu hiện và tác động chủ yếu dưới đây.

Thứ nhất, khi dịch bệnh lan rộng tại TPHCM, mối liên kết giữa Thành phố với các địa phương trong Vùng đã bắt đầu xuất hiện bất cập, thiếu đồng bộ do các địa phương thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh. Những bất cập này là điều khó tránh khỏi khi các địa phương chưa chủ động được việc phối hợp chống dịch theo quy mô vùng.

Thứ hai, khi dịch bệnh bùng phát ở TPHCM và lan rộng sang các địa phương trong Vùng, việc sản xuất kinh doanh gặp khó khăn không chỉ ảnh hưởng đến tình hình KT-XH của các địa phương mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của cả nước. Bởi vì TPHCM và “Tứ giác kinh tế Đông Nam Bộ” là hạt nhân của Vùng KTTĐPN, là “đầu tàu” trong xuất khẩu của Việt Nam. Các địa phương này luôn có tốc độ tăng trưởng cao, giá trị sản xuất công nghiệp luôn giữ được mức tăng trưởng ổn định qua nhiều năm. Sự đình trệ sản xuất kinh doanh do dịch bệnh còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường xuất khẩu của Vùng.

Thứ ba, Vùng KTTĐPN, trước hết là “Tứ giác kinh tế Đông Nam Bộ”, còn là nơi tập trung các khu công nghiệp lớn, thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước. Đây cũng là địa bàn có rất nhiều hàng hóa xuất nhập qua cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, hàng hóa vận chuyển qua lại giữa Đồng Nai và TPHCM. Do các địa phương thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và các biện pháp phòng chống dịch bệnh nên chuỗi cung ứng hàng hóa đầu vào – đầu ra đều bị ảnh hưởng.

Thứ tư, nhu cầu thiết yếu về lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại TPHCM đã trở nên khó khăn ở khâu tiêu thụ, vận chuyển. Giá cả có xu hướng tăng cục bộ khi hệ thống siêu thị không đủ cung ứng, chợ truyền thống bị đóng cửa…

Thứ năm, hàng chục ngàn người dân, trong đó có một bộ phận khá lớn là công nhân, lao động có tay nghề tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất,… di chuyển về các địa phương vừa ảnh hưởng đến việc kiểm soát dịch bệnh, vừa ảnh hưởng đến lực lượng lao động…

Trong bối cảnh đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 86, xác định mục tiêu khống chế, kiểm soát dịch bệnh. Đây là phương án lạc quan thể hiện quyết tâm của Chính phủ và nhân dân trong việc ngăn chặn, đầy lùi dịch bệnh nhanh nhất, sớm nhất có thể.

Theo mục tiêu đó, các chính sách, biện pháp kiểm soát, đầy lùi dịch bệnh, thực hiện “mục tiêu kép” (ưu tiên bảo vệ sinh mạng, sức khỏe của người dân là trước hết, trên hết) của TPHCM và Vùng KTTĐPN có thể xem xét ở một số khía cạnh sau:

Thứ nhất, giải pháp chống dịch phải có tính liên kết, phối hợp giữa các địa phương trong Vùng. Trước hết, các địa phương cần chủ động xác định khu vực vùng dịch giữa các địa phương ở các mức độ, phạm vi khác nhau. Lãnh đạo tỉnh, thành phố cần có cơ chế phối hợp trong kiểm soát dịch bệnh cũng như cùng tháo gỡ khó khăn trong thực hiện mục tiêu kép. Bên cạnh đó, công tác thông tin về các ca lây nhiễm, các yếu tố dịch tễ cũng như các điều kiện về nhân lực, thiết bị y tế giữa các địa phương cũng cần có sự tiếp cận, cập nhật tổng thể theo liên tỉnh, theo vùng. Điều này cho phép các địa phương có cái nhìn tổng thể hơn về vùng dịch và có phương án hỗ trợ nhau trong việc chữa trị người bệnh cũng như sử dụng nguồn lực y tế.

Thứ hai, trên cơ sở đảm bảo tốt 5K, các địa phương phải duy trì được chuỗi cung ứng và phân phối sản phẩm thiết yếu nhằm đảm bảo đời sống của người dân, đồng thời giải quyết đầu ra cho nông sản, thực phẩm ngay tại địa phương mình, đáp ứng yêu cầu an sinh, an dân. Để khắc phục ách tắc và khơi thông chuỗi cung ứng hàng hóa đầu vào – đầu ra giữa các địa phương, cần có cơ chế phối hợp thống nhất giữa chính quyền các tỉnh, thành phố trong Vùng, có thể theo các mức độ, tùy vào yêu cầu thực tiễn. Chẳng hạn cơ chế phối hợp, thống nhất giữa các địa phương trong tứ giác Vùng (TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu), giữa các địa phương trong Vùng KTTĐPN, giữa các địa phương trong Vùng với địa phương ngoài Vùng (Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ,..).

Thứ ba, ưu tiên thực hiện các biện pháp duy trì sản xuất đối với các ngành sản xuất hàng hóa xuất khẩu, giảm đến mức thấp nhất của việc gãy khúc chuỗi xuất khẩu tại các thị trường bên ngoài. Cấp tỉnh, thành phố cần cử cán bộ trực tiếp theo dõi hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ, giải quyết các vấn đề y tế, an sinh… liên quan. Cần thiết lập đường dây nóng của cấp điều phối Vùng để kịp thời giải quyết các gút mắc của doanh nghiệp, trước hết là chuỗi cung ứng.

Thứ tư, thực hiện nhanh chóng và có hiệu quả các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Thứ năm, có biện pháp nâng cao ý thức, nguồn lực của doanh nghiệp, người dân tham gia phòng chống dịch bệnh (xét nghiệm, tiêm vaccine, tự chủ trong việc bảo đảm an toàn sản xuất kinh doanh…).

Thứ sáu, hỗ trợ các doanh nghiệp trở lại sản xuất kinh doanh, chủ động điều chỉnh kế hoạch, cơ cấu lĩnh vực sản xuất kinh doanh nhằm đón bắt cơ hội phát triển trong giai đoạn hậu COVID-19…

Thực tế cho thấy, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, vấn đề liên kết vùng càng trở thành vấn đề cấp bách. Đây chính là dịp để có thể “biến nguy thành cơ” trong việc nghiên cứu và đưa ra các giải pháp để thúc đẩy liên kết kinh tế vùng nhằm đưa kinh tế TPHCM và Vùng KTTĐPN tiếp tục có bước phát triển mới.

PGS.TS Nguyễn Chí Hải (rưởng Khoa Kinh tế, ĐH Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM)

Nguồn: baochinhphu

 

Bài viết cũ hơn