Sáng ngày 26/3, Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) phối hợp cùng Viện Kiến trúc quốc gia và Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam trong bối cảnh mới”. Hội thảo nhằm lấy ý kiến của giới chuyên môn, chính quyền địa phương và các hội nghề nghiệp, để xây dựng định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và xác định các giải pháp hiệu quả cần thực hiện trong tình hình mới.
Bà Trần Thu Hằng- Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc phát biểu khai mạc hội thảo
Hội thảo tập trung đóng góp ý kiến xây dựng nội dung định hướng trên cơ sở phân tích những kết quả đã đạt được, những tồn tại, bất cập, chưa đạt được về một số mục tiêu của Định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam đến năm 2020 (Quyết định số 112/2002/ QĐ-TTg).
Các tham luận cũng đề cập đến một số vấn đề có tác động đến định hướng phát triển kiến trúc hiện nay như công nghệ 4.0, biến đổi khí hậu, kiến trúc xanh, đô thị thông minh, phát triển đô thị bền vững, ứng phó với dịch bệnh, vấn đề toàn cầu hóa… Các vấn đề này đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển kiến trúc của Việt Nam và thế giới. Các đề xuất đã có những thay đổi và dần dần tiệm cận với xu thế kiến trúc hiện đại, tiên tiến.
Trong bối cảnh kinh tế – xã hội trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi, Việt Nam cần xác định thêm những mục tiêu mới và giải pháp mới để nền kiến trúc phát triển bền vững trong quá trình hội nhập. Dự thảo khung định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam lần này tập trung vào một số nội dung về tiêu chuẩn thiết kế kiến trúc đô thị, nông thôn, bảo tồn tôn tạo di sản; lý luận phê bình; đào tạo, hợp tác, nghiên cứu và tăng cường quản lý kiến trúc…
Chủ tịch Hội Quy hoạch PTĐT VN: Việt Nam cần xác định thêm những mục tiêu mới và giải pháp mới để nền kiến trúc phát triển bền vững trong quá trình hội nhập
Các ý kiến đều thống nhất: trong bối cảnh mới, kiến trúc cần sự phát triển đa dạng nhưng không hỗn tạp, cần sự phong phú nhưng vẫn phải mang những yếu tố bản sắc đặc trưng riêng của quốc gia, vùng miền. Cùng với đó, kiến trúc vẫn có quan hệ chặt chẽ với các yếu tố bản địa như khí hậu, môi trường, tự nhiên và cộng đồng con người ở nơi được xây dựng. Hơn lúc nào hết, các vấn đề phát triển đô thị bền vững, đô thị thông minh, đô thị xanh với các xu hướng kiến trúc sinh thái, chú trọng sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường… phải trở thành những mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong sự phát triển của các quốc gia. Các ứng dụng khoa học công nghệ cần được phát triển không ngừng, và ngày càng được ứng dụng sâu rộng trong lĩnh vực kiến trúc – xây dựng.
Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam được xây dựng và ban hành trong thời gian tới sẽ cụ thể hóa các nội dung của Luật Kiến trúc và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, Đây sẽ là cơ sở để tiến tới xây dựng một nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Thanh Ý (nguồn moc.gov.vn)