Quảng Nam: Giải pháp nào để phát triển đô thị ven sông, ven biển theo hướng sinh thái bền vững.

Sáng ngày 25/6, UBND tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam tổ chức hội thảo “Quy hoạch xây dựng đô thị ven biển, ven sông tỉnh Quảng Nam theo hướng sinh thái bền vững”. Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu, đặc biệt, 19 ý kiến tham luận tại hội thảo của các chuyên gia đầu ngành, giàu kinh nghiệm về quy hoạch và phát triển đô thị bền vững, đã mang đến cho Quảng Nam những ý tưởng và giải pháp để góp phần hiện thực hóa định hướng phát triển đô thị của mình.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhấn mạnh: “Đô thị là khu vực đóng góp GDP lớn nhất cho tỉnh, đặc biệt là vùng có lợi thế ở ven sông, ven biển; nếu được quy hoạch, phát triển đúng hướng, bền vững, sẽ giúp Quảng Nam đi trước, đón đầu nhịp độ phát triển”. Ông mong muốn thông qua hội thảo này sẽ được  nghe những ý kiến tâm huyết từ các chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, đóng góp cho công tác quy hoạch xây dựng đô thị của tỉnh trong tương lai. “Đây sẽ là nguồn tư liệu có độ tin cậy cao về vấn đề phát triển đô thị, đặc biệt là phát triển đô thị ven biển, ven sông trên địa bàn Quảng Nam theo hướng sinh thái và bền vững“.
KTS. Trần Ngọc Chính – Chủ tịch VUPDA, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đồng chủ trì hội thảo (từ trái sang phải)
KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA) cũng nhận định trong phát biểu dẫn đề: “Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch của tỉnh Quảng Nam, trong thời gian qua đã đi đúng hướng và tạo nên bộ mặt khởi sắc. Tuy nhiên, công tác này còn rất nhiều nội dung cần phải làm, Quảng Nam còn nhiều tài nguyên thiên nhiên, đất đai… chưa được khai thác hiệu quả cho sự phát triển… Vì vậy, hội thảo này sẽ bàn về việc đó”.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: “Một vấn đề rất quan trọng được đặt ra trong Quy hoạch tỉnh Quảng Nam, đó là vấn đề quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Quảng Nam như thế nào. Chính vì thế mà Tỉnh đã phối hợp với Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam tổ chức hội thảo này, là một hội thảo chuyên sâu để bàn về những thời cơ thuận lợi, những khó khăn, thách thức đối với quy hoạch và phát triển đô thị tỉnh Quảng Nam trong mối quan hệ với các đô thị vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”.

Chủ tich tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh đến một số vấn đề mà Quảng Nam đang quan tâm, cần ý kiến tham luận của Hội thảo, đó là ở khu vực tiếp giáp với Đà Nẵng cho đến Quảng Ngãi, có những đô thị hiện hữu mang tính đặc thù, Ví dụ như đô thị Điện Bàn, tiếp giáp với Đà Nẵng, với tính chất địa lý của nó, đây như là một không gian mở rộng về phía Nam của của Đà Nẵng, mở rộng về phía Bắc của Hội An, không thể khác được. Với vị trí của Hội An, phía Nam có sông Thu Bồn, nên muốn mở rộng để giảm tải cho đô thị di sản này thì chỉ có thể mở rộng về hướng Bắc và Tây Bắc, tức là khu vực của đô thị Điện Bàn.

Vấn đề thứ 2 là đô thị cổ Hội An, “hiện nay Hội An đang là một đô thị nén, vùng lõi của đô thị di sản này đang chịu tải rất lớn, có thể nói là lớn nhất nước. Vậy làm thế nào để giải quyết được vấn đề bảo tồn đô thị cổ Hội An, đồng thời giải quyết được sự quá tải về dân cư ở khu vực lõi phố cổ cũng như sự cần thiết phát triển của đô thị? Đây là những vấn đề cần các chuyên gia nghiên cứu, đề xuất giải pháp…. nếu không, chính sự phát triển mạnh mẽ của du lịch, chính sự phát triển nội tại của nơi đây sẽ làm gia tăng quá trình hủy hoại đô thị di sản này!”.

Việc phát triển của các đô thị Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành… với những tiềm năng, lợi thế ven biển và những thách thức… cũng được người đứng đầu tỉnh đặt ra trong hội thảo.

Tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học, quản lý, đại diện lãnh đạo các ban, ngành trung ương đã tập trung thảo luận, phân tích một số nội dung: Xác định vai trò, vị thế và tầm nhìn phát triển của đô thị khu vực duyên hải Miền Trung trong phát triển kinh tế – xã hội và an ninh quốc phòng của các địa phương; Đánh giá thực trạng quy hoạch, quản lý phát triển đô thị ven biển, ven sông kết nối liên vùng theo hướng phát triển bền vững; Bài học kinh nghiệm về phát triển đô thị ven viển của quốc tế; Xu hướng quy hoạch và phát triển không gian đô thị ven biển của khu vực duyên hải Miền Trung và tỉnh Quảng Nam…

PGS. TS. Trần Đình Thiên – Thành viên Ban Tư vấn Chính phủ, nhấn mạnh rằng: Quảng Nam muốn phát triển cần đổi mới tư duy ngay từ khi đặt ra mục tiêu, tầm nhin phát triển và cần tập trung mũi nhọn vào phát triển đô thị với việc phát huy các thế mạnh riêng của nó. “Tới đây, Quảng Nam phải đặt ra trong quy hoạch đô thị ven biển là đặt các đô thị như một thế lực cạnh tranh toàn cầu. Ví dụ với đô thị Chu Lai, đã có hạ tầng hiện đại như vậy thì tại sao ngay từ đầu không đặt mục tiêu nó sẽ là một siêu đô thị trong 15 hay 20 năm nữa? Có tư duy như vậy thì cách quy hoạch nó phải khác và như vậy mới thu hút được các “ông lớn” đến đầu tư…“.

Bên cạnh đó, ý kiến của các chuyên gia cũng đi sâu đề xuất định hướng, mô hình phát triển đô thị ven biển, ven sông theo hướng sinh thái, tăng trưởng xanh, thông minh gắn với phát triển du lịch bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các giải pháp quy hoạch, kiến trúc không gian đô thị ven biển, ven sông cũng được Hội thảo tập trung đề xuất theo xu hướng phù hợp với tự nhiên và bản sắc văn hoá địa phương. Cùng với các giải pháp phát triển, các chuyên gia là các nhà quản lý cũng đưa ra khuyến nghị vè cơ chế chính sách đặc thù, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của các đô thị ven biển, ven sông tỉnh Quảng Nam.

Chân Phương

 

Bài viết cũ hơn