Dự án Cảng hàng không Quảng Trị sẽ khởi công vào ngày 6/7, do Liên danh T&T – Cienco 4 đầu tư. Cảng hàng không Quảng Trị nằm trên địa bàn các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai, huyện Gio Linh. Dự án có quy mô hơn 265 ha, tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng, được xây dựng đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế – ICAO) và sân bay quân sự cấp II.
Phối cảnh Cảng hàng không Quảng Trị trong tương lai, tiêu chuẩn cấp 4C.
Sân bay có khả năng phát triển khai thác tàu bay Code E, đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách mỗi năm và 25.500 tấn hàng hóa mỗi năm.
Theo T&T Group, Cảng hàng không Quảng Trị được kỳ vọng sẽ giúp Quảng Trị kích cầu du lịch, kết hợp vận chuyển hàng hóa, logistics, phục vụ phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, dịch vụ thương mại, đô thị sân bay; đồng thời góp phần đảm bảo quốc phòng – an ninh; phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn….
Bên cạnh đó, sân bay Quảng Trị cũng sẽ trở thành điểm nhấn về hạ tầng giao thông, là điều kiện quan trọng thu hút doanh nghiệp trong nước và quốc tế đến đầu tư tại Quảng Trị.
“Dự án sẽ rút ngắn hành trình Bắc – Nam, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân cả nước và những gia đình có người thân, đồng đội chiến đấu, hy sinh tại chiến trường Quảng Trị; bạn bè quốc tế đến với mảnh đất, con người Quảng Trị được thuận lợi, nhanh chóng và dễ dàng hơn”, chủ đầu tư dự án nói với báo chí.
Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại Quyết định số 2148 ngày 20/12/2021 và UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 8/2023.
Quảng Trị có chi phí sống rẻ thứ 3 cả nước
Hồi tháng 3 năm nay, Tổng cục Thống kê báo cáo chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2023. Theo đó, Quảng Trị là địa phương có chỉ số giá sinh hoạt thấp thứ 3 cả nước, thấp nhất và nhì là Bến Tre và Nam Định.
Trong 6 tháng đầu 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn Quảng Trị ước tăng 5,02% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,34%; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 4,55%; khu vực dịch vụ tăng 6,14%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,97%.
Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng 20,39%; khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 31,88%; khu vực dịch vụ chiếm 43,81%; thuế trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,92% (cơ cấu tương ứng của 6 tháng đầu năm 2023 là: 22,81%; 25,81%; 47,17%; 4,21%).
Tình hình huy động vốn trên địa bàn đến ngày 31/5 đạt 38.537 tỷ đồng, tăng 5,76% so với cuối năm 2023; tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế đạt 52.405 tỷ đồng, tăng 1,54%; nợ xấu là 622 tỷ đồng, chiếm 1,19% tổng dư nợ, tăng 44,77% so với cuối năm 2023.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn từ đầu năm đến 15/6 đạt 2.014,27 tỷ đồng, bằng 51,63% dự toán địa phương, tăng 27,67% so với cùng kỳ năm trước; tổng chi ngân sách địa phương đạt 4.919,01 tỷ đồng, bằng 52% dự toán địa phương, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước tính đạt 9.347,11 tỷ đồng, tăng 3,57% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 4,04%./.
Theo cafebiz