Chiều 10-3, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chủ trì hội nghị của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho ý kiến về chủ trương hoàn thiện đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở).
Đồ quán Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được nghiên cứu có chiều dài khoảng 40km (từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở). Diện tích bao phủ trên thực tế của phân khu đô thị ước tính khoảng 11.000 ha, thuộc địa bàn 55 phường/xã, 13 quận/huyện, dân số ước tính từ 280.000 – 320.000 người. Dự kiến, sau khi thống nhất với Bộ Xây dựng về tiêu chuẩn, tiêu chí và ý kiến của Bộ NN&PTNT, thành phố sẽ phê duyệt, ban hành quy hoạch này trong tháng 6/2021.
Diện mạo mới cho Thủ đô
Tháng 6 tới đây, Hà Nội sẽ phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng. Đây là một trong những quy hoạch nhận được sự quan tâm đông đảo của người dân Thủ đô, với hi vọng sẽ giúp Hà Nội phát triển lên tầm cao mới, hiện đại, thông minh và hài hòa. Cũng theo đồ án quy hoạch, khu vực hai bên sông Hồng sẽ là trục không gian đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô, phục vụ các hoạt động bố trí lễ hội du lịch.
Đồ án quy hoạch cũng xác định nguyên tắc trong quản lý, sử dụng các bãi sông, khu vực dân cư; quy hoạch sử dụng, khai thác quỹ đất từ đê đến mặt nước; ứng xử các loại đất trong và ngoài không gian thoát lũ; về di dân, giãn dân, tái định cư được lập cụ thể trong đồ án. Bên cạnh đó, đồ án quy hoạch cũng xác định diện tích và các khu chức năng tại 8 khu vực bãi sông Hồng gồm: Tàm Xá – Xuân Canh, Long Biên – Cự Khối, Thượng Cát – Liên Mạc, Hoàng Mai – Thanh Trì, Chu Phan – Tráng Việt, Đông Dư – Bát Tràng, Kim Lan – Văn Đức, Bắc Cầu – Bồ Đề.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, quan điểm là “bất khả xâm phạm” đê sông Hồng, đường hai bên đê được xem như một đập tràn, hai đường chạy song song. Nếu xác suất nước lũ tràn qua bờ đê thì chỉ vào khu quy hoạch, không ảnh hưởng đến thành phố. Đồ án quy hoạch, các công trình hai bên sông được thiết kế với công năng chống lũ theo hướng thuận tiện, nước vào rồi ra. Việc quy hoạch thủy lợi tích hợp trong quy hoạch này hoàn toàn chấp hành Quyết định 257/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho rằng, quy hoạch có được cũng là do thay đổi cách tiếp cận, theo nguyên tắc là thuận thiên. Lấy phòng chống lũ và chỉnh trị sông Hồng là mục tiêu hàng đầu và tham khảo cả những đề án nghiên cứu của Hà Lan, Hàn Quốc. Trước đây chú trọng vào thành phố hiện đại nhà cao tầng vì thời điểm trước Hà Nội chưa được mở rộng địa giới hành chính, nên diện tích hẹp. Hiện Hà Nội đã mở rộng địa giới hành chính, bao gồm cả các huyện của Hà Tây cũ, không gian phát triển của Hà Nội rộng nên không chất tải các công trình lên dọc sông Hồng.
Đảm bảo lợi ích hài hòa
Cũng theo đồ án quy hoạch, dọc sông Hồng sẽ được bố trí trục vành đai xanh, cảnh quan đô thị, nhấn mạnh văn hóa đặc sắc, tạo không gian hài hòa để phát triển hai bên. Tuy nhiên, thực tế cư dân hai bên bờ sông Hồng chạy dọc 40km khá phức tạp, việc quản lý trật tự xây dựng, đất đai đang là điểm nghẽn.
Bí Thư Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh: “Làm sao giải quyết được những khó khăn này để thực sự biến sông Hồng thành đô thị xanh, trung tâm của thành phố? Vấn đề này không chỉ nằm trong phạm vi quy hoạch đoạn sông Hồng dài 40km mà ở cả đoạn sông Hồng chảy qua địa phận Hà Nội dài 118km. Hiện nay, thành phố đang nghiên cứu, xây dựng tích hợp cả quy hoạch đê điều, quy hoạch phòng chống lũ… để từng bước giải quyết. Sau khi quy hoạch sông Hồng chính thức được phê duyệt, thành phố sẽ có phân loại danh mục công trình cơ sở của cả người dân và tài sản công dọc tuyến này để có chính sách phù hợp”.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm (Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội) cho biết, dù là khu vực tiềm năng để Thủ đô phát triển nhưng cũng là khu vực đang đối diện với nhiều thách thức cần phải giải quyết. Đó là việc tiềm ẩn nguy cơ lũ lụt, mực nước cạn kiệt ảnh hưởng đến nguồn nước tưới phục vụ nông nghiệp cho cả vùng.
Môi trường trên dòng sông, bãi sông ngày càng suy giảm. Hiện tượng khai thác cát, đổ phế thải gây ô nhiễm môi trường. Giao thông thủy chưa phát huy khả năng. Bên cạnh đó, các khu dân cư hiện có chưa đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chưa kiểm soát được biến động dân số và chưa xác định rõ các khu dân cư ổn định, khu cần di dời để đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sống.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng nhấn mạnh, quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng là quy hoạch đa mục tiêu. Song với những thuận lợi, kinh nghiệm và nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND TP Hà Nội, hy vọng quy hoạch sớm được phê duyệt. Khi đó sẽ tạo đột phá cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khai thác tiềm năng lợi thế của Thủ đô. Đồng thời, giúp quản lý dân cư có hiệu quả, nâng chất lượng sống cho người dân và chắc chắn rằng đây sẽ là điểm đến hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư của cả trong và ngoài nước đã chờ đợi từ nhiều năm nay.
“Chúng ta tin tưởng việc thống nhất các định hướng lớn vào Quy hoạch phân khu sông Hồng sẽ đáp ứng được sự ủng hộ và mong chờ của nhân dân là đem lại sinh kế cho nhân dân, huy động được nguồn lực rất quan trọng về đất đai, cảnh quan, môi trường để tạo ra động lực mới, không gian phát triển mới cho Thủ đô Hà Nội”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Theo Nhandan.com.vn