Tác động của cuộc cách mạng công nghiêp đến quá trình chuyển đổi mô hình cấu trúc đô thị Biên Hòa đến năm 2045

Các tác giả: ThS.KS. Bạch Ngọc Tùng** và nhóm nghiên cứu (PGS.TS. KTS. Trần Trọng Hanh*; ThS.KTS. Thiều Thị Xuân, KTS. Lê Thanh Lam, KS. Phạm Minh Hải***). Nhận bài: ngày 28/11/2024; Phản biện: GS.TS. KTS. Đỗ Hậu, từ ngày 17/12/2024. Ngày duyệt đăng: 29/12/2024

Hình ảnh thực trạng phát triển thành phố Biên Hòa

Impact of the industrial revolution on the transformation of Bien Hoa urban structure model to 2045

Summary: The industrial revolution has fundamentally changed the urban development structure from concentrated industrial cities, to dispersed urban areas with the emergence of suburbs, and now to smart and sustainable cities. Each industrial revolution has reshaped urban space, from housing layout, transportation infrastructure, to social and economic organization, reflecting technological advances and changes in the way we live and work. This inevitable trend has had and is having a direct impact on the current and future industrial city of Bien Hoa.ều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến năm 2045)

Keywords: industrial revolution; urban structure; urban structure model; industry 4.0; Bien Hoa city; Urban planning; service and industrial urban.

Từ khóa: cách mạng công nghiệp; cấu trúc đô thị; mô hình cấu trúc đô thị; công nghiệp 4.0; thành phố Biên Hòa; Quy hoạch đô thị; đô thị dịch vụ và công nghiệp.

Cuộc cách mạng công nghiệp đã thay đổi cơ bản cấu trúc phát triển đô thị từ các thành phố công nghiệp tập trung, đến các đô thị phân tán với sự xuất hiện của vùng ngoại ô, và hiện tại là các thành phố thông minh và bền vững. Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp đã định hình lại không gian đô thị, từ cách bố trí nhà cửa, hạ tầng giao thông, đến tổ chức xã hội và kinh tế, phản ánh những tiến bộ công nghệ và thay đổi trong cách chúng ta sống và làm việc. Xu thế tất yếu này đã và đang tác động trực tiếp đối với thành phố công nghiệp Biên Hòa hiện tại và tương lai.

1. Tổng quan phát triển đô thị Biên Hòa

Biên Hòa là một vùng đất có bề dày lịch sử gắn liền với “Nền văn minh tiền sử lưu vực sông Đồng Nai”. Vùng đất Cù lao Phố hình thành và phát triển hơn 300 năm với những dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc. Ngày nay, thành phố Biên Hoà với vị thế là một trong các trung tâm công nghiệp, văn hóa, thương mại dịch vụ, khoa học – công nghệ và đào tạo; đầu mối giao lưu quan trọng của vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam, vùng Tp. Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ, tỉnh Đồng Nai và có vị trí quan trọng về Quốc phòng – An ninh, là “cửa ngõ” Đông Bắc của tỉnh, là đô thị gắn kết chặt chẽ với Tp. Hồ Chí Minh, hỗ trợ cho sự phát triển đô thị hạt nhân của vùng.

Thành phố Biên Hòa là đô thị loại I (được công nhận vào năm 2015), hiện trạng với dân số khoảng 1,12 triệu người (là đơn vị hành chính cấp huyện, trực thuộc tỉnh, nhưng có dân số cao hơn 38/63 đơn vị hành chính cấp tỉnh trên cả nước); thành phố có mật độ dân số cao nhất trong số 22 đô thị loại I của cả nước (khoảng 4.000 người/km2); dân số tăng hàng năm thuộc nhóm dẫn đầu, tăng trung bình 30.000 người/năm; tuy nhiên phân bố dân cư không đều và tình hình nhập cư có chững lại trong 5 năm gần đây.

Quá trình phát triển kinh tế thành phố Biên Hòa luôn gắn liền với nền tảng là các khu, cụm công nghiệp, có nguồn nhân lực với trình độ tương đối cao đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cơ cấu kinh tế chủ yếu dựa vào công nghiệp với 79,07%, ngành dịch vụ chiếm khoảng 20,91%, nông nghiệp đóng vai trò rất nhỏ với 0,02%. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng, tăng tỉ trọng ngành thương mại, dịch vụ. Các khu, cụm công nghiệp lâu đời, tập trung và một số cụm, điểm công nghiệp rải rác trong các khu dân cư, nên không thể tránh khỏi những ảnh hưởng về môi trường. Mặc dù các khu công nghiệp tập trung đã có các biện pháp xử lý về nước thải, rác thải nhưng lượng nước thải ra sau khi đã xử lý vẫn còn những tồn tại gây ô nhiễm tới nguồn nước sông (sông Đồng Nai).

Biên Hòa nhiều năm qua đã trở thành nơi thu hút dân cư cao, đặc biệt là lực lượng lao động nhập cư tới sinh sống, làm ăn. Điều này đã góp thêm nguồn lực để thành phố Biên Hòa có điều kiện phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, đi kèm với đó, đô thị Biên Hòa phải chịu sức ép rất lớn đối với công tác quản lý cũng như phát triển đô thị, đặc biệt là những khu vực đô thị hiện hữu (nhà ở tự phát, nhà ở làng xóm đô thị hóa, nhà ở dân tự xây, nhà ở chung cư cũ…). Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến chỉ tiêu đất xây dựng đô thị hiện hữu đang ở mức cao so với QCVN 01:2021/BXD đối với đô thị loại I (hiện khoảng gần 60m2/người, so với QCVN là 28m2/người). Cùng với đó dẫn đến tình trạng hạ tầng kỹ thuật bị quá tải (giao thông chật hẹp, vào những giờ cao điểm dễ gây ra kẹt xe; tốc độ xây dựng nhanh, hệ thống thoát nước đầu tư chậm nên khi xuất hiện mưa lớn, triều cường thường gây ngập úng cục bộ ở nhiều khu vực); hạ tầng xã hội còn thiếu, đặc biệt là các công trình công cộng (nhà văn hóa, thể dục thể thao, chợ), công trình giáo dục, công viên cây xanh; các chợ tự phát hầu hết được hình thành tại những khu vực đông dân cư này nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán kéo theo khó khăn cho chính quyền địa phương trong quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, mỹ quan đô thị và môi trường…

2. Tác động của các cuộc cách mạng công nghiệp đến quá trình phát triển kinh tế xã hội của đô thị

Cách mạng công nghiệp là cuộc cách mạng trong lĩnh vực sản xuất; là sự thay đổi cơ bản các điều kiện kinh tế xã hội, văn hóa và kỹ thuật, xuất phát từ nước Anh sau đó lan tỏa ra toàn thế giới. Trong thời kỳ này, nền kinh tế giản đơn, quy mô nhỏ, dựa trên lao động chân tay được thay thế bằng công nghiệp và chế tạo máy móc quy mô lớn. Tên gọi “Cách mạng công nghiệp” thường dùng để chỉ giai đoạn thứ nhất của nó diễn ra ở cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19.

Đến hiện nay trong tiến trình lịch sử nhân loại, chúng ta đã trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp (hiện tại đang trong cuộc cách mạng lần thứ 4) và mỗi cuộc cách mạng công nghiệp gắn với sự ra đời của các thành tựu về khoa học- kỹ thuật là các phát minh, sáng chế có tính bước ngoặt làm thay đổi nền sản xuất và đời sống của con người.

      

Mặt khác, đô thị là  khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương, bao gồm nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị xã; thị trấn[1]. Vì vậy, các cuộc cách mạng công nghiệp đã tác động sâu sắc đến cấu trúc đô thị và sự phát triển của các thành phố. Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp không chỉ thay đổi cách sản xuất mà còn làm thay đổi chất lượng cuộc sống, làm việc, và tổ chức không gian đô thị.

Các cuộc cách mạng công nghiệp đã liên tục thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội toàn cầu. Cách mạng công nghiệp đã chuyển đổi cách thức sản xuất, tạo ra sự bùng nổ công nghệ, và cải thiện đáng kể mức sống. Tuy nhiên, những cuộc cách mạng này cũng mang đến các thách thức lớn, bao gồm mất việc làm do tự động hóa, gia tăng bất bình đẳng, và các vấn đề về môi trường. Tổng thể, chúng đã tạo ra những bước tiến khổng lồ trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, nhưng cũng đòi hỏi những thay đổi thích ứng quan trọng trong xã hội. Sau là tóm tắt những thông tin và đặc điểm chính của các cuộc cách mạng công nghiệp:

  • Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất: diễn ra vào khoảng từ cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19; bắt đầu tại Anh, sau đó lan rộng ra châu Âu và Bắc Mỹ, với các đặc điểm chính:

+ Công nghiệp hóa: với sự ra đời của máy hơi nước và sự phát triển của ngành dệt may, ngành nghề chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp.

+ Sản xuất hàng loạt: Sử dụng máy móc trong sản xuất, đặc biệt là trong ngành dệt may và luyện kim.

+ Công nghệ chính: Động cơ hơi nước (do James Watt phát triển) được sử dụng rộng rãi, làm thay đổi phương thức sản xuất và vận chuyển.

+ Đô thị hóa: Sự phát triển của các nhà máy và công nghiệp đã thúc đẩy quá trình đô thị hóa, làm tăng dân số thành thị.

  • Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai: diễn ra vào khoảng từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20; Chủ yếu ở châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, với các đặc điểm chính:

+ Sự phát triển của điện: Điện được ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp và đời sống, dẫn đến sự ra đời của các phát minh như bóng đèn điện, động cơ điện.

+ Sản xuất hàng loạt: Dây chuyền sản xuất lắp ráp (do Henry Ford áp dụng trong sản xuất ô tô) đã làm tăng hiệu suất và giảm chi phí sản xuất.

+ Giao thông và truyền thông: Sự phát triển của hệ thống đường sắt, tàu biển, điện thoại, và truyền hình.

+ Công nghiệp hóa quốc gia: Nhiều quốc gia bắt đầu tập trung vào phát triển công nghiệp nặng như thép, hóa chất, và ô tô.

  • Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba: bắt đầu những năm 1950 cho đến nay; Toàn cầu, với các quốc gia tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản, và các nước châu Âu dẫn đầu, với các đặc điểm chính:

+ Tự động hóa và máy tính hóa: Ứng dụng máy tính, công nghệ thông tin và robot trong sản xuất, làm tăng năng suất và độ chính xác.

+ Sự phát triển của công nghệ thông tin: Sự ra đời của internet và công nghệ viễn thông đã kết nối toàn cầu, tạo nên nền kinh tế số.

+ Ngành dịch vụ: Chuyển dịch từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế dịch vụ, với trọng tâm là công nghệ cao và sáng tạo.

  • Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: bắt đầu từ cuối thế kỷ 20 và đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ; Diễn ra trên Toàn cầu, với các đặc điểm chính:

+ Kết nối và hội tụ công nghệ: Sự hợp nhất của các công nghệ vật lý, kỹ thuật số, và sinh học, với các xu hướng như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), in 3D, và công nghệ sinh học.

+ Tự động hóa toàn diện: Tự động hóa không chỉ trong sản xuất mà còn trong các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, và tài chính.

+ Thay đổi xã hội: Các công nghệ mới có khả năng tạo ra sự thay đổi lớn trong cơ cấu xã hội, công việc, và đời sống.

Trên cơ sở các đặc điểm chính của từng cuộc cách mạng công nghiệp như đã đề cập, có thể thấy rằng, mỗi cuộc cách mạng công nghiệp đều mang lại những thay đổi sâu sắc trong xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, nhưng cũng đặt ra những thách thức mới liên quan đến việc làm, môi trường và sự chuyển biến về mọi mặt của xã hội cùng với quá trình phát triển đô thị.

3. Quá trình chuyển đổi mô hình cấu trúc đô thị cùng với các cuộc cách mạng công nghiệp

Cấu trúc đô thị (Urban Structure): Đô thị được xem như là một hệ thống, mỗi hệ thống luôn gắn liền với hình thức tổ chức nhất định của các khu chức năng. Cấu trúc đô thị chính là bộ khung góp phần quan trọng trong việc hình thành và phát triển đô thị. Cấu trúc đô thị có vai trò quyết định các giải pháp quy hoạch các thành phần đất đai đô thị và hướng đến sự phát triển lâu dài và bền vững cho đô thị. Trong đó vai trò của hệ thống giao thông được xác định là Bộ khung của đô thị: dựa trên bộ khung này, các khu vực chức năng đô thị được bố trí gắn kết với nhau. Hệ thống giao thông vừa giữ vai trò liên kết giữa các khu vực chức năng, vừa giữ vai trò giới hạn các khu vực này.

Cuộc cách mạng công nghiệp đã thay đổi cơ bản cấu trúc phát triển đô thị từ các thành phố công nghiệp tập trung, đến các đô thị phân tán với sự xuất hiện của vùng ngoại ô, và hiện tại là các thành phố thông minh và bền vững. Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp đã định hình lại không gian đô thị, từ cách bố trí nhà cửa, hạ tầng giao thông, đến tổ chức xã hội và kinh tế, phản ánh những tiến bộ công nghệ và thay đổi trong cách chúng ta sống và làm việc. Quan sát từ sự phản ánh những thay đổi thực tiễn trong cách các thành phố phát triển qua từng giai đoạn của cuộc cách mạng công nghiệp như đã đề cập, liên kết kết đến các mô hình lý thuyết về cấu trúc đô thị được tổng hợp, như sau:

  • Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất với Mô hình cấu trúc đô thị đồng tâm (Concentric Zone Model)

Mô hình cấu trúc đô thị đồng tâm của Ernest Burgess (1925) được phát triển dựa trên quan sát về sự phát triển của Chicago. Phản ánh cấu trúc đô thị trong giai đoạn đầu của công nghiệp hóa, với sự phân tầng rõ ràng dựa trên khoảng cách từ trung tâm).

Theo mô hình này, đô thị phát triển có các đặc điểm chính như sau:

  • Đô thị như một loạt các vòng tròn đồng tâm với khu vực trung tâm là trung tâm thương mại (CBD), tiếp theo là khu vực chuyển tiếp (nơi tập trung các nhà máy và khu dân cư lao động, có mức thu nhập trung bình và thấp), khu vực lao động, khu dân cư trung lưu, và vùng ngoại ô.
  • Mô hình thành thường thấy chủ yếu phát triển tại nhiều thành phố công nghiệp ở châu Âu và Bắc Mỹ. Các khu công nghiệp thường được xây dựng gần trung tâm thành phố, nơi có hạ tầng giao thông thuận lợi. Khu vực dân cư lao động sống ngay cạnh các khu công nghiệp, trong khi các tầng lớp trung lưu và thượng lưu sống xa hơn, tạo nên các vòng tròn phân tầng rõ rệt. Nhu cầu lao động lớn tại các nhà máy đã kéo theo làn sóng di cư từ nông thôn ra thành thị, làm gia tăng nhanh chóng dân số đô thị.
  • Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai, với mô hình cấu trúc đô thị dạng khu vực (Sector Model) 

Mô hình khu vực của Homer Hoyt (1939) cho rằng các thành phố phát triển theo các khu vực (sector) mở rộng từ trung tâm thành phố theo hướng của các tuyến giao thông chính. Theo mô hình này, đô thị phát triển có các đặc điểm chính như sau:

  • Người dân sống xa trung tâm công nghiệp do có sự phát triển của hệ thống giao thông và đặc biệt là sự xuất hiện của ô tô, điều này đã dẫn đến sự mở rộng của các vùng ngoại ô. Điều này thay đổi cấu trúc đô thị từ mô hình tập trung thành mô hình phân tán hơn.
  • Các thành phố công nghiệp được phát triển theo nhiều hướng, tạo nên các khu vực công nghiệp hoặc khu dân cư kéo dài theo các trục giao thông chính, thay vì đồng tâm như trước. Điều này được minh chức tại các thành phố công nghiệp như Chicago, Detroit ở Mỹ hay các thành phố công nghiệp ở châu Âu, với sự phát triển của giao thông (đặc biệt là đường sắt và sau đó là đường ô tô).
  • Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, với mô hình nhiều hạt nhân (Multiple Nuclei Model)

Mô hình nhiều hạt nhân của Harris và Ullman (1945) cho rằng các thành phố không phát triển chỉ từ một trung tâm mà từ nhiều hạt nhân khác nhau. Các khu vực hạt nhân này có thể là các trung tâm thương mại, khu công nghiệp, khu dân cư, và các khu dịch vụ chuyên biệt khác.

Theo mô hình này, đô thị phát triển có các đặc điểm chính như sau:

  • Cấu trúc đô thị thay đổi khi nền kinh tế chuyển từ sản xuất công nghiệp sang dịch vụ và công nghệ. Các khu vực công nghiệp cũ thường được tái phát triển thành khu dân cư, thương mại hoặc văn phòng, trong khi các trung tâm công nghệ và dịch vụ trở thành trung tâm mới của các đô thị.
  • Tại các thành phố lớn như Los Angeles, Tokyo, với sự gia tăng của ngành dịch vụ và công nghệ bắt đầu phát triển nhiều hạt nhân đô thị khác nhau, mỗi hạt nhân phục vụ một chức năng nhất định. Điều này làm cho cấu trúc đô thị trở nên phân tán hơn, không còn tập trung vào một trung tâm duy nhất.
  • Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với mô hình thành phố thông minh và phát triển bền vững

Các thành phố đang chuyển hướng sang mô hình phát triển bền vững và thông minh. Mô hình này nhấn mạnh đến sự tích hợp của công nghệ tiên tiến (AI, IoT, Big Data) vào quản lý đô thị, hướng tới việc tối ưu hóa tài nguyên, giảm thiểu tác động môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống.

  • Theo mô hình này, đô thị phát triển có các đặc điểm chính như sau:
  • Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhấn mạnh đến việc phát triển đô thị bền vững, với các giải pháp công nghệ giúp giảm thiểu tác động môi trường, tối ưu hóa năng lượng và quản lý tài nguyên hiệu quả.
  • Với sự phát triển của công nghệ thông tin, không gian làm việc và sinh sống trở nên linh hoạt hơn. Các mô hình làm việc từ xa, văn phòng chia sẻ và không gian công cộng được tối ưu hóa, dẫn đến thay đổi cấu trúc và chức năng của các khu vực đô thị.

4. Định hướng phát triển thành phố Biên Hòa đến năm 2045 với mô hình cấu trúc đô thị phù hợp với bối cảnh chuyển biến của cuộc cách mạng lần thứ tư

Đô thị Biên Hòa là đô thị công nghiệp, quá trình phát triển luôn gắn liền với các khu, cụm công nghiệp, điều này đã tạo nên những chuyển biến quan trọng cho Biên Hòa như ngày nay; tuy nhiên, song hành với thành tựu phát triển là những tồn tại, bất cập hiện hữu cần được giải quyết, cùng với việc nghiên cứu làm rõ các định hướng phát triển bền vững trong tương lai. Ngày 17/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 252/QĐ-TTg V/v phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045; Theo đó, xác định Biên Hòa sẽ được chuyển từ mô hình “đô thị công nghiệp” sang “đô thị dịch vụ và công nghiệp”. Nhằm tạo lập không gian đô thị có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; hạ tầng xã hội hiện đại, tiện nghi, đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố. Hướng tới phát triển đô thị có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn; giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa, lịch sử đặc trưng; đảm bảo các yêu cầu về quốc phòng, an ninh của vùng và quốc gia.

Như vậy, cùng với nhiệm vụ đặt ra đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, thì mô hình cấu trúc không gian đô thị Biên Hòa trong thời đại công nghiệp 4.0 sẽ không chỉ tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn hướng tới việc bảo đảm tương lai phát triển dài hạn của thành phố thông qua sự kết hợp giữa các khu chức năng được bố trí hợp lý với hạ tầng kỹ thuật tiên tiến, tất cả nhằm tạo ra một môi trường sống thông minh, bền vững và linh hoạt.

Định hướng mô hình cấu trúc không gian đô thị thành phố Biên Hòa được đề xuất cụ thể như sau:

– Thứ nhất là phải đổi mới với khả năng thích ứng và tính linh hoạt cao: Không gian đô thị cần phải được thiết kế để dễ dàng thích ứng với sự thay đổi về dân số, công nghệ và môi trường. Các khu chức năng có thể được tái sử dụng hoặc chuyển đổi dễ dàng khi cần thiết, cụ thể:

  • Quy hoạch theo mô hình đa trung tâm: Chuyển đổi mô hình cấu trúc không gian từ tập trung đơn cực và chia cắt sang cấu trúc không gian “ phi tập trung, đa cực và kết nối gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng đất; điều này giúp phân bổ đều các khu chức năng và giảm áp lực về cơ sở hạ tầng. Điều này cũng tạo điều kiện dễ dàng cho việc điều chỉnh quy hoạch khi có thay đổi về dân số và nhu cầu phát triển. t; chuyển đổi mô hình các khu công nghiệp ; phát triển hệ thống các trung tâm dịch vụ tổng hợp về chuyên ngành , sắp xếp lại các khu quân sự, phát triển không gian xanh lấy sông Đồng Nai là trọng tâm ; tăng cường vai trò …. của vùng đô thị trung tâm : Biên  Hoà- Long Thành  -Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai và là một đầu mối cụ thể thành vùng công nghiệp đô thị vùng Đông Nam bộ.
  • Tích hợp công nghệ thông minh: Sử dụng công nghệ để thu thập và phân tích dữ liệu về các biến động dân số, giao thông và môi trường. Các hệ thống thông minh giúp dự báo và điều chỉnh kịp thời, hỗ trợ việc tái cấu trúc các khu chức năng khi cần thiết.
  • Không gian đa chức năng: Thiết kế các khu chức năng với tính đa dụng, cho phép các khu vực này dễ dàng thay đổi mục đích sử dụng. Ví dụ, một tòa nhà thương mại có thể chuyển đổi thành trung tâm dịch vụ hoặc giáo dục tùy theo nhu cầu trong tương lai.

Thứ hai là tính liên kết (kết nối thông minh và liên mạch): Đảm bảo sự kết nối giữa các khu vực chức năng, giữa người dân với dịch vụ, và giữa thành phố với các vùng ngoại ô và khu vực lân cận. Kết nối không chỉ là vật lý mà còn là kỹ thuật số, qua đó tạo ra một mạng lưới thông minh và liền mạch, cụ thể:

  • Về các kết nối vật lý:
  • Giao thông đa phương tiện: Phát triển một hệ thống giao thông đa phương tiện gồm đường bộ, đường sắt, và giao thông công cộng như xe buýt nhanh và đường sắt đô thị (metro) (Mạng lưới giao thông này phải được thiết kế để liên kết tất cả các khu vực chức năng trong thành phố với nhau và kết nối Biên Hòa với các vùng lân cận như TP. HCM và Bình Dương, đảm bảo việc di chuyển nhanh chóng, tiện lợi).
  • Hành lang giao thông linh hoạt: Phát triển các hành lang giao thông chính kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, khu dân cư và các khu vực dịch vụ xã hội. Các hành lang này phải đủ linh hoạt để có thể mở rộng hoặc nâng cấp khi dân số và hoạt động kinh tế tăng lên.
  • Về các kết nối kỹ thuật số:
  • Mạng lưới thành phố thông minh: Xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin mạnh mẽ để quản lý đô thị thông minh và kết nối hiệu quả các khu vực. Điều này giúp giám sát và quản lý giao thông, năng lượng, và dịch vụ công cộng một cách tối ưu, tạo ra một hệ thống vận hành liền mạch.
  • Cơ sở hạ tầng số hóa dịch vụ công cộng: Cung cấp dịch vụ công cộng trực tuyến như đăng ký giấy tờ hành chính, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, và an ninh qua các nền tảng kỹ thuật số, đảm bảo người dân có thể dễ dàng tiếp cận mà không cần đến trực tiếp. Việc này cũng giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm tải cho các cơ quan hành chính.
  • Phổ cập internet tốc độ cao: Đảm bảo mọi khu vực trong thành phố đều được kết nối với internet tốc độ cao. Điều này không chỉ giúp kết nối người dân với các dịch vụ kỹ thuật số mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và hoạt động kinh tế trực tuyến phát triển.
  • Về các kết nối xã hội và dịch vụ:
  • Phát triển các trung tâm dịch vụ đa năng: Thiết lập các trung tâm dịch vụ đa năng trong thành phố, bao gồm trung tâm thương mại, y tế, giáo dục và văn hóa. Các trung tâm này phải được bố trí hợp lý, thuận tiện cho việc di chuyển của cư dân từ các khu vực khác nhau, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng cường sự gắn kết cộng đồng.
  • Hỗ trợ giao tiếp cộng đồng thông qua các nền tảng trực tuyến: Tạo ra các nền tảng trực tuyến để người dân có thể tương tác, chia sẻ ý kiến về quy hoạch đô thị và các vấn đề liên quan đến cộng đồng. Điều này giúp thúc đẩy sự tham gia của cư dân trong quá trình phát triển đô thị và tạo ra một xã hội kết nối, chủ động.
  • Kết nối với các vùng ven và khu vực lân cận:
  • Phát triển hạ tầng liên vùng: Thiết lập các tuyến đường và hệ thống giao thông công cộng liên kết Biên Hòa với TP. HCM, Bình Dương và các khu vực lân cận giúp giảm thời gian di chuyển và tăng cường thương mại, dịch vụ và giao lưu văn hóa giữa các vùng.
  • Mở rộng và cải thiện các khu vực vùng ven: Quy hoạch và phát triển các khu vực ngoại ô với hạ tầng giao thông và dịch vụ xã hội đủ mạnh để kết nối liền mạch với trung tâm thành phố. Đảm bảo người dân vùng ven có thể dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ công cộng và cơ hội việc làm trong thành phố.

Thứ ba là tính bền vững (hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường):  Quy hoạch phải đảm bảo tính bền vững về môi trường, kinh tế, và xã hội, bao gồm: sử dụng tài nguyên hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính, cụ thể:

  • Cần sớm hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
  • Chuyển dịch cơ cấu kinh tế: đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, đối với các ngành công nghiệp khuyến khích sử dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và có hạ tầng thông minh để quản lý hiệu quả nguồn lực và tài nguyên. Phát triển du lịch bền vững: Khai thác du lịch sinh thái, lịch sử và văn hóa một cách bền vững, nhằm tạo nguồn thu nhập lâu dài cho địa phương mà không làm tổn hại đến tài nguyên thiên nhiên và văn hóa địa phương.
  • Bền vững về môi trường: Khuyến khích việc sử dụng năng lượng tái tạo (như năng lượng mặt trời, gió) và tối ưu hóa việc sử dụng nước, đất, và các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Thiết lập nhiều công viên, khu vực xanh và hành lang sinh thái, thúc đẩy giao thông công cộng, phát triển hạ tầng cho xe điện, và khuyến khích việc xây dựng nhà ở, tòa nhà theo tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng, giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đảm bảo sự cân bằng sinh thái trong đô thị và giảm phát thải khí nhà kính
  • Quy hoạch đất đai hợp lý: Tập trung phát triển các khu vực đô thị theo chiều cao thay vì mở rộng quá mức, giúp bảo tồn đất nông nghiệp và các khu vực cây xanh, mặt nước. Phân bổ rõ ràng các khu chức năng như khu công nghiệp, khu dân cư, khu vực xanh để tối ưu hóa không gian và tài nguyên.
  • Bền vững về xã hội: Phát triển nhà ở và hạ tầng xã hội: Đảm bảo cung cấp đủ nhà ở giá rẻ, công viên, trường học, bệnh viện, và các dịch vụ cộng đồng cho cư dân. Quy hoạch chú trọng đến việc xây dựng các khu dân cư với điều kiện sống an toàn, tiện nghi và dễ tiếp cận các dịch vụ cơ bản. Tăng cường bình đẳng xã hội: Quy hoạch đô thị phải đảm bảo tất cả các thành phần dân cư, bao gồm người thu nhập thấp và các nhóm yếu thế, đều có cơ hội tiếp cận với nhà ở, giáo dục, y tế và việc làm.

Tài liệu tham khảo

  1. Quốc Hội (2017), Luật số: 21/2017/QH14 – Luật Quy hoạch;
  2. Quốc Hội (2009), Luật số: 30/2009/QH12 – Luật Quy hoạch đô thị;
  3. Quốc Hội (2024), Luật Quy hoạch Đô thị và Nông thôn (được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2025)
  4. Bộ Xây dựng (2021), Thông tư số 01/2021/TT-BXD -Thông tư ban hành QCVN 01:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng;
  5. Bộ Xây dựng (2022), Thông tư số 04/2022/TT-BXD -Thông tư quy định về hồ sơ nhiệm vụ và hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch nông thôn;
  6. Dự thảo hồ sơ Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến năm 2045 do Công ty cổ phân công nghệ xây dựng ACUD Việt Nam là đơn vị tư vấn thiết kế.
  7. TS.KTS Phạm Hùng Cường (2021) Khái niệm quy hoạch “Thành phố trong thành phố” trong cấu trúc đô thị. Tạp chí Kiến trúc số 10-2021;
  8. org;
  9. Suksheetha Adulla (20220, Understanding the Concentric Zone Model. Newcastle University, United Kingdom;
  10. Pranil Pradhan (2016) Sector Model: A brief analysis. Assignment 1 for Course GEO291-Lovely Professional University, Punjab, India;
  11. Kosta-livaditis-cppm (2020), City smarts: aspirational cities of the future.
  12. Nikken Sekkei, PGS. TS. KTS. Trần Trọng Hanh (2017), Quy hoạch Đô thị ở Châu Á. Nhà xuất bản, Ký hiệu: 725-2019/AD.356.
  13. Thạch Huê (2020): “Đo lường tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến kinh tế Việt Nam”, Trang thông tin điện tử kinh tế của Thông tấn xã Việt Nam;
  14. Nguyễn Tuấn Anh (2022): Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam, Trang thông tin điện tử Tạp chí Cộng sản;

*Nguyên hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; Chủ nhiệm đồ án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến năm 2045..

**Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Xây dựng ACUD Việt Nam; Giám đốc dự án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến năm 2045.

***Phòng Thiết kế Quy hoạch và Hạ tầng kỹ thuật, Công ty ACUD (Phòng phụ trách dự án Tư vấn lập đi and associates

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết cũ hơn