Ngày 9/8/2021, nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu của Liên Hiệp Quốc (GIEC) đã công bố báo cáo mới nhất về triển vọng trái đất nóng lên nhanh hơn rất nhiều so với dự kiến. Điều này báo hiệu các thảm họa nhãn tiền, nhiều cường quốc công nghiệp đã lên tiếng kêu gọi quốc tế hành động khẩn. Chính quyền Mỹ, Pháp kêu gọi khẩn trương có các biện pháp đủ mạnh đế hãm lại đà biến đổi khí hậu.
Vụ cháy rừng tại Hy Lạp ngày 06/08/2021. Hiện tượng khí hậu cực đoan gây ra các vụ thiên tai lớn ngày càng phổ biến. AP – Thodoris Nikolaou
Một trong những điểm chính trong bản báo cáo là: trong mọi kịch bản, từ lạc quan nhất cho đến bi quan nhất, ngay từ năm 2030, nhiệt độ của trái đất sẽ tăng thêm từ 1,5°C cho đến 1,6°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, tức là sớm hơn 10 năm so với dự báo mà nhóm GIEC đưa ra cách đây 3 năm.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken khẳng định: «Điều cơ bản là tất cả các nước, đặc biệt là các cường quốc kinh tế, phải đóng góp vào thập niên đặc biệt quan trọng này, để cho phép thế giới có thể giữ được mục tiêu duy trì nhiệt độ trái đất không tăng quá 1,5°C». Lãnh đạo ngoại giao Mỹ nhấn mạnh là chính quyền «Hoa Kỳ đã cam kết cắt giảm 50 đến 52% khí thải» vào năm 2030, so với năm 2005, và «chống khủng hoảng khí hậu» là nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền liên bang.
Cũng ngày hôm qua, trên Twitter, tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi cộng đồng quốc tế «hãy thông qua một thỏa thuận (khí hậu) xứng tầm với tình hình khẩn cấp hiện nay». Thỏa thuận mà tổng thống Pháp nói tới là thỏa thuận về khí hậu tại thượng đỉnh COP 26 tại Glasgow, Anh quốc, dự kiến tổ chức vào cuối tháng 11/2021. Tại thượng đỉnh này, cộng đồng quốc tế phải thống nhất được về các cam kết cắt giảm đủ mạnh để thực thi mục tiêu giữ cho nhiệt độ trái đất không tăng quá từ 1,5°C đến 2°C so với thời tiền công nghiệp, mà tốt nhất là không quá 1,5°C. Bởi vượt quá mức này các hiện tượng thời tiết cực đoan và nhiều hậu quả khác sẽ vượt quá khả năng đối phó của xã hội con người.
Tối ngày 09/08, 39 quốc gia thuộc nhóm AOSIS gồm các quốc đảo, nạn nhân hàng đầu của nước biển dâng cao do trái đất bị hâm nóng, đã ra thông cáo chung, kêu gọi thế giới hành động. Nhóm AOSIS bao gồm các nước như Cuba, Jamaica, hay quần đảo Maldives (Ấn Độ Dương), đảo quốc thấp nhất thế giới. Nếu nhiệt độ tăng 2°C, nước biển sẽ dâng cao ít nhất 3 mét, đe dọa sự tồn vong của nhiều đảo quốc.
Bắc Kinh kêu gọi cộng đồng quốc tế «tin tưởng» vào nỗ lực của Trung Quốc
Trung Quốc đứng đầu thế giới về sản xuất và tiêu thụ than với trữ lượng khoảng trên 128 tỷ tấn, chiếm 13% tổng trữ lượng than đá toàn cầu. (Anh: An ninh thế giới online)
Trung Quốc, quốc gia phát thải số một thế giới chiếm hơn 1/4 lượng khí thải toàn cầu, đứng trước trách nhiệm lịch sử. Trong một thông báo gửi đến hãng tin Pháp AFP hôm nay, bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định: «Cộng đồng quốc tế cần tin tưởng hoàn toàn vào nỗ lực của Trung Quốc trong lĩnh vực khí hậu». Bắc Kinh cam kết «sẽ thực thi đúng các cam kết với cộng đồng quốc tế». Tuy nhiên, việc Trung Quốc vừa tái khởi động hàng loạt mỏ than đá, loại hình năng lượng hóa thạch phát thải số một, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Thông tín viên Liu Zhifan tường trình từ Bắc Kinh:
«Khắp nơi, tại miền bắc và miền tây Trung Quốc, nhiều mỏ than đã hoạt động trở lại trong những tuần gần đây, để đáp ứng nhu cầu gia tăng về điện, trong lúc quốc gia này đang phải đối mặt với một mùa hè nóng bức và biến động khác thường.
Kể từ khi ký kết Hiệp định Khí hậu Paris 2015, Bắc Kinh đã cố gắng thay đổi hình ảnh về một quốc gia đứng đầu thế giới về khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Hồi tháng trước, chính quyền Trung Quốc đã chính thức khởi động thị trường carbone lớn nhất thế giới, quy định mức trần phát thải với mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, giá mua quyền phát khí thải hiện vẫn còn rất thấp, vì vậy sẽ ít có hiệu ứng răn đe đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng hóa thạch.
Cường quốc kinh tế thứ hai thế giới sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều để thực hiện được mục tiêu trung hòa về khí thải trước năm 2060, như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề ra».
Tổng hợp từ rfi.fr