Dọc đường Thụy Khuê (quận Tây Hồ, TP Hà Nội), cứ cách vài chục mét, đan xen giữa những căn nhà hiện đại là những cổng làng cổ kính, rêu phong mang đậm hồn quê, văn hóa Việt.
Cổng làng Đông Xã (ngõ 444 Thụy Khuê) uy nghi, cổ kính.
Giữa nhịp sống ồn ào, tấp nập của Hà Nội lại bắt gặp một đoạn phố được mệnh danh là “phố” cổng làng. Sau bao nhiêu năm, từng nét văn hóa của làng quê Việt vẫn được lưu giữ đằng sau những cổng làng cổ kính, những chi tiết chạm trổ trên tường đã loang lổ mảnh vỡ của thời gian.
Đường Thụy Khuê được coi là nơi có nhiều cổng làng nhất Hà Nội, tồn tại bao đời nay. Mỗi cổng làng lại mang một dáng vẻ riêng, từ kích thước đến kiến trúc. Trải qua cả hàng thế kỷ, có những cánh cổng được tôn tạo trùng tu, nhưng cũng có những chứng nhân lịch sử bao nhiêu năm rồi vẫn trầm mặc ở đó, vẫn cổ kính, rêu phong nhuốm màu thời gian.
Từ xưa đến nay, dân làng ở đây đã truyền tai nhau những tên gọi thân thuộc cho từng chiếc cổng làng, nào cổng Giếng, cổng Hầu, cổng Chùa, cổng Đông, cổng Cái, cổng Xanh…
Những công trình này là sản phẩm của những ngôi làng đã có tuổi đời hàng thế kỷ, có những ngôi làng đã hơn 10 thế kỷ. Nằm liền kề nhau dọc theo trục phố Thụy Khuê ngày nay, theo thứ tự đó là những làng Yên Thái, An Tho, Đông Xã, Hồ Khẩu và Thụy Khuê.
Bà Thúy Lan người đã gắn bó dưới những nếp cổng làng được 67 năm nay, say sưa kể cho chúng tôi về sự tích phố cổng làng Thụy Khuê.
“Sống ở đây gần 70 năm, cô vẫn thấy nơi đây đặc biệt. Hà Nội vẫn thường nổi tiếng với 36 phố phường nhưng làm gì có cổng làng như ở đây. Từ đầu Thụy Khuê chạy dọc xuống đây, nào cổng Giếng, cổng Hầu, cổng Chùa, cổng Đông, cổng Cái, cổng Xanh…
Bao nhiêu năm trôi qua, dân làng vẫn cố gắng giữ gìn nét văn hóa đặc trưng của từng làng, từng cổng, từ mái ngói rêu phong đến bậc tam cấp” – bà Lan nói.
Một trong những ngôi làng nổi bật nhất ở Thuỵ Khuê là làng Yên Thái với con đường lát gạch dài gần 300 mét. Theo lời người dân ở đây, tuy đã qua nhiều lần phải sửa chữa, trùng tu nhưng dân làng vẫn giữ lại được nguyên vẹn hình ảnh con đường đã hơn trăm tuổi này.
Bước chân vào làng Yên Thái, không biết có bao nhiêu cổng làng san sát, nối tiếp nhau. Điều này đã tạo nên nét đặc trưng riêng cho Thụy Khuê mà không có con phố nào ở Hà Nội có được.
Cổng làng Hồ Khẩu hay còn được gọi là cổng Cái là cổng có diện tích lớn nhất so với các cổng khác trên con phố Thuỵ Khuê. Phía trước cổng là ba bậc đá, thềm lát gạch đỏ chính là dấu tích của bậc tam cấp.
Lối vào làng Yên Thái xưa nổi tiếng với nghề làm giấy dó.
Đến đây, người ta như quên bẵng đi ồn ào phố thị ngoài kia, bước qua cổng làng, cuộc sống ở đây bỗng trở nên chậm hơn vài nhịp dưới bậc tam cấp của cổng làng.
Đường vào làng An Thọ, ngoài cổng chính của làng là cổng Giếng, còn có hai cổng phụ là cổng Hầu và cổng Xanh.
Theo lời bà Thúy Lan, Cổng Hầu đã được trùng tu vào năm 1998, song vẫn mang đậm nét rêu phong, cổ kính với cấu trúc cổ, mái ngói ta, câu đối hai bên.
Trải qua hàng trăm năm lịch sử, dù hàng vạn thứ có thể đổi thay, nhưng riêng nếp sinh hoạt phía sau cổng làng vẫn vẹn nguyên ở đó.
Người dân vẫn thường xuyên tụ tập buôn bán trước cổng, nào hàng nước trà đá vỉa hè, nào phiên chợ cóc vào mỗi buổi sáng, nào sân đình nơi lũ trẻ í ới gọi nhau.
“Ngày xưa, cổng làng là nơi họp phiên chợ, trồng cây to,… giờ không gian đô thị sầm uất hơn nhưng cô vẫn mở một quán nước nhỏ dưới cổng Hầu, phần là mưu sinh, phần để phục vụ người dân trong làng nghỉ chân nói chuyện, tán gẫu”, bà Hà – người dân làng An Thọ chia sẻ.
Dưới cổng làng, người dân nơi đây gắn kết, một lòng giữ gìn nếp sống văn hóa làng quê, bà Hà gọi đây là tình làng nghĩa xóm.
Trải qua hàng trăm năm lịch sử, những cổng làng nằm trên phố Thụy Khuê vẫn cổ kính, trầm mặc giữa lòng thủ đô Hà Nội.
Đối với người dân Kẻ Bưởi, nơi đây không chỉ là quê nhà mà còn là niềm tự hào, nét văn hóa mà họ luôn cố gắng gìn giữ và bảo tồn.
Theo báo Đất Việt