Ngày 4-8, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch-KIến trúc TPHCM Trương Trung Kiên cho biết, sở đã kiến nghị UBND TPHCM cho điều chỉnh chức năng sử dụng đất, chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, quy hoạch tổ chức giao thông đô thị và thiết kế đô thị quanh khu vực nhà ga tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương.
Cụ thể, lập 10 đồ án thiết kế đô thị riêng quanh các nhà ga metro số 2 (UBND TPHCM đã chấp thuận chủ trương), sẽ xem xét sau khi điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 được duyệt.
Đối với khu vực quanh nhà ga tuyến metro khác và khu vực khác, sở kiến nghị UBND TPHCM giao sở thanh lý 9/34 đồ án thiết kế đô thị riêng (5 đồ án khu vực dọc tuyến cao tốc Long Thành – Dầu Giây – TPHCM; QL1A và 4 đồ án khu vực quanh các nhà ga tuyến metro số 2) theo quy định. Thống nhất không tiếp tục thực hiện đồ án thiết kế đô thị riêng 6/34 đồ án khu vực quanh các nhà ga của tuyến metro 3a, 3b, 4, 5 và 2 đồ án khu vực trung tâm thành phố, dọc sông Sài Gòn.
Tuyến metro Bến Thành – Tham Lương (dài 11,2km) sau khi nối tuyến đến bến xe An Sương (9,4km) rồi Tây bắc Củ Chi (gần 29km) sẽ có chiều dài 48km – là tuyến metro xuyên tâm dài nhất TP.HCM. Giai đoạn 1: Tuyến metro Bến Thành (quận 1) – Tham Lương (quận 12) dài 11,2km được đầu tư xây dựng nhằm bổ sung phương thức vận chuyển khối lượng lớn, giải quyết nhu cầu đi lại của người dân từ trung tâm thành phố về phía tây bắc và ngược lại. Đồng thời là cơ sở phát triển các tuyến đường sắt đô thị khác sau này.
Thành phố giao Sở QH-KT bổ sung các nội dung liên quan quy hoạch, không gian kiến trúc, cảnh quan khu vực quanh các nhà ga metro, trung tâm thành phố và dọc sông Sài Gòn vào quy chế quản lý kiến trúc đô thị thành phố để quản lý kiến trúc đô thị khu vực theo quy định.