Vai trò quy hoạch cấp nước sạch phục vụ dân sinh tại các đô thị trong tỉnh Lâm Đồng

Việc cấp nước phục vụ dân sinh tại các đô thị và nông thôn trong cả nước (nói chung) và tỉnh Lâm Đồng (nói riêng) đều được bắt đầu từ công tác lập – phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng (QHXD) ở các cấp độ khác nhau, trước khi hình thành các dự án đầu tư xây dựng công trình và hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hệ thống cấp nước sạch phục vụ dân sinh. Bài viết nhằm giới thiệu khái quát về phương pháp luận và một số nguyên tắc khoa học cơ bản trong các đồ án QHXD, nhằm tìm kiếm “nguồn cung” về cấp nước sạch; không đề cập đến giai đoạn hình thành dự án đầu tư hệ thống cấp nước “sau quy hoạch” và chất lượng nguồn cấp nước trong quá trình khai thác, vận hành nhà máy, cấp nước sạch đến người tiêu dùng.

Hồ Suối Vàng là đầu nguồn nước của Nhà máy cấp nước Đà Lạt

Vai trò các đồ án quy hoạch xây dựng

Theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị, có cả một hệ thống “chuỗi” các đồ án QHXD về đô thị và nông thôn. Từ cấp độ nghiên cứu vĩ mô đến vi mô – tùy theo tính chất, diện tích quy hoạch, phạm vi địa giới hành chính, nội dung nghiên cứu… đến phạm trù thẩm quyền phê duyệt từ cấp Trung ương đến địa phương – có các loại đồ án, gồm: Quy hoạch chung xây dựng, Quy hoạch phân khu (QHPK) và Quy hoạch chi tiết (QHCT) khu vực công trình…

Mỗi cấp độ quy hoạch có tính chất nghiên cứu khác nhau, dẫn đến định hướng và giải pháp mang tính “tổng thể”, hoặc “khu vực chức năng” hay “khu vực xây dựng công trình”; do vậy các cấp độ đồ án QHXD phải theo quy trình: Đồ án quy hoạch phê duyệt sau phải tuân thủ nguyên tắc, các thông số, chỉ tiêu, yêu cầu và giải pháp… từ các đồ án phê duyệt trước đó (còn gọi là “Quy hoạch cấp trên”) – nhằm thể hiện tính chấp hành do xuất phát từ thẩm quyền phê duyệt của “cấp trên và cấp dưới”, đồng thời đảm bảo tính nguyên tắc khi tuân thủ các định hướng từ đồ án quy hoạch cấp “chiến lược / tổng thể” làm cơ sở cho các đồ án QHXD “khu vực chức năng” và “khu vực công trình”…

Trong từng loại đồ án QHXD, đều có mục nghiên cứu, lập bản vẽ “Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật” – trong đó có lĩnh vực cung cấp nước. Hồ sơ QHXD – từ khi lập đến khi thẩm định, phê duyệt – phải đảm bảo phù hợp với định hướng (về mục tiêu, tầm nhìn, cấp hạng đô thị…) từ các đồ án quy hoạch cấp trên; tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật về QHXD và Tiêu chuẩn thiết kế đối với loại công trình hạ tầng kỹ thuật cấp nước tương ứng; tuân thủ các quy định pháp luật chuyên ngành và chủ trương chính sách áp dụng tại địa phương…

Quá trình nghiên cứu lập quy hoạch, cần làm rõ 8 nhóm vấn đề sau:

  • Đánh giá hiện trạng cung cấp nước và tỷ lệ hộ gia đình, cá nhân sử dụng nước sạch (từ nhà máy cấp nước hoặc giếng khoan, giếng đào).
  • Phân tích, so sánh, đánh giá nguồn nước, trữ lượng, chất lượng nước, áp lực cấp nước máy, chiều sâu giếng… tại thời điểm lập quy hoạch (theo các phương pháp khoa học).
  • Khảo sát thông số tự nhiên về điều kiện khí hậu, thủy văn – nhất là số ngày mưa, vũ lượng mưa, khả năng tích tụ nguồn nước tự nhiên trong các ngày mưa bão và nắng hạn… (qua số liệu thống kê ít nhất 5 năm liên tục và gần nhất).
  • Tính toán “nguồn cầu” từ tốc độ đô thị hóa, quy mô dân số (tăng tự nhiên và cơ học), nhu cầu sử dụng nước và tỷ lệ sử dụng nước sạch… theo định hướng và mục tiêu kỳ vọng của giai đọan quy hoạch.
  • Xác định “nguồn cung” từ nguồn nước thiên nhiên được tích tụ (qua sông, suối, hồ tự nhiên hoặc các bể chứa nhân tạo); đánh giá khả năng mở rộng diện tích mặt nước và gia tăng thể tích nguồn nước chứa bằng các giải pháp QHXD; hạn chế tối đa việc khai thác nguồn nước ngầm (qua giếng khoan, giếng đào).
  • Tính toán khả năng hình thành các dự án đầu tư về cấp nước sạch (gồm: nhà máy, bể chứa, mạng lưới đường ống, công nghệ xử lý nước sạch…) từ các nguồn lực tài chính của Nhà nước và Doanh nghiệp – thông qua các chính sách thu hút đầu tư.
  • Đề xuất vị trí hình thành dự án Nhà máy cấp nước (xây dựng mới, hoặc cải tạo, mở rộng), các bể chứa tập trung và hệ thống mạng lưới cấp nước, nhằm phát triển hệ thống cấp nước, đảm bảo đưa nước đến tận đồng hồ chính của khu vực công trình.
  • Do đặc trưng địa hình miền núi và khả năng tích tụ nguồn nước tự nhiên, nên trong giải pháp QHXD hạ tầng kỹ thuật đô thị (riêng về cấp nước) có thể hình thành, phát triển các hồ chứa nhân tạo nhằm tích tụ nguồn nước thiên nhiên đảm bảo cho nguồn cấp nước sạch cho cộng đồng. Từ các hồ nước này, sẽ hình thành 01 nhà máy chính và các bễ chứa tập trung được phân bổ theo từng khu vực; đồng thời bố trí một số Trạm cấp nước cục bộ, nhằm bổ sung nguồn cấp (khi cần thiết), gắn liền với các hồ thủy lợi, hồ cảnh quan được hình thành trong quy hoạch đô thị.

Trong các trường hợp đặc biệt như vậy, phải nghiên cứu giải pháp cấp nước cho đô thị từ các định hướng trong đồ án QHXD Vùng tỉnh, Vùng huyện hoặc liên huyện, hoặc Quy hoạch chung đô thị gắn với Vùng phụ cận – gọi chung là “Quy hoạch cấp vùng” làm căn cứ chủ đạo cho công tác nghiên cứu lập các QHPK và triển khai QHCT để hình thành các dự án đầu tư xây dựng về cấp nước phục vụ dân sinh. Ví dụ như trường hợp của TP Đà Lạt, có Nhà máy nước Suối Vàng và bễ chứa nước Tùng Lâm… đều cách xa trung tâm thành phố; ngoài ra, còn có các Trạm cấp nước tại Thung lũng Tình yêu, hồ Than thở, trước đây có cả hồ Xuân Hương.

Đặc biệt lưu ý: Tại Đà Lạt – Lâm Đồng, hầu hết các hồ nước hiện có (như: hồ Suối Vàng, Than Thở, Thung lũng Tình yêu, Xuân Hương, Tuyền Lâm và thác Prenn, Cam Ly…) đều xuất pháp từ giải pháp “xây đập chắn dòng”, tạo thành các hồ, đập theo tầng bậc của địa hình. Mục tiêu ban đầu là dự trữ nguồn nước sinh hoạt, kết hợp tính chất hồ cảnh quan, hồ thủy lợi điều tiết nước – sau trở thành các Di tích thắng cảnh Quốc gia.

Trong tất cả các loại đồ án QHXD, quy trình hồ sơ đều phải trải qua các giai đoạn:

  • Tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư;
  • Lấy ý kiến từ các sở chuyên ngành và các hội nghề nghiệp có chức năng liên quan.
  • Tùy mức độ quan trọng của đồ án / đề án, nếu có sự tác động đến môi trường, kinh tế, xã hội, phúc lợi, đời sống của đại bộ phận nhân dân trong vùng quy hoạch, cần tham khảo ý kiến từ các thành viên / chuyên gia do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp chủ trì.
  • Thông qua cấp Ủy, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (cấp huyện, thành phố đến tỉnh) và Chính quyền địa phương (tùy theo cấp độ và phạm vi, tính chất của từng loại đồ án QHXD).
  • Thông qua Hội đồng thẩm định quy hoạch cấp tỉnh hoặc cấp huyện, thành phố (tùy cấp phê duyệt).

Một khi các đồ án QHXD chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương và dự báo không sát với tiến trình “đô thị hóa”… thì giai đoạn lập QHCT để hình thành các dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật (nói chung) và hệ thống cấp nước sạch trong đô thị (nói riêng) sẽ gặp nhiều trở ngại trong quá trình tính toán hiệu quả đầu tư, phát huy giá trị công trình trong đời sống xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao tiện ích sử dụng nước sạch cho cộng đồng tại các đô thị.

Thay lời kết

Khái quát như vậy để thấy các đồ án QHXD có vai trò quan trọng trong định hướng chiến lược và là công cụ quản lý nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội, quản lý QHXD và phát triển đô thị. Vấn đề đặt ra là: Làm thế nào để nâng cao chất lượng chuyên môn từ các đồ án QHXD trước khi phê duyệt ? Bởi lẽ, trong thực tế quá trình “quản lý sau quy hoạch”, đã có những đồ án sau khi được duyệt  đã cho thấy có sự bất cập trong thực tiễn hoặc triển khai không khả thi, sau đó địa phương lập thủ tục xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch được duyệt (cục bộ hoặc toàn phần) – mặc dù chưa đến kỳ điều chỉnh 5 năm/1 lần (theo quy định).

Để nâng cao chất lượng các đồ án QHXD và dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, kiến nghị các cấp Chính quyền cần quan tâm 3 nhóm vấn đề sau:

  1. Dự báo nhu cầu, xác định “Nguồn cung”: về nguồn nước, trữ lượng, chất lượng, vị trí khai thác, khả năng phát triển về thị trường tiêu dùng nước…
  2. Việc tư vấn và tham vấn: Chú trọng năng lực – trình độ và vai trò, trách nhiệm của các nhân tố chủ chốt trong quá trình tổ chức lập, lấy ý kiến và thẩm định chuyên môn. Thực tế cho thấy (có lúc / có nơi), việc tổ chức lấy ý kiến cộng đồng còn mang tính hình thức; ý kiến các sở ngành bằng văn bản chưa thật sự đầy đủ về chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành; việc tiếp thu ý kiến của tư vấn còn mang tính chấp hành, nhằm để hồ sơ được nhanh chóng thông qua, trình duyệt…

3. Tọa đàm và tranh luận: Nâng cao và phát huy vai trò lấy ý kiến chuyên gia từ các hội nghề nghiệp và từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp. Cần thiết tổ chức các cuộc tọa đàm, tranh luận giữa tư vấn và các chuyên gia phản biện; nhằm đảm bảo tính khoa học (về phương pháp nghiên cứu) và tính khả thi (về chất lượng, giải pháp) trong quá trình thẩm định; nhằm đi đến sự thống nhất cao trong các cuộc họp Hội đồng thẩm định từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh…./.

ThS.KTS. TRẦN ĐỨC LỘC – PCT. Hội Quy hoạch Phát triển đô thị tỉnh Lâm Đồng

Bài viết cũ hơn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *