Vào khoảng trung tuần tháng 4 này, dân số của Việt Nam sẽ đạt tới mốc 100 triệu người. Có thể nói đây là một cột mốc rất lớn và rất có ý nghĩa trong lịch sử phát triển của dân tộc ta, bởi nó khẳng định sức sống vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Bất chấp thiên tai, dịch bệnh và bất chấp chiến tranh hủy diệt, dân tộc ta vẫn không ngừng vươn lên, không ngừng lớn mạnh.
Người hâm mộ bóng đá Việt Nam xuống phố cổ vũ đội tuyển quốc gia (Ảnh: Tiến Tuấn)
Để dễ cảm nhận, vào năm 1858, khi thực dân Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta, dân số Việt Nam chỉ vào khoảng 15-20 triệu người, dân số Pháp là vào khoảng 35-36 triệu người. (Công tác thống kê dân số thời kỳ đó chưa được tổ chức một cách quy củ và khoa học, nên chúng ta chỉ có được những số liệu tương đối chính xác).
Ở thời điểm đó, dân số nước Pháp lớn gấp đôi dân số Việt Nam. Ngày nay, dân số Việt Nam là 100 triệu người, dân số Pháp 67 triệu người. Dân số Việt Nam đã lớn lên gấp rưỡi Pháp.
Thứ hai, 100 triệu dân là nguồn nhân lực rất lớn. Nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất của mọi quốc gia. Một đất nước có thể trở nên giàu có, hùng cường hay không phụ thuộc cơ bản vào việc nguồn nhân lực của đất nước đó đã được phát huy tác dụng như thế nào.
Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, một đất nước cho dù có tài nguyên thiên nhiên rất phong phú nhưng nguồn nhân lực không được phát huy, thì vẫn không thể phát triển được. Ngược lại những nước nghèo nàn về tài nguyên thiên nhiên như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc… vẫn có thể phát triển và thịnh vượng nhờ vào việc phát huy yếu tố con người.
Nhiều nhà nghiên cứu thậm chí còn coi sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên như một lời nguyền về sự chậm phát triển. Lý do là vì khi người ta được thiên nhiên ưu đãi và có thể khai thác tài nguyên, thiên nhiên quá dễ dàng, thì nguồn nhân lực ít được coi trọng. Mà khi nguồn nhân lực ít được coi trọng, ít được phát huy, thì đất nước không thể nào phát triển vượt bậc được.
Là một nước có thể được coi là khá giàu có về tài nguyên thiên nhiên, Việt Nam chúng ta có thể vượt qua lời nguyền nói trên để trở nên phát triển, hùng cường và thịnh vượng được hay không?
Câu trả lời phụ thuộc vào khả năng phát huy nguồn lực to lớn và quan trọng nhất của đất nước- đó là nguồn nhân lực. Các nguồn lực khác của đất nước như địa chính trị, như đất đai, tài nguyên thiên nhiên… là quan trọng, nhưng quyết định sẽ là và mãi mãi là nguồn nhân lực.
Thứ ba, 100 triệu dân tạo ra một thị trường tiêu thụ rất lớn. Với 100 triệu dân, Việt Nam có thị trường tiêu thụ tiềm năng lớn cho nhiều sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Đây chính là động lực rất lớn để phát triển kinh tế, cũng như thu hút đầu tư nước ngoài. Khi nói đến kinh tế thị trường, thì quan trọng nhất là thị trường. Thế thì Việt Nam đang có một thị trường đầy tiềm năng. Chính thị trường này sẽ là sự bảo đảm vững chắc cho việc hoạch định chiến lược và chính sách phát triển kinh tế một cách độc lập tự chủ.
Thứ tư, 100 triệu dân là tiềm năng to lớn cho đổi mới và sáng tạo. Nhiều công dân thì nhiều ý tưởng, nhiều ý tưởng thì nhiều cơ hội cho những thử nghiệm thấm đẫm tinh thần đổi mới và sáng tạo. Dân số đông đúc có thể tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới và sáng tạo trong các lĩnh vực như khoa học, công nghệ, y tế, năng lượng, nông nghiệp và nhiều ngành công nghiệp khác.
Thứ tư, 100 triệu dân là một nguồn động lực to lớn cho quá trình đô thị hóa. Đô thị hóa lại là động lực cho phát triển kinh tế. Các đô thị sẽ đóng vai trò là trung tâm kinh tế, công nghiệp và dịch vụ của đất nước.
Cơ hội khi dân số đạt mức 100 triệu người là rất lớn, nhưng thách thức cũng không hề nhỏ.
Thách thức đầu tiên là áp lực lên tài nguyên. Dân số đông đúc tạo áp lực to lớn lên tài nguyên như đất đai, nước, năng lượng, lương thực – thực phẩm. Để đáp ứng nhu cầu của dân số đông đúc là một thách thức rất lớn. Chúng ta sẽ phải đổi mới hơn nữa để quản lý tài nguyên thông minh hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn.
Thách thức thứ hai là áp lực lên cơ sở hạ tầng. Với dân số đông đúc, cơ sở hạ tầng của đất nước, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông và đô thị cần phải được phát triển tương ứng. Điều này đòi hỏi phải chất lượng quy hoạch phải được nâng cao và đầu tư phải được tăng cường. Ngoài ra, cũng cần đặc biệt quan tâm giải quyết các vấn đề liên quan đến tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường.
Thách thức thứ ba là áp lực lên dịch vụ công. Với dân số đông đúc, việc cung cấp các dịch vụ công như y tế, giáo dục, an sinh xã hội, an ninh, công bằng xã hội và hỗ trợ xã hội sẽ đòi hỏi không chỉ phải có những nguồn lực rất lớn, mà còn phải có năng lực quản lý tương ứng.
Thách thứ tư là áp lực lên việc cung cấp việc làm. Dân số đông nghĩa là việc làm sẽ phải cung cấp cho nhiều người. Điều này đòi hỏi phải có sự đa dạng trong cơ cấu của nền kinh tế, các ngành công nghiệp và dịch vụ tạo ra nhiều việc làm cần phải được coi trọng. Bên cạnh đó, cần phải phát triển nguồn nhân lực năng động và có những kỹ năng phù hợp với thị trường lao động.
Thách thức thứ năm là áp lực của các vấn đề xã hội. Dân số đông thì các vấn đề xã hội như bất bình đẳng, tệ nạn xã hội, tội phạm cũng có thể tăng lên. Điều này đòi hỏi phải có những chính sách toàn diện, hiệu quả để bảo đảm sự hài hòa, gắn kết xã hội và ổn định xã hội.
Thách thức thứ sáu là áp lực lên môi trường. Dân số đông đúc sẽ tạo áp lực to lớn lên môi trường bao gồm cả ô nhiễm, tàn phá rừng, làm suy giảm sự đa dạng sinh học. Bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên sẽ là những lĩnh vực chính sách cần phải được quan tâm và đầu tư thỏa đáng.
Cuối cùng, với dân số đạt 100 triệu người, Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới về quy mô dân số. Trong lúc đó GDP của Việt Nam năm 2021 là 302,6 tỷ USD, đứng thứ 25 trên thế giới. Như vậy, so với nguồn nhân lực, sức mạnh kinh tế của nước ta còn thấp hơn nhiều. Điều này cho thấy, tiềm năng của nguồn nhân lực vẫn chưa được khai thác đầy đủ và vẫn còn rất dồi dào.
Vai trò của nhân lực càng quan trọng hơn để thúc đẩy phát triển, khi Việt Nam chúng ta đang có dân số vàng. Với dân số 100 triệu người, thì nước ta có đến hơn 51 triệu người đang trong độ tuổi lao động. Đây chính là một trong những điều kiện quan trọng nhất để thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của đất nước.
Tuy nhiên, vấn đề của nước ta là thời kỳ dân số vàng sẽ kết thúc khá sớm. Theo các nhà nghiên cứu xã hội học thì thời kỳ dân số vàng của nước ta bắt đầu năm 2006 và sẽ kết thúc vào năm 2039. Từ đây đến đó, chúng ta còn tất cả 17 năm nữa.
Với khoảng thời gian này, chúng ta phải có những giải pháp chính sách mạnh mẽ nhất để phát huy tối đa nguồn nhân lực của mình. Quan trọng là phải vượt qua nghịch cảnh chưa giàu đã già. Chúng ta cần phải phát huy tối đa tiềm năng của dân số vàng trong việc chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết về kinh tế, kỹ thuật và xã hội để sự già hóa dân số không ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống thịnh vượng và an vui của người Việt./.
Bài viết của TS. Nguyễn Sĩ Dũng. Nguồn dantri