Một nghiên cứu được công bố mới đây do báo Nhật Nikkei Asia dẫn lại cho biết, điều kiện nhà vệ sinh công cộng ở hai thành phố lớn nhất Việt Nam xếp vị trí không thể tệ hơn.
Đường phố TP. HCM có mọi thứ mà khách du lịch mong muốn như thức ăn ngon, lịch sử kiến trúc sâu sắc, cuộc sống sôi động… Tất cả đều hấp dẫn, trừ nhà vệ sinh.
Thành phố này, cùng với Hà Nội, là hai trong những thành phố có điều kiện sử dụng nhà vệ sinh công cộng tệ nhất đối với bất kỳ du khách nào, theo một chỉ số khảo sát vừa được công bố cuối tháng 1.2023. Bảng xếp hạng điều kiện nhà vệ sinh công cộng tại 69 thành phố du lịch trên thế giới được cho là giúp du khách chọn “điểm đến một cách thận trọng” và “làm nổi bật vấn đề quan trọng nhưng kém hấp dẫn này” – đó là nhà vệ sinh.
Chỉ Johannesburg của Nam Phi và Cairo của Ai Cập xếp hạng thấp hơn so với hai thành phố lớn nhất Việt Nam trên bảng chỉ số nhà vệ sinh công cộng, tính trên mỗi km vuông. Trong khi đó, Kuala Lumpur (Malaysia) đứng 42, Bangkok (Thái Lan) vị trí 45…
Tờ báo uy tín xứ mặt trời mọc nhận định: Ngành du lịch nói chung và doanh nghiệp khách sạn Việt Nam nói riêng đang tìm cách đột phá sau khi Việt Nam không đạt được số khách quốc tế như kỳ vọng trong năm 2022. Đất nước miền nhiệt đới này tự hào với nhiều thắng cảnh nổi tiếng thế giới nhưng chỉ thu hút 3,6 triệu khách du lịch nước ngoài vào năm ngoái sau khi dỡ bỏ các hạn chế về Covid-19. Có nhiều vấn đề khiến du khách khó tiếp cận hơn điểm đến Việt Nam so với Thái Lan hay Indonesia, đặc biệt là những hạn chế về thị thực và những cơ sở hạ tầng du lịch…
Nikkei Asia cho rằng, có một sự thật không thể chối cãi là du khách, sau khi uống cà phê kem trứng và tản bộ trên vỉa hè lát đá của Hà Nội trong một giờ, sẽ phát hiện khó kiếm ra nhà vệ sinh công cộng ở xung quanh. Các tờ rơi hướng dẫn du khách nhắc nhở họ mang theo tiền hoặc lưu các số điện thoại khẩn cấp, nhưng lại không chuẩn bị cho mọi người việc cơ bản nhất này. Trong một nghiên cứu đã mô tả “Việc sử dụng nhà vệ sinh không chỉ là nhu cầu và quyền. Đây còn là vấn đề về nhân phẩm, hòa nhập và tôn trọng”.
Đó cũng là vấn đề kinh tế xã hội. 10 nơi dẫn đầu về mật độ nhà vệ sinh công cộng cao trên km vuông hầu hết là các thành phố giàu có và phát triển, chẳng hạn Paris, Zurich, Barcelona…; trong khi nhóm thành phố dưới cùng chủ yếu ở châu Phi hoặc châu Á thuộc các nước đang phát triển.
Theo Thanh niên online