Ý kiến của Chủ tịch VUPDA cho nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung

Ngày 05 tháng 01 năm 2022, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam – VUPDA đã có những ý kiến tham vấn cho Nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền trung. Ảnh nguồn tạp chí Kinh tế

Nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là Quy hoạch vùng thứ 2 được lập (sau Quy hoạch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long). Theo Luật Quy hoạch, các quy hoạch phải tuân thủ theo trình tự (1) Quy hoạch tổng thể Quốc gia; (2) Quy hoạch vùng; (3) Quy hoạch tỉnh… Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nên trong  khi chưa có Quy hoạch tổng thể Quốc gia được phê duyệt, chưa có Quy hoạch vùng nào được phê duyệt, nhưng các địa phương vẫn đang tiến hành lập Quy hoạch tỉnh để đáp ứng yêu cầu cho phát triển kinh tế- xã hội thông qua các dự án trên lãnh thổ của mình.

Bởi vậy, việc lập Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Miền Trung thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết, có thể tham khảo từ kinh nghiệm của Quy hoạch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đã trình Chính phủ thẩm định. Song, mỗi vùng đều có những nét rất đặc thù và riêng biệt, nên quy hoạch vùng không những phải dựa trên cơ sở pháp lý mà còn cần dựa trên vị trí và các mối quan hệ tác động đến vùng.

Chủ tịch VUPDA đã có những ý kiến tham góp, bổ sung cho Nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, như sau:

Những vấn đề cần nghiên cứu, bổ sung                                                

Làm rõ nội dung nghiên cứu vùng có tác động đến các vùng và quốc tế

Như đã trình bày, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung có tiếp giáp với vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ và vùng Tây Nguyên. Phần Bắc Trung Bộ phía Tây giáp nước bạn Lào. Do vậy, không chỉ làm rõ tác động của vùng với các địa danh liền kề mà vị trí địa lý đặc biệt của vùng có tác động đến quá trình toàn cầu hóa của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.

Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Miền Trung có 14 tỉnh/thành phố trải dài 11 độ vĩ tuyến với 1900 km bờ biển. Chúng ta phải xem vùng này là bộ khung quan trọng của Quốc gia (là đòn gánh) gánh hai đầu đất nước. Với Quốc gia biển như Việt Nam hướng ra biển là không gian biển quan trọng của Quốc gia mà Quần đảo Hoàng Sa thuộc Đà Nẵng và Quần đảo Trường Sa thuộc Khánh Hòa quản lý là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc.

Về quan điểm và mục tiêu phát triển vùng (mục 4.2)

Trong mục quan điểm về phát triển vùng, nhiệm vụ đã nêu 4 quan điểm vế: tổ chức không gian phát triển các hoạt động kinh tế- xã hội, quốc phòng an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ vùng trong thời kỳ quy hoạch. Nhưng vẫn thiếu 1 quan điểm quan trọng, đó là quan điểm về phát triển hệ thống đô thị nông thôn. Đây là hệ thống quan trọng trong tổ chức phân bố dân cư của vùng, mà đô thị đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Tại phần 4.5 (phương hướng xây dựng, bao gồm xác định hệ thống đô thị nông thôn, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao…) đã có mục 4.5.1. là hệ thống đô thị nông thôn, bởi vậy cần đưa quan điểm về phát triển đô thị và nông thôn vào mục này (4.2).

Cần nhấn mạnh các đô thị tỉnh lỵ của 14 tỉnh/thành phố đều là các đô thị biển trong tương lai

Hiện tại các tỉnh/thành phố là đô thị biển, gồm có: Đồng Hới (Quảng Bình); Đà Nẵng; Quảng Ngãi đã có quy hoạch hướng ra cảng Sa Kỳ, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Phan Rang- Tháp Chàm và Phan Thiết. Tuy nhiên, thành phố Vinh (trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ) đã được quy hoạch về không gian Vinh- Cửa Lò (được Thủ tướng phê duyệt). Cần phải nhấn mạnh, Vinh là thành phố biển vì có khu du lịch Cửa Lò và cảng biển Cửa Lò. Đây là tầm nhìn và tâm thế cho Nghệ An có đô thị loại I hướng biển.

Bãi biển Cửa Lò. Ảnh Tuấn Anh Production

          Trong hướng phát triển của thành phố Thanh Hóa cũng hướng về Sầm Sơn. Thành phố Hà Tĩnh có quy hoạch về không gian biển Thạnh Khê; Quảng Trị có đô thị Đông Hà cũng hướng về cảng biển Cửa Việt; thành phố Huế (cố đô Huế) và Cửa Thuận An đã là một không gian biển gắn kết với Phá Tam Giang và biển Đông.

Các địa phương trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Miền Trung đã có hướng quy hoạch đô thị tỉnh lỵ của mình vươn ra biển là một lợi thế khi nhiệm vụ thiết kế nêu ra mạng lưới đô thị của vùng có tầm quan trọng về khai thác không gian biển.

Nội dung chính của công tác quy hoạch

Đã nêu ra nhiều mục, hạng mục phù hợp với lý thuyết quy hoạch vùng. Tuy nhiên, trong bản nhiệm vụ này chỉ nêu mang tính vĩ mô, những nội dung đề cập trong nhiệm vụ được nêu chung chung như các vùng khác. Vì vậy, nhiệm vụ quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Miền Trung thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cần phải cho thấy rõ hiện trạng đã có và dự báo phát triển, để đặt ra những tên gọi cụ thể, địa danh cụ thể, quy mô và hướng phát triển. Như vậy việc thực hiện quy hoạch sẽ theo đúng với sự phát triển và phù hợp với hiện tại cũng như tương lai của vùng.

Trong nội dung này, chúng tôi thấy cần phải đặt ra nội dung quy hoạch các khu đô thị gắn kết với các khu công nghiệp – khu kinh tế vùng. Ví dụ cụ thể: trong nhiệm vụ thiết kế quy hoạch vùng cần làm rõ việc nghiên cứu thiết kế quy hoạch được xem xét và lồng ghép vào tổ chức không gian hệ thống đô thị chung của vùng.

– Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa): Đây là khu kinh tế mới nổi, có các công nghiệp tạo vùng quan trọng như lọc- hóa dầu- cảng biển… Trong quy hoạch vùng kinh tế Nghi Sơn đã có đô thị Nghi Sơn (ranh giới đô thị bao gồm toàn huyện Tĩnh Gia).

 – Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh): Là khu kinh tế mũi nhọn về công nghiệp luyện thép- cảng biển nước sâu (là cảng cho giao thương với Lào trong tương lai) sẽ là khu kinh tế có quy mô lớn ở miền Trung. Trong quy hoạch này có đô thị Vũng Áng.

– Khu kinh tế Chân Mây (Thừa Thiên Huế): Là cảng chuyên dụng và tổng hợp – Có quỹ đất dồi dào. Là đô thị công nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế.

– Khu kinh tế Chu Lai có sân bay Chu Lai (Quảng Nam): Là khu công nghiệp lắp ráp ô tô và công nghiệp cảng Sa Kỳ (có đô thị Núi Thành). Sân bay Chu Lai là sân bay quốc tế (và là cảng hàng hóa lớn).

– Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi): Là khu kinh tế hàng đầu về lọc hóa dầu, đóng tàu biển, công nghiệp sau dầu và tận dụng cảng nước sâu Dung Quất. Khu kinh tế Dung Quất đã mở rộng ra phần lớn huyện Bình Sơn- Quảng Ngãi và thành phố Vạn Tường là đô thị của khu kinh tế.

– Khu kinh tế Nhơn Hội- kết hợp với thành phố biển Quy Nhơn (Bình Định): Đây là khu kinh tế được sử dụng diện tích rất lớn của bán đảo Phương Mai (một bên là biển có cảng và một bên là đầm Thị Nại) và đô thị Phương Mai.

– Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa): Đây là khu kinh tế có tiềm năng lớn rất lớn về cảng biển nước sâu- trung tâm logistic lớn nhất cả nước, khu du lịch biển và vịnh đẹp nhất Việt Nam. Khu vực này đã được quy hoạch với phạm vi rất lớn, ôm trọn cả vịnh Vân Phong và phía Bắc Khánh Hòa. Đô thị biển Vân Phong được cho là một đô thị hấp dẫn của Nam Trung Bộ.

– Phải làm rõ nét hơn về cảng Cam Ranh – Cảng quân sự quan trọng của Việt Nam. Trong quy hoạch chung đô thị, Cam Ranh còn có một vị trí đặc biệt trong các đô thị biển Việt Nam.

Mặc dù, những nội dung này sẽ được nhóm tư vấn làm quy hoạch nghiên cứu sâu hơn để đưa ra hệ thống đô thị biển. Song việc gợi ý này sẽ làm cho nhiệm vụ thiết kế của vùng cụ thể hơn và có chiều sâu hơn.

Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch

Giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết vùng, liên kết nội vùng là như thế nào cần phải được làm rõ. Chúng ta đã có vùng Thủ đô và vùng Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng chưa có một cơ chế nào hữu hiệu. Vậy trong nội dung này, hướng nghiên cứu về cơ chế sẽ ra sao khi trong luật pháp không có chính quyền cấp vùng. Vậy Hội đồng vùng hoặc một tên gọi mới có đưa vào trong thực tiễn quản lý được không?

Đề xuất các hợp phần quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung

Theo phân công tại bảng trong nhiệm vụ gồm 12 nội dung với 7 bộ tham gia. Với cách phân công này, các Bộ sẽ tự nghiên cứu và làm chủ các nội dung được phân công. Vậy, việc kết hợp với nhau hay với một cơ quan làm chủ hay chủ nhiệm xem xét để kết nối và lựa chọn trong 12 nội dung này sẽ được thực hiện như thế nào? Và quan trọng hơn cả là việc tổng hợp các nội dung này vào quy hoạch tổng thể – một không gian chung để tích hợp 12 nội dung đó sẽ được giải quyết ra sao?

Nội dung các bản vẽ sẽ được thực hiện như thế nào, nhất là về tổ chức không gian lãnh thổ vùng?

Yêu cầu về thời hạn, kế hoạch và tiến độ lập quy hoạch

Theo nhiệm vụ này, tháng 12 năm 2022 sẽ trình Thủ tướng phê duyệt và ban hành Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung

Trong thực tế, một quy hoạch chung cho một đô thị 30 vạn dân phải làm trong 1 năm (12 tháng). Vậy quy hoạch vùng cho 14 tỉnh/thành phố với một nội dung đồ sộ như trong nhiệm vụ đã nêu và có rất nhiều bộ ngành tham gia, chúng tôi nghĩ thời gian 12 tháng là không khả thi để đạt chất lượng như mong muốn.

Kết luận

Đây là một nhiệm vụ quy hoạch vùng được lập rất công phu, bài bản, khoa học, có ý nghĩa lý luận về quy hoạch và thực tiễn ở Việt Nam, với đầy đủ các hạng mục của một quy hoạch theo luật định. Là một quy hoạch được chuẩn bị bài bản nhưng vẫn còn chung chung (có thể áp dụng cho các vùng tỉnh), chỉ riêng phần kinh tế biển là được làm rõ.

Là vùng đặc biệt, trải dài qua 14 tỉnh/thành phố với 1900 km đường bờ biển, nên nhiệm vụ lập quy hoạch phải được làm rõ hơn cho từng phân vùng với nội dung cụ thể hơn.

Để nhiệm vụ này có thể trình Thủ tướng phê duyệt, nên chăng cần xem xét lại những phần còn quá chung chung, cần đi sâu hơn vào các nội dung kỹ thuật của từng phân vùng, về các dự án cụ thể, để phân tích và đưa ra các nội dung phù hợp với thực tiễn, trình độ khoa học công nghệ và quản lý ở tầm cao./.

Tổng hợp: Thanh Ý

 

                                                       

 

Bài viết cũ hơn