Đại dịch Covid-19 đã khiến việc đi lại, vận chuyển hành khách toàn cầu bị ngưng trệ. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để nhiều thành phố nhìn nhận lại việc quản lý giao thông cá nhân và công cộng để thích ứng với đại dịch.
Nhiều địa phương đầu tư mở rộng làn đường cho người đi xe đạp. Ảnh: ISGLOBAL
Theo tạp chí Intertraffic, tạp chí chuyên ngành giao thông và cơ sở hạ tầng có trụ sở ở Hà Lan, trong gần một năm qua, hàng loạt thành phố trên thế giới đã trải qua giai đoạn đình trệ giao thông chưa từng thấy. Một nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho thấy, trong năm 2020, mức độ tắc nghẽn giao thông toàn cầu đã giảm mạnh, khi có 387 trong tổng số 400 thành phố được điều tra đã tụt giảm sâu mức độ ùn tắc giao thông. Tại một số địa phương, các tuyến đường chính chỉ hoạt động dưới 25% công suất, thậm chí thấp hơn.
Giãn cách xã hội đã khiến nhu cầu di chuyển của người dân thay đổi đáng kể, song các biện pháp phòng, chống dịch cũng đang dần đưa cuộc sống trở lại “nhịp điệu” trước đây. Nhiều địa phương đã đầu tư vào việc mở rộng cơ sở hạ tầng dành riêng cho người đi bộ và đi xe đạp. Trong thời gian giãn cách, do quãng đường di chuyển ngắn hơn và lo ngại bị lây nhiễm khi di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng, người dân nhiều nước châu Âu đã chọn xe đạp thay vì những phương tiện giao thông khác, vừa mang lại lợi ích cho sức khỏe vừa thân thiện môi trường. Từ đầu năm đến nay, giới chức thành phố Milan (Italia) đã triển khai kế hoạch chuyển đổi 35 km các tuyến phố dành cho ô-tô trước đây, thành làn đường dành cho xe đạp. Milan cũng mở rộng vỉa hè để bảo đảm khoảng cách an toàn, bảo vệ người dân sau khi dỡ bỏ các quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Thủ đô Madrid của Tây Ban Nha đã triển khai một hệ thống di chuyển thông minh để thích ứng với mức độ tắc nghẽn giao thông dự báo có thể tăng trở lại bằng mức trước đại dịch. Madrid đã đưa vào sử dụng “Hệ thống quản lý đèn giao thông tự thích ứng”, có khả năng tự động điều chỉnh thời gian dừng – đi phù hợp luồng giao thông thực tế trên từng tuyến đường. Nhà chức trách Madrid cũng tăng cường thu thập dữ liệu di chuyển, bao gồm cả người đi bộ, người đi xe đạp, đi xe máy và người điều khiển ô-tô, qua đó có thể nâng cao mạng lưới thông tin để có được cái nhìn tổng quan và chính xác hơn về tình hình giao thông hiện tại của thành phố.
Hệ thống đèn giao thông thích ứng tại Thủ đô Madrid. Ảnh: SHUTTER STOCK
Ngoài việc sử dụng các phép đo mật độ giao thông bằng công nghệ, cảnh sát giao thông sẽ phải cung cấp thông tin để đưa vào phân tích thông qua nền tảng phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Ông Michael Ganser, chuyên gia tư vấn điều phối giao thông của TP Madrid cho biết: “Điều này cho phép chính quyền thành phố phản ứng lập tức khi có tai nạn và ùn tắc giao thông. Dữ liệu cũng cho phép thành phố quản lý các luồng giao thông và liên tục tối ưu hóa lộ trình di chuyển cho tất cả các phương thức vận tải. Kết quả là cả người dân và môi trường đều được hưởng lợi”.
Ngoài ra, đầu tư vào giao thông công cộng vẫn được coi là cách để giảm số lượng ô-tô cá nhân trên các tuyến đường trung tâm thành phố. Tuy nhiên, theo ông Ganser, qua đánh giá cho thấy nguy cơ “bùng nổ” hoặc gia tăng sử dụng phương tiện cá nhân khi các biện pháp giãn cách được dỡ bỏ hoàn toàn. Do đó, đại dịch là thời kỳ để suy ngẫm song cũng là cơ hội để đánh giá lại các biện pháp quản lý giao thông hiện nay, sao cho có thể thích ứng nhu cầu di chuyển mới sau đại dịch.
Nguồn Thanh Tâm- Báo Thời nay
.