Hà Nội: Tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị khu vực nội đô

Hội thảo xây dựng cơ chế, chính sách về phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội. do Bộ Tư pháp phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức, ngày 31/8 vừa qua. Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tham dự và phát biểu tại hội thảo.

Trong những năm qua, việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị không gian lịch sử văn hóa, truyền thống tại khu vực nội đô lịch sử là vấn đề được đặt ra trong nhiều chính sách, giải pháp của chính quyền các cấp tại Hà Nội. Tuy nhiên, kết quả chưa được như mong đợi.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đồng chủ trì hội nghị.

Hiện nay các nguồn lực để cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử, bao gồm các khu phố cổ, khu phố cũ, biệt thự cũ và những công trình kiến trúc có giá trị khác, theo hướng bảo tồn không gian văn hóa và cảnh quan, phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử còn manh mún, chưa tập trung vì vướng những vấn đề về quy định pháp luật và nguồn lực xã hội.

Cùng với các giải pháp về bảo tồn ở khu vực nội đô lịch sử, TP Hà Nội cũng cần phải giải quyết các vấn đề liên quan đến nhà ở cũ, nhà nhiều hộ (không phải các chung cư cũ) đã xuống cấp, không đảm bảo chất lượng sống, ảnh hưởng đến an toàn của người dân, bộ mặt kiến trúc cảnh quan xuống cấp ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Các khu nhà ở này phân bố chủ yếu trong khu vực trung tâm TP, nhất là khu vực nội đô lịch sử, nơi tập trung đông dân cư, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bị hư hỏng nặng, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng và quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành…

Cần có các giải pháp để khuyến khích người dân cùng tham gia vào công tác bảo tồn, chỉnh trang và tái thiết đô thị tại khu vực nội đô lịch sử và các khu vực khác của Thủ đô

Các quy định pháp luật hiện tại chưa tạo điều kiện để có sự hợp tác công tư hoặc các giải pháp đột phá khác để có thể phát huy hiệu quả kinh tế xã hội cũng như bảo tồn của các công trình này. Ngoài ra, việc cải tạo, tái thiết các khu vực hiện hữu trong đô thị tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng (theo khoản 3 Điều 10 Luật Thủ đô) yêu cầu phải giải phóng mặt bằng lớn để có thể đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cũng như để giãn mật độ dân số và giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường ở khu vực trung tâm Thủ đô. Vấn đề này dẫn đến khối lượng công việc tái định cư lớn, phải đầu tư nguồn lực lớn về tài chính, bố trí quỹ đất, quỹ nhà để phục vụ công tác tái định cư, giải phóng mặt bằng trong các dự án cải tạo, tái thiết do phải di chuyển nhiều hộ dân, khó đạt tỷ lệ đồng thuận cao của người dân.

Do đó, cần có các giải pháp để khuyến khích người dân cùng tham gia vào công tác bảo tồn, chỉnh trang và tái thiết đô thị tại khu vực nội đô lịch sử và các khu vực khác của TP. Ngoài ra, TP Hà Nội đã phê duyệt cơ chế chính sách Đề án dãn dân phố cổ (khu vực quận Hoàn Kiếm) từ năm 2014, tuy nhiên việc thực hiện còn chậm và chưa hiệu quả do có nhiều vướng mắc trong cơ chế, chính sách pháp luật.

Việc phát triển không gian ngầm tại khu vực trung tâm khu vực nội đô lịch sử, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, hiện tại mới chỉ chú trọng phát triển hệ thống giao thông động, đó là các hệ thống tầu điện ngầm, hầm chui,… Trong khi nhu cầu của phát triển ở khu vực nội đô lịch sử cần chú trọng phát triển không gian ngầm để phục vụ phát triển giao thông tĩnh, dịch vụ thương mại bổ trợ công cộng và bảo tồn không gian văn hóa và cảnh quan tại khu vực nội đô lịch sử.

Việc quản lý các công trình nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc có giá trị tại khu vực nội đô lịch sử còn bất cập, thiếu cơ chế quản lý, mới chỉ tập trung vào các biện pháp để bảo tồn mà chưa có các giải pháp hữu hiệu để phát huy giá trị của các công trình thành nguồn lực phát triển. Công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại khu vực nội đô lịch sử và toàn TP Hà Nội vẫn chưa phát huy hiệu quả…

Tháo gỡ những điểm nghẽn

Góp ý, thảo luận tại hội thảo, KTS Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đánh giá, hiện nay, tại khu vực các quận lõi nội đô Hà Nội: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng đang tồn tại nhiều khu dân cư có mật độ xây dựng rất cao, tạo ra những không gian sống bị đóng kín, chật chội. Điều kiện nhà ở không đạt chuẩn cùng với sự thiếu hụt các công trình công cộng, dịch vụ xã hội đã tác động không nhỏ đến sự an toàn, sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đánh giá cao các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, đều rất sâu sắc, trách nhiệm, thể hiện tình cảm với Hà Nội...
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đánh giá cao các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, đều rất sâu sắc, trách nhiệm, thể hiện tình cảm với Hà Nội…

Tuy nhiên, khó có thể để thay đổi những bất cập này, nhất là tình trạng quá tải do sự phát triển quá nóng của các chung cư cao tầng, dẫn đến tắc nghẽn về giao thông, mất cân đối về cơ cấu sử dụng đất. Số lượng nhà ở, đặc biệt là nhà cao tầng phát triển không tương xứng với diện tích đất giao thông nội đô. Với hạ tầng kỹ thuật không theo kịp với phát triển dân số; cây xanh, hạ tầng xã hội vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Cùng với quy hoạch, kiến trúc cũng thiếu sự kiểm soát nên các giá trị kiến trúc truyền thống dần mai một.

Ví dụ như ở quận Đống Đa có mật độ dân số cao nhất TP với khoảng 37.688 người/km2, cao gấp 15 lần mật độ dân số chung của toàn TP. Đây cũng là khu vực còn tồn tại nhiều khu dân cư cũ, cơ sở hạ tầng đang trên đà xuống cấp. Tại quận Hoàn Kiếm, với quỹ đất hẹp, mật độ dân cư cao, chất lượng nhà ở xuống cấp, do các nhà cổ, nhà cũ đã lâu không được cải tạo, sửa chữa; vấn đề quản lý và sở hữu chưa được cụ thể hóa trong các chính sách. Trên địa bàn quận đang rất thiếu các không gian công cộng, nhất là không gian văn hóa đáp ứng nhu cầu vui chơi và thể thao của người dân. Đối với quận Ba Đình, do quá trình đô thị hóa, cùng với sự tăng nhanh dân số dẫn đến việc chia cắt các ô đất để xây dựng nhà ở cho nhiều thế hệ, không gian bị bê tông hóa… Các khu đất trống, cây xanh, mặt nước bị lấn chiếm, san lấp hoặc phá bỏ để xây dựng nhà ở.

“Là người làm công tác quy hoạch, tôi cho rằng hiện trạng cơ cấu sử dụng và tổng số lượng quỹ đất hữu hạn thì việc tăng diện tích đất ở tại 4 quận nội đô sẽ làm giảm diện tích đất dành cho công trình hạ tầng, gây nên mất cân đối cơ cấu sử dụng. Sự suy giảm quỹ đất hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội dẫn đến các hiện tượng như ách tắc giao thông, thiếu trường học, sân chơi, công viên…” – KTS Trần Ngọc Chính chia sẻ.

Theo KTS Trần Ngọc Chính, để cải tạo, tái thiết chỉnh trang đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội, quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc vừa được UBND TP Hà Nội ban hành (QĐ 975/QĐ-UBND) là căn cứ quan trọng để các tổ chức, cá nhân tuân thủ trong quá trình lập quy hoạch, thiết kế đô thị, lập dự án cải tạo, chỉnh trang, làm cho bộ mặt Thủ đô ngày càng khang trang, đảm bảo chất lượng sống cho người dân. Việc có một Quy chuẩn riêng cho khu vực đặc thù sẽ làm cho công tác cải tạo tái thiết chỉnh trang đô thị trong khu vực nội đô có tính khả thi hơn.

Phát triển đô thị phải bao gồm cả phát triển các khu đô thị mới,  đi đôi với chỉnh trang tái thiết, tái phát triển các khu vực đô thị cũ hiện hữu. Sẽ rất thiếu sót nếu không coi trọng chỉnh trang tái thiết, tái phát triển các khu vực đô thị cũ, hiện hữu vì hoạt động này sẽ tạo được thêm nguồn lực cho phát triển” – KTS Trần Ngọc Chính nêu quan điểm.

Trong khi đó, theo PGS.TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, xuất phát từ góc nhìn kinh thế học di sản, chúng ta nên ưu tiên đầu tư các dự án bảo tồn cho các di tích có khả năng tạo ra nguồn thu trực tiếp bổ sung nguồn vốn tái đầu tư cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá. Đã đến lúc phải tập trung đầu tư công cho những dự án mang tính tích hợp và bao trùm để biến di sản văn hoá từ dạng tài sản văn hoá – tài nguyên du lịch thành loại “hàng hoá đặc biệt” có giá trị kép cả về mặt văn hoá và kinh tế.

“Đó là chuỗi các sản phẩm du lịch đặc hữu, tour, tuyến du lịch riêng mang thương hiệu Hà Nội. Khu di tích lưu niệm Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám và Khu di tích Hồ Gươm – Đền Ngọc Sơn là những ví dụ điển hình cần được lan toả theo hướng bảo tồn gắn với phát triển du lịch và đầu tư liên ngành để có một sản phẩm hoàn chỉnh” – PGS.TS Đặng Văn Bài nêu quan điểm.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đánh giá cao các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học. Các ý kiến đều sâu sắc, trách nhiệm, thể hiện tình cảm với Hà Nội; khẳng định sự cần thiết xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Các ý kiến góp ý sẽ được tiếp thu, tổng hợp làm cơ sở tham gia đóng góp xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đảm bảo lần sửa đổi này sẽ có các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội giúp Thủ đô ngày càng phát triển.

Nguồn báo Kinh tế đô thị online

Bài viết cũ hơn