VUPDA góp ý cho đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Quỳnh Lưu Nghệ An

Quy hoạch xây dựng vùng huyện Quỳnh Lưu thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được lập và đưa ra xin ý kiến chuyên gia cùng các bên liên quan. KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị VN (VUPDA) đã có những góp ý chuyên môn để hoàn thiện quy hoạch này.

Huyện Quỳnh Lưu Nghệ An. Ảnh quynhluu,nghean

Quỳnh Lưu là huyện nằm ở phía Bắc Nghệ An, đây là huyện lớn của Nghệ An và cả nước với dân số là: 276.259 người (2019) và có diện tích là 440,690km2 Có thể nói Quỳnh Lưu là hình ảnh thu nhỏ của Nghệ An, vì có cả vùng núi, đồng bằng và vùng ven biển.

Quy hoạch xây dựng vùng huyện Quỳnh Lưu được lập cho thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã tuân thủ các Luật và Nghị định, phù hợp với các nội dung chỉ đạo của Trung ương và địa phương. Việc lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Quỳnh Lưu là công việc quan trọng và cấp bách.

Theo đánh giá của Chủ tịch Hội Trần Ngọc Chính, Đồ án đã xác định được các định hướng phát triển không gian vùng huyện. Chủ tịch VUPĐA nhất chí cao với quan điểm là phát triển kinh tế xã hội của huyện Quỳnh Lưu phải đặt trong mối quan tâm chung cả nước, vùng Bắc trung Bộ, vùng duyên hải miền Trung và Nghệ An. Các nguồn lực của huyện được phát huy tối đa, xây dựng thị trấn Cần Giát là trung tâm chính trị, kinh tế xã hội của huyện. Đây là đô thị quan trọng ở phia Bắc tỉnh Nghệ An. KTS. Trần Ngọc Chính cũng thống nhất việc phân vùng chức năng và tổ chức không gian vùng của đồ án.

Tuy nhiên, để hoàn thiện đồ án, người đứng đầu Hội Quy hoạch Phát triển đô thị VN (Hội) đã nêu ra những điểm đồ án cần bổ sung như sau;

Những vấn đề nên xem xét nghiên cứu bổ sung

Phân tích mối liên kết vùng

Dựa vào vị trí địa lý và các tuyến giao thông quan trọng của Quỳnh Lưu, đồ án cần đưa ra sự phân tích về mối liên kết vùng một cách khoa học và thực tiễn hơn. Hoàng Mai được tách ra thành lập thị xã khi vị thế Hoàng Mai cận kề với khu kinh tế Nghi Sơn, có nhiều tiềm năng kinh tế biển và vật liệu xây dựng. Vậy nên, Quỳnh Lưu còn lại không thể tách rời Hoàng Mai và phải thấy Hoàng Mai là một bộ phận hành chính được tách ra để làm nhiệm vụ đi đầu trong quá trình đô thị hóa. Do đó, sự gắn kết giao thông vùng huyện với Hoàng Mai và gắn kết phát triển KTXH với Hoàng Mai phải được đặt ra mạnh mẽ hơn, rõ hơn, chưa kể đến sự gắn kết về địa lý, lịch sử, truyền thống phong tục tập quán của hai địa phương này.

Mặt khác phải làm rõ hơn mới quan hệ với Thái Hòa và huyện Nghĩa Đàn. Đây là quan hệ quan trọng về mảng phát triển kinh tế lâm nghiệp. Các tuyến đường 48, 48B, 48E, 48D đều kết nối với đường Hồ Chí Minh và các huyện Nghĩa Đàn, Quỳnh Hợp, Quỳnh Châu… Muốn phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các khu du lịch hồ và biển, thì đều phải tính đến sự kết nối giao thông với các huyện phía Tây Nghệ An.

Trong quy hoạch vùng, hệ thống giao thông kết nối là quan trọng nhất.

Với Quỳnh Lưu, hệ thống giao thông không chỉ là giao thông liên tỉnh, liên huyện, mà giao thông cấp quốc gia qua huyện cũng cần được quy hoạch và xử lý để phù hợp với sự phát triển của huyện. Cao tốc Bắc – Nam qua Quỳnh Lưu có được bao nhiêu nút giao cắt và điểm kết nối với huyện cũng phải được làm rõ. Đường sắt cao tốc có ga dừng không? Đường sắt hiện tại đóng vai trò gì? Đường ven biển phải có sự phân tích cụ thể về chức năng, mặt cắt, cầu nối qua sông.

Với giao thông của vùng và quốc gia, hướng kết nối quan trọng phát triển vẫn là hướng về Hoàng Mai – Thanh Hóa và Nghĩa Đàn. Hướng về Diễn Châu là kết nối với khu kinh tế Đông Nam và với Thành phố Vinh (nhưng kết nối và phát triển đô thị theo hướng này, không phải là hướng chính).

Về phát triển kinh tế: Quỳnh Lưu có bờ biển dài 19,5 km. Có 2 cửa lạch (Lạch Thơi và Lạch Quèn), có bãi tắm dài và đẹp. Về kinh tế biển cần làm rõ hơn (không gian biển) theo Luật Quy hoạch.

Bãi biển Quỳnh Long tại huyện Quỳnh Lưu

Vậy nên phải chú ý trục không gian biển nhằm vào Sơn Hải, Quỳnh Thuận, Quỳnh Long và Tiến Thủy (phải ôm trọn 2 cửa sông) vào trong một khu vực phát triển biển (bao gồm đánh bắt, chế biến hải sản, làm muối, đóng tàu, là khu vực đồn trú của tàu thuyền khi có gió bão). Theo tôi đây là khu công nghiệp dịch vụ quan trọng nhất của Quỳnh Lưu, cần phải tăng thêm diện tích đất công nghiệp lên hàng trăm ha. Việc đánh bắt, chế biến hải sản khu vực này phải cạnh tranh với Hoàng Mai và là khu công nghiệp biển (chế biến) lớn nhất tỉnh Nghệ An. Đây cũng sẽ là một tiền đề quan trọng để xem xét việc hình thành đô thị Sơn Hải trong tương lai.

Biển Quỳnh Lưu từ Quỳnh Bảng đến Tiến Thủy là nơi được quy hoạch thành khu du lịch nghỉ biển, nên cần phải có tổ chức đô thị du lịch biển, với đô thị Quỳnh Bảng là hạt nhân.

Ở phía Bắc gần Tân Thắng – Quỳnh Thắng – Quỳnh Tân lấy hồ Vực Mấu làm trung tâm. Khu vực này có giao thông thuận lợi kết nối Đông – Tây và nối với các điểm phát triển đô thị.

Riêng đô thị Sơn Hải: lấy phương án mở rộng về Quỳnh Thuận. Trong trường hợp này đô thị Sơn Hải mới có đủ năng lực là đô thị biển vừa có lợi thế  là có Lạch Thơi với tiềm năng đánh bắt và chế biến, nhưng thiếu đi một cảng quan trọng là cảng Lạch Quèn. Đây là thế mạnh cho sự phát triển lớn về quy mô đất đai, mặt nước và dân số có chất lượng.

Theo phương án này, tôi đề nghị Sơn Hải lấy Quỳnh Thuận và lấy thêm cả xã biển Quỳnh Long – nơi có mật độ dân cư đông, có nhiều bãi biển đẹp, hấp dẫn. Nếu đô thị biển Sơn Hải có cả Quỳnh Thuận, Quỳnh Long sáp nhập vào sẽ là một không gian đô thị biển, phát triển đúng tầm và là một điểm phát triển kinh tế lớn của huyện ở phía Nam.

Do đề án đang trong quá trình hoàn thiện, phần tiền đề phát triển vùng và dự báo phát triển đang trong giai đoạn nghiên cứu, nên tôi xin được nêu một số gợi ý cho nhóm tác giả:

Tiền đề phát triển vùng huyện phải đề cập nhiều đến không gian kinh tế biển, nhất là việc đánh bắt, nuôi trồng, chế biến. Vì đây là thế mạnh của Quỳnh Lưu. Phát triển lâm nghiệp và công nghiệp như xi măng, vật liệu xây dựng, chế biến hoa quả là thế mạnh cho khu vực miền núi. Còn hướng phát triển vùng đồng bằng nên chuyển mạnh sang dịch vụ nông nghiệp, chăn nuôi và các sản phẩm công nghệ cao. Không nên đưa phát triển cây lúa làm mục tiêu chính, vì đây không phải là lợi thế so với Yên Thành và các huyện có việc tưới tiêu thuận lợi hơn được./.

Tổng hợp: Thanh Ý

 

Bài viết cũ hơn