Hà Nội: Không sáp nhập quận Hoàn Kiếm

Sáng 25-4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì phiên họp trực tuyến UBND TP tháng 4-2024, để xem xét một nội dung theo chương trình công tác năm 2024 và chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP. Tại phiên họp, tập thể UBND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Giữ nguyên đơn vị hành chính cấp huyện

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh, TP sẽ giữ nguyên đơn vị hành chính cấp huyện là 30 đơn vị, gồm 12 quận, 17 huyện, 1 thị xã.

Riêng số lượng đơn vị hành chính cấp xã sau khi thực hiện sắp xếp còn 518 đơn vị, gồm 337 xã, 160 phường, 21 thị trấn. Sau sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã ở Hà Nội giảm 61 đơn vị, gồm 46 xã, 15 phường tại 20 quận, huyện, thị xã. Ba huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì không thực hiện sắp xếp trong giai đoạn này, sẽ thực hiện trong đề án xây dựng huyện lên quận trong thời gian tới.

Hà Nội nêu lý do không nên sáp nhập quận Hoàn Kiếm

Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, các sở, ngành và quận, huyện, thị xã cần ứng trực, xử lý kịp thời, nhanh gọn, hiệu quả các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân và doanh nghiệp. “Không được để xảy ra tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu trong thực hiện các thủ tục hành chính” – ông Thanh nói.

Về công tác cán bộ sau sắp xếp đơn vị hành chính, chủ tịch Hà Nội yêu cầu thực hiện, vận dụng theo nguyên tắc lắng nghe, đáp ứng nguyện vọng về công việc theo quy định, không để nảy sinh tâm tư, thiệt thòi đối với đội ngũ cán bộ dôi dư.

Lý do không nên sáp nhập quận Hoàn Kiếm

Trước đó, vào cuối tháng 7-2023, tại hội nghị toàn quốc về sắp xếp đơn vị hành chính, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí theo nghị quyết 35 của Quốc hội, có 1 quận và 176 xã, phường sẽ thuộc diện phải sáp nhập trong giai đoạn 2023-2025.

Cụ thể, quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sáp nhập vì quy chiếu theo các tiêu chí theo nghị quyết 35 của Quốc hội, quận này không đủ tiêu chí về diện tích. Theo quy định, mỗi quận phải có diện tích tối thiểu 35km², dân số 150.000 người. Quận Hoàn Kiếm dù đủ tiêu chí về dân số nhưng chỉ đạt 15% chỉ tiêu về diện tích (5,35km2).

Tuy nhiên, trong phương án sắp xếp của UBND TP Hà Nội, TP cho rằng không nên sáp nhập quận Hoàn Kiếm vì nhiều lý do.

Trong đó, quận Hoàn Kiếm là quận trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế và văn hóa của TP Hà Nội. Quận có địa giới hành chính ổn định, hình thành trước năm 1945, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa… gắn với truyền thống lịch sử hình thành của thành Đại La, Thăng Long, Đông Đô…

Khu phố cổ Hà Nội đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. Quận có hai di tích quốc gia đặc biệt là đền Bạch Mã và di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.

Tên của quận Hoàn Kiếm gắn liền với truyền thuyết trả gươm sau chiến tranh giải phóng dân tộc của Vua Lê Thái Tổ.

Quy hoạch xung quanh hồ Hoàn Kiếm là một chỉnh thể có yếu tố đặc thù, kế thừa lịch sử, văn hóa, kiến trúc, được chia ra làm 3 khu vực chính: khu phố cổ, khu vực hồ Gươm và phụ cận, khu phố cũ, giữ hình thái ổn định từ năm 1990 đến nay.

Kinh tế quận Hoàn Kiếm trong những năm gần đây liên tục tăng trưởng cao, bền vững; cơ cấu kinh tế chủ yếu là thương mại, du lịch, dịch vụ. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hằng năm đều vượt so với kế hoạch TP giao (năm 2021, 2022 đạt hơn 14.000 tỉ đồng).

TP Hà Nội đang chỉ đạo xây dựng các đề án quan trọng, như bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử văn hóa khu phố cũ thành vùng di sản; phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa chức năng.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: “Quận Hoàn Kiếm rất đặc thù, TP sẽ tìm cách thuyết phục, tinh thần là bảo vệ giữ nguyên, ổn định quận”./.

Theo tuoitre.vn

Bài viết cũ hơn